Các 'ông lớn' ngành thực phẩm tận dụng AI để dự đoán công thức nấu ăn
Các giám đốc điều hành từ Kellanova, Ingredion và nền tảng phân tích người tiêu dùng Tastewise, cho biết công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) đang giúp công ty đón đầu xu hướng ẩm thực mới nhất và đối phó với những thách thức tiềm ẩn trong chuỗi cung ứng.
Kellanova và Ingredion là hai trong số các công ty tận dụng công nghệ trong chuỗi cung ứng để tinh chỉnh công thức và đảm bảo sản phẩm tuân thủ quy định. Cả hai đã chia sẻ chi tiết về việc sử dụng AI của họ cùng với nhà cung cấp trí tuệ nhân tạo Tastewise trong sự kiện trực tuyến "Đổi mới sáng tạo trong sản xuất thực phẩm" do Food Dive và ấn phẩm liên kết Manufacturing Dive tổ chức vào ngày 9-4 vừa qua.
Ông David Lestage, Giám đốc R&D tại Kellanova, cho biết tập đoàn đứng sau các thương hiệu như Pringles (bánh snack khoai tây) và Rice Krispies Treats (bánh cốm gạo) nổi tiếng tại Mỹ, đang sử dụng công nghệ để giải quyết các thách thức về hoạt động, quy định và người tiêu dùng. Năm 2024, Kellanova đã liệt kê AI là một trong năm ưu tiên công nghệ hàng đầu, cùng với bản sao kỹ thuật số và phân tích dữ liệu.
Theo đó, Kellanova sử dụng AI để xác định thành phần thay thế khi nguyên liệu thô cụ thể không còn. Các nền tảng mà công ty này sử dụng có thể xác định các loại hoặc biến thể khác nhau của gạo hoặc bắp.
"Bạn có thể chuyển đổi mọi thứ hiệu quả, ít gánh nặng lao động hơn và đẩy nhanh các quyết định thực hiện những thay đổi đó", ông David Lestage nói thêm.

Ai ngày càng hữu hiệu cho các công ty thực phẩm trong nghiên cứu đổi mới sản phẩm. Ảnh minh họa: Getty Image
Kellanova và Ingredion ngày càng sử dụng AI nhằm theo kịp việc tuân thủ quy định mới. Để xác định những diễn biến mới nhất về quy định trên toàn thế giới liên quan đến các lĩnh vực như bao bì và khí thải carbon, Kellanova sử dụng nền tảng RegAsk. Công nghệ này cho phép nhân viên của công ty không bị mất thời gian vào việc giải quyết các quy định riêng biệt của từng quốc gia, từ đó, giúp họ tập trung vào các nhiệm vụ khác.
Còn tại Ingredion, ông Chad Davis, Phó chủ tịch Chuỗi cung ứng toàn cầu, cho hay công ty đang sử dụng AI để dự đoán thành phần nào sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi xảy ra khủng hoảng chuỗi cung ứng, như thuế quan hoặc những trở ngại bất ngờ, chẳng hạn như một con tàu bị kẹt ở Kênh đào Suez.
Đặc biệt, Ingredion đã tạo ra một "bản sao kỹ thuật số" của mạng lưới chuỗi cung ứng, với các địa điểm sản xuất và phân phối, nguồn cung vật liệu cùng với chi phí và dữ liệu xu hướng tiêu dùng từ khắp nơi trên thế giới. Công nghệ này cho phép công ty xem xét cách các sự kiện như thuế quan ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng, giúp Ingredion luôn sẵn sàng xử lý nếu những thách thức tiềm ẩn trở thành hiện thực.
"Chúng tôi đã mô phỏng tất cả những điều đó trong một mô phỏng toàn cầu. Vì vậy, khi có sự gián đoạn xảy ra, chẳng hạn như biểu giá, chúng tôi sẽ cập nhật các bảng trong mô phỏng của mình và đưa ra giải pháp tốt nhất tiếp theo", ông Chad Davis nhấn mạnh.
Ngoài chuỗi cung ứng, các công ty cũng đang dựa vào AI để theo kịp xu hướng thay đổi liên tục của người tiêu dùng nhằm khai thác hương vị hoặc sản phẩm mới tiếp theo.
Các nhà khoa học thực phẩm của Kellanova sử dụng Tastewise để mở rộng khả năng sáng tạo của công ty, như thiết kế bao bì hay công thức nấu ăn được đề xuất. Ông David Lestage cho biết công ty cũng sử dụng các công cụ AI của Microsoft trong các nền tảng như Edge và Copilot để khai thác thông tin chi tiết cho quá trình phát triển sản phẩm.

Ngày nay, AI có thể "góp mặt" trong một quá trình phát triển sản phẩm mới. Ảnh minh họa: Foodinspiration
Có những sắc thái và mặt tích cực mà nhà sản xuất Cheez-It đã tìm thấy trong mỗi nền tảng AI mà họ từng thử. "Các công cụ hiện cho phép bạn nhận được phản hồi của người tiêu dùng, giúp đẩy nhanh tiến độ phát triển sản phẩm của bạn lên nhiều lần", ông Lestage bày tỏ.
Còn công ty AI Tastewise phân tích hàng tỉ điểm dữ liệu, chẳng hạn như tương tác trên mạng xã hội, công thức nấu ăn tại nhà và thực đơn nhà hàng để dự báo xu hướng nào đang nổi lên trong ngành thực phẩm.
Nền tảng này bao gồm một chatbot tương tự như ChatGPT, cho phép người dùng đặt câu hỏi cụ thể. Quá trình này cho phép các công ty nhanh chóng dự đoán những gì người tiêu dùng sẽ yêu cầu thay vì chỉ là "xu hướng nghiên cứu tĩnh", ông Tal Tochner, Giám đốc điều hành của Tastewise cho biết.
"Các công ty thực sự chiến thắng là những công ty có thể cá nhân hóa và thực sự hiểu người tiêu dùng của mình. Họ đang tìm câu trả lời cho những câu hỏi siêu cục bộ hoặc những câu hỏi phù hợp với đối tượng để điều chỉnh các chiến lược tiếp thị của mình và giành được vị trí tốt trên kệ hàng", ông Tal Tochner nhấn mạnh.
Theo fooddive