Các sân bay châu Á biến thành các thành phố nhỏ
Mục đích xây dựng sân bay thường nhằm tạo động lực phát triển cho thành phố nhưng các sân bay mới xây dựng ngày nay ở châu Á chẳng khác nào những thành phố thu nhỏ với đầy đủ các dịch vụ phục vụ du khách và người dân địa phương từ trung tâm y tế, khu mua sắm, phòng triển lãm cho đến căn hộ.
Hơn 100 tỉ đô la Mỹ xây dựng sân bay khắp châu Á
Nằm ở rìa phía Nam Bắc Kinh là một sân bay hình dạng con sao biển khổng lồ đang được xây dựng có tên Sân bay Quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh. Với tổng chi phí đầu tư lên đến 80 tỉ nhân dân tệ (11,3 tỉ đô la Mỹ), nó sẽ là một trong những sân bay lớn nhất thế giới khi khai trương vào tháng 9 này. Chính phủ Trung Quốc muốn sân bay Quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh trở thành thỏi nam châm thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư và trở thành điểm đến tham quan cho người dân trong nước cũng như du khách quốc tế.
“Sân bay này mở đường cho sự tăng trưởng kinh tế dài hạn của Bắc Kinh”, Yu Zhanfu, một đối tác của công ty tư vấn Roland Berger, nói. Yu kỳ vọng sân bay mới sẽ củng cố vai trò của Bắc Kinh như là điểm kết nối đối với du khách bay trong nước và bay quốc tế.
Sân bay Quốc tế Đại Hưng là một trong nhiều dự án sân bay lớn đang được xây dựng ở châu Á với tổng chi phí đầu tư hơn 100 tỉ đô la Mỹ nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại đang tăng vọt của tầng lớp trung lưu trong khu vực. Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) dự báo nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của châu Á sẽ vượt tổng nhu cầu của Bắc Mỹ và châu Âu vào năm 2037. Cụ thể, số lượt đi lại bằng đường hàng không của dân Trung Quốc sẽ tăng 11% mỗi năm trong hai thập kỷ tới bắt đầu từ năm 2017 và sẽ đạt 1,6 tỉ lượt vào năm 2037. Tốc độ tăng trưởng này là 10% ở Ấn Độ và 9% ở Indonesia mỗi năm so với mức 1-2% mỗi năm ở Mỹ và Anh.
Trong sáu năm tới, khoảng 24 sân bay mới sẽ được khai trương ở hàng loạt thành phố tại châu Á từ Bắc Kinh cho đến Mumbai (Ấn Độ). Trong khi đó, nhiều sân bay hiện tại ở châu Á cũng đang mở rộng thêm nhà ga và đường băng. Sân bay Quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh sẽ nâng công suất phục vụ đi lại hàng không ở Bắc Kinh lên thêm 70%, giúp giảm tình trạng quá tải ở sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh, sân bay sầm uất nhất thế giới vào năm ngoài với hơn 100 triệu lượt hành khách. Vào cuối năm nay, thành phố Thượng Hải cũng sẽ khai trương ga hàng không mới với 83 cổng có chi phí đầu tư 3 tỉ đô la Mỹ nằm riêng biệt với khu nhà ga chính của Sân bay Quốc tế Phố Đông Thượng Hải.
Thành phố thu nhỏ
Ng Mee Kam, Giám đốc chương trình nghiên cứu đô thị ở Đại học Trung văn Hương Cảng (Hồng Kông), cho biết các chính phủ ở châu Á đang xem các sân bay là điểm đến phục vụ người tiêu dùng và các doanh nghiệp địa phương. “Sân bay không chỉ là trung tâm vận chuyển. Nó ngày càng giống như một thành phố”, ông nói.
Các nhà quy hoạch đô thị từ lâu nhấn mạnh các vai trò mà các sân bay có thể hỗ trợ cho sự phát triển của các thành phố. Nhưng giờ đây, họ tập trung vào nỗ lực biến các sân bay nằm ở rìa của các khu vực đô thị thành những trung tâm kinh tế.
“Các sân bay mới của châu Á với công suất khổng lồ và diện tích bao quanh rộng lớn, tạo cho khu vực này có lợi thế trong việc đạt được nỗ lực trên”, ông Max Hirsh, phó giáo sư ở Đại học Hồng Kông, nhận định
Sân bay Quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh là điểm tựa cho một khu vực kinh tế rộng 50 ki lô mét vuông, bao gồm các phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển, các không gian triển lãm và các cơ sở y tế. Sân bay được kỳ vọng phục vụ 72 triệu lượt hành khách mỗi năm từ 2025 và đóng góp 900 tỉ nhân dân tệ (127 tỉ đô la Mỹ) cho nền kinh tế địa phương. Emaar Properties, công ty phát triển bất động sản lớn nhất ở Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UEA) đang lên kế hoạch xây dựng một khu phức hợp giải trí và dân cư gần khu vực kinh tế này.
Tại sân bay Changi của Singapore, khu phức hợp Jewel Changi, một tòa nhà mái vòm lợp kính cao năm tầng bao gồm một khu mua sắm, các khu vườn, một thác nước trong nhà cao nhất thế giới với tổng vốn đầu tư 1,2 tỉ đô la Mỹ đã trở thành một điểm đến tham quan và mua sắm cho người dân địa phương kể từ được khai trương hồi tháng 4-2019.
Chính phủ Singapore muốn chi hàng chục tỉ đô la nữa trong 10 năm tới để mở rộng sân bay này. Tan Khee Giap, phó giáo sư ở trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận định kế hoạch này có thể nâng tỷ trọng đóng góp kinh tế của sân bay Changi cho GDP của Singapore lên mức 25% vào cuối thập niên 2020 so với mức 16% hiện tại. Sân bay Changi có thể hỗ trợ cho nền kinh tế đảo quốc Sư tử bằng nhiều cách như việc làm và thu nhập được tạo ra bởi các hãng hàng không, công ty điều hành và các nhà cung cấp của sân bay Changi.
Tan Khee Giap nói: “Bạn không thể xem sự phát triển của sân bay này chỉ đơn thuần là sự phát triển sân bay. Nó nên được xem như là một đề án phát triển của đất nước”.
Chính quyền đặc khu Hồng Kông cũng đang chi hàng chục tỉ đô la Mỹ để mở rộng đảo nhân tạo nơi Sân bay Quốc tế Hồng Kông tọa tạc bằng cách xây thêm một đường băng và một nhà ga mới. Năm ngoái, chính quyền Hồng Kông đã trao cho Công ty New World Development gói thầu xây dựng dự án khu phức hợp giải trí và mua sắm trị giá 2,5 tỉ đô la Mỹ nằm gần sân bay này. Dự án, có tên gọi Skycity, dự kiến hoàn thành vào năm 2023 và sẽ trở thành khu mua sắm lớn nhất ở Hồng Kông. New World Development muốn tận dụng các lợi thế của dự án nằm gần sân bay, một cây cầu 55 dài ki lô mét và một đường hầm mới xây dựng kết nối Hồng Kông và Macao và thành phố Châu Hải, tỉnh Quảng Đông nhằm biến Skycity thành một trung tâm giải trí và mua sắm tầm cỡ khu vực.
Theo Bloomberg
Lê Linh