Các quỹ mở có hiệu suất đầu tư vượt trội, nhà đầu tư vẫn 'thờ ơ'
Đa số quỹ đầu tư có hiệu suất vượt trội so với mức tăng trưởng của VN-Index (+12,1%), tuy nhiên, đến nay mới chỉ có ít nhà đầu tư cá nhân quan tâm và biết đến hình thức thông qua quỹ mở.
![Số vốn đầu tư qua quỹ mở được quản lý chuyên nghiệp, chặt chẽ bởi các chuyên gia tài chính nhiều kinh nghiệm.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_241_51457937/ebfd9068a7264e781737.jpg)
Số vốn đầu tư qua quỹ mở được quản lý chuyên nghiệp, chặt chẽ bởi các chuyên gia tài chính nhiều kinh nghiệm.
Tăng trưởng trên 20%
Theo báo cáo của FiinGroup, hoạt động của các quỹ đầu tư tại Việt Nam có hiệu suất ổn định ở nhóm quỹ Trái phiếu, nhưng biến động mạnh ở nhóm quỹ cổ phiếu. Nhóm quỹ cổ phiếu đạt mức tăng trưởng vượt trội trong năm 2024 (+20%), tuy nhiên hiệu suất trung bình ở mức thấp hơn (10,3%) trong khung thời gian 5 năm và âm 0,8% trong giai đoạn 3 năm, chủ yếu do khoản lỗ lớn vào năm 2022. Điều này cho thấy sự thiếu ổn định của nhóm quỹ này trong dài hạn, nhưng mức hiệu suất trung bình 10,3% trong 5 năm là tương đối ổn.
Có 41/66 quỹ đầu tư cổ phiếu ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội so với VN-Index (+12,1%) trong năm 2024 nhờ hiệu suất tích cực trong giai đoạn nửa đầu năm. Tuy nhiên, hiệu suất của đa số các quỹ kém đi rõ rệt trong nửa cuối năm 2024, khi thị trường ở trạng thái đi ngang với thanh khoản giảm sút và chịu áp lực bán ròng tiếp tục từ khối ngoại.
Quỹ Cổ phiếu Kinh tế Hiện đại VinaCapital (VMEEF) – quỹ mới được thành lập từ năm 2023 dẫn đầu với mức tăng trưởng +34% nhờ phân bổ tỷ trọng lớn vào các cổ phiếu Ngân hàng và Công nghệ (FPT, FOX). Tiếp đến là quỹ Tăng trưởng Dài hạn Việt Nam (VFMVSF) với mức tăng +29,7% - mức hiệu suất cao nhất của Quỹ kể từ khi thành lập (năm 2021) và xét cho khung thời gian 5 năm, Quỹ này đạt hiệu suất khá cao với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt +15,3%. Quỹ Cổ phiếu Tiếp Cận Thị trường VinaCapital (VESAF) và quỹ Đầu tư Lợi thế Cạnh tranh Bền Vững SSI (SSI-SCA) duy trì mức tăng trưởng kép hàng năm ổn định ở cả khung thời gian ngắn và dài.
Trong khi đó, hiệu suất ổn định ở nhóm quỹ Trái phiếu tuy không đạt mức tăng trưởng cao như nhóm quỹ Cổ phiếu, hiệu suất của nhóm quỹ Trái phiếu ổn định qua các năm. Trong năm 2024, có 19/23 quỹ trái phiếu ghi nhận mức sinh lợi cao hơn lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của Vietcombank (4,6%). Trong đó, quỹ TCBF tiếp tục đứng đầu với hiệu suất vượt trội so với mặt bằng chung (+13,7%), nhưng vẫn thấp hơn so với hiệu suất năm 2023 (+32,16%).
Đứng thứ hai là Quỹ Trái phiếu MB (MBBOND) với hiệu suất +8,3%. Ngược lại, quỹ Trái phiếu lợi tức cao HD (HDBond) là quỹ trái phiếu duy nhất có hiệu suất âm (-0,3%) với danh mục phân bổ 44,4% vào trái phiếu, 13,7% vào cổ phiếu và phần còn lại chủ yếu là chứng chỉ tiền gửi. Trong đó, trái phiếu của VietCredit và cổ phiếu thuộc Tập đoàn Vingroup chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục của HDBond.
Về dài hạn, hiệu suất nhóm quỹ đầu tư trái phiếu khá tích cực khi lợi nhuận đều tốt hơn lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 36 tháng (5,3%) và lãi suất tiết kiệm 60 tháng (6,8%) của Vietcombank.
Chưa đến 0,4% tổng dân số tham gia đầu tư quỹ mở
Tính đến cuối năm 2024, có khoảng 393.000 nhà đầu tư tham gia đầu tư quỹ mở, tăng 54% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, con số này chỉ chưa đến 0,4% tổng dân số hiện nay và quy mô vẫn chỉ tương đương dưới 0,5% GDP.
Một số báo cáo có thể cho thấy, quy mô của ngành Quản lý quỹ đạt 7% GDP, tuy nhiên có tới 90% giá trị tài sản quản lý đến từ ủy thác đầu tư, trong đó 85% giá trị ủy thác đến từ các công ty bảo hiểm và 80% giá trị ủy thác là trái phiếu và tiền gửi.
![Hiệu suất theo loại hình quỹ (chỉ tính quỹ mở). Nguồn: FiinPro-X Platform.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_241_51457937/0c008b94bcda55840ccb.jpg)
Hiệu suất theo loại hình quỹ (chỉ tính quỹ mở). Nguồn: FiinPro-X Platform.
Hiệu suất đầu tư của các quỹ mở đều ghi nhận “lãi kép” hàng năm là như vậy, nhưng vẫn bị nhà đầu tư cá nhân “thờ ơ”. Lý giải điều này, ông Nguyễn Tùng Anh - Giám đốc nghiên cứu rủi ro tín dụng FiinRatings cho biết, nhà đầu tư cá nhân "chưa quá mặn mà" với kênh chứng chỉ quỹ một phần do văn hóa đề cao tính tự chủ và kiểm soát, thói quen tự bảo vệ, quản lý tài sản đã có từ lâu đời nay. Nhiều người cũng chưa hiểu rõ lợi ích của việc ủy thác quản lý tài sản cho các chuyên gia. Đồng thời, có tâm lý thiếu tin tưởng vào các tổ chức tài chính, do sự thiếu minh bạch hoặc các vụ việc tiêu cực trong quá khứ
TS. Lê Xuân Nghĩa – Chuyên gia Tài chính ngân hàng nhận định, đa số người dân chưa biết, chưa hiểu và chưa tận dụng được các cơ hội đầu tư dù Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP hàng đầu thế giới. Thậm chí, nhiều người vẫn đánh giá đầu tư tài chính là đánh bạc trong khi đây là kênh đầu tư của người có kiến thức.
“Để tiếp cận được thì phải thông qua người tư vấn am hiểu nhưng điều này chưa phổ biến ở nước ta”, ông Nghĩa nhận xét.
Theo bà Nguyễn Thị Hằng Nga - CFA, Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF), các quỹ đầu tư đóng vai trò rất quan trọng nhưng ở Việt Nam nhiều nhà đầu tư vẫn dè dặt đầu tư thông qua các quỹ. Đầu tư và nắm giữ các quỹ cổ phiếu uy tín chính là lựa chọn thay thế cho việc sở hữu và điều hành doanh nghiệp nhằm đạt lợi nhuận cao hơn, ví dụ 12-15%/năm. Theo một số thống kê thì có đến 50-70% hộ dân Việt Nam đầu tư bất động sản, tuy vậy đầu tư bất động sản có một nhược điểm là thanh khoản thấp.
Theo đó, bà Nga cho rằng, nhu cầu đa dạng hóa từ tiền gửi, từ bất động sản sang chứng chỉ quỹ là tiềm năng và triển vọng phát triển của ngành Quản lý quỹ ở Việt Nam là rất lớn.
Với những người không có đủ thời gian và kiến thức, cần khuyến khích họ gia tăng đầu tư qua quỹ mở. Tuy nhiên, trước khi đầu tư, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ chiến lược và hiệu suất đầu tư của quỹ cũng như cách nhà điều hành quỹ vận hành qua các chu kỳ biến động của thị trường để chọn quỹ phù hợp với khẩu vị rủi ro.