Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc vượt kỳ vọng
Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc vượt kỳ vọng trong tháng 6, nhờ lượng hàng xuất khẩu mạnh mẽ sang các thị trường ngoài Mỹ.

Trong nửa đầu năm 2025, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu giảm 3,9%. Ảnh: AFP
Dữ liệu hải quan cho thấy kim ngạch xuất khẩu (tính bằng USD) của Trung Quốc đã tăng 5,8% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước, vượt qua ước tính tăng 5% trong cuộc thăm dò trước đó của Reuters.
Trong khi đó, nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 6 đã tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù không đạt kỳ vọng tăng 1,3% của các nhà kinh tế, nhưng đây là tháng đầu tiên nhập khẩu của Trung Quốc ghi nhận tăng trong năm nay, đảo ngược xu hướng sụt giảm trong bối cảnh nhu cầu nội địa chững lại.
Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tiếp tục sụt giảm ở tháng thứ 3, với mức giảm hơn 16,1% trong tháng 6, nhưng sức giảm đã vơi bớt so với tháng trước trong bối cảnh hai bên đạt thỏa thuận "đình chiến" thuế quan. Mặt khác, nhập khẩu từ Mỹ trong tháng 6 đã giảm 15,5%. Tháng 5 ghi nhận xuất khẩu sang Mỹ của Trung Quốc lao dốc 34% còn nhập khẩu giảm 18%.
Lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á đã tăng 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái và lượng hàng xuất khẩu sang các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tăng 7,6%, theo tính toán của đài CNBC dựa trên dữ liệu thương mại chính thức. Nhập khẩu từ các khu vực này hầu như không thay đổi, lần lượt tăng 0,08% và 0,41%.
Theo dữ liệu hải quan, trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu giảm 3,9%, với thặng dư thương mại là 585,96 tỷ USD - cao hơn gần 35% so với cùng kỳ năm trước.
Chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thúc đẩy các nhà xuất khẩu Trung Quốc đẩy nhanh nỗ lực đa dạng hóa sang các thị trường thay thế. Trong tháng 4 và tháng 5, xuất khẩu của Trung Quốc có vẻ phục hồi, tăng lần lượt 8,1% và 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, do lượng hàng hóa xuất khẩu tăng mạnh sang các nước Đông Nam Á và EU đã bù đắp cho sự sụt giảm hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ.
Mức thuế quan tới 145% của Tổng thống Trump đối với hàng hóa Trung Quốc đã có hiệu lực trong thời gian ngắn vào tháng 4, với việc Bắc Kinh trả đũa bằng mức thuế 3 con số và các biện pháp trừng phạt khác, chẳng hạn như kiểm soát xuất khẩu các khoáng sản quan trọng.
Thỏa thuận "đình chiến" thương mại mà Mỹ và Trung Quốc đạt được tại Thụy Sĩ vào ngày 12/5 cùng với điều kiện gỡ bỏ phần lớn thuế quan trong 90 ngày, gần như đã bị trật bánh, khi Washington cáo buộc Bắc Kinh chậm trễ thực hiện cam kết nới lỏng các hạn chế đối với xuất khẩu đất hiếm, trong khi Bắc Kinh chỉ trích gay gắt các biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ mới và việc Washington thu hồi thị thực sinh viên.
Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã được cải thiện sau hai ngày đàm phán tại London vào tháng trước, nơi cả hai bên đã đạt được một khuôn khổ để thực hiện sự đồng thuận đã đạt được tại Thụy Sĩ.
Theo đó, Bắc Kinh đã đồng ý nối lại việc xuất khẩu đất hiếm trong khi Washington đề nghị nới lỏng một số hạn chế xuất khẩu đối với ethan, phần mềm thiết kế chip và linh kiện động cơ phản lực.
Hai bên đang nỗ lực hướng tới hạn chót ngày 12/8 để đạt được một thỏa thuận bền vững.
Ông Wang Lingjun, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc, cho biết hai bên "khó khăn lắm mới đạt được" thỏa thuận Geneva và khuôn khổ thỏa thuận London và cả hai bên đang đẩy nhanh việc thực hiện các điều khoản đã thỏa thuận.
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết ông đã có các cuộc đàm phán "mang tính xây dựng và thực tế" với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và khả năng Tổng thống Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là rất cao.
Trong khi đó, Tổng thống Trump đã tăng cường các cuộc đàm phán với các đối tác thương mại khác, đe dọa áp thuế quan cao hơn để buộc các đối tác nhượng bộ, với mục tiêu rõ ràng là hạn chế các hoạt động trung chuyển hàng hóa liên quan đến Trung Quốc.
Ông Trump đe dọa sẽ áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia thành viên theo chính sách "chống Mỹ" của BRICS, một tổ chức mà Trung Quốc là thành viên sáng lập. Mức thuế quan này có thể làm gia tăng thêm rủi ro kinh tế cho Bắc Kinh.
Trung Quốc dự kiến công bố tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II/2025 vào ngày mai (15/7). Các nhà kinh tế được Reuters thăm dò dự đoán nền kinh tế Trung Quốc đạt tăng trưởng 5,1% trong quý II, chậm hơn mức tăng 5,4% của quý I.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tang-truong-xuat-khau-cua-trung-quoc-vuot-ky-vong-d330447.html