Các sàn diễn tưng bừng tổ chức Ngày Sân khấu Việt Nam
Mỗi dịp 12-8 Âm lịch hàng năm là ngành sân khấu cả nước lại tưng bừng đón mừng Ngày Sân khấu Việt Nam, với ý nghĩa thiêng liêng là tưởng nhớ và tri ân các vị tổ nghề, các thế hệ nghệ sĩ đã có nhiều công lao đóng góp cho sân khấu nước nhà.
Sáng 25-9, giới văn nghệ sĩ TP HCM đã nô nức mừng giỗ Tổ sân khấu và kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam.
Hội Sân khấu TP HCM tổ chức nghi lễ dâng hương tại trụ sở Ban ái hữu Nghệ sĩ TP HCM, ngôi nhà truyền thống từ nhiều thập niên qua đã trở thành điểm đến của số đông văn nghệ sĩ gắn bó với nghề.
Ông Trần Thế Thuận - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP HCM, NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy - Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM, nhà văn Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM đã thắp những nén hương tưởng nhớ những bậc tiền nhân đã khai sáng nghệ thuật sân khấu nước nhà.
Các nghệ sĩ hát bội thuộc Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP HCM đã thực hiện nghi thức dâng hương Tổ nghề, NSƯT Hữu Danh đọc lời khấn nguyện và NSƯT Trịnh Kim Chi - Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM đọc lời giới thiệu ý nghĩa ngày Sân khấu Việt Nam
Trước đó, một số đơn vị sân khấu cải lương đã chuẩn bị các chương trình mừng Ngày Sân khấu Việt Nam mà nói theo lời NSND Trần Ngọc Giàu, chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, năm nào sàn diễn cũng sáng đèn vào ba ngày cúng Tổ (11,12 và 13 tháng 8 âm lịch), như một biểu trưng của lòng yêu nghề, kính dâng lên Tổ nghiệp những thành quả sáng tạo nghệ thuật.
Đoàn 1 - Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã tổ chức biểu diễn "Trích đoạn cải lương kinh điển" vào tối 22-9. Đêm diễn có sự góp mặt của các nghệ sĩ chủ lực của Đoàn 1 là: NSƯT Dương Thanh, NSƯT Mỹ Hằng, các nghệ sĩ Minh Hoàng, Lê Thanh Thảo, Thanh Toàn, Võ Thành Phê, Nguyễn Văn Khởi, Kim Luận, Diễm Kiều, Thanh Đông, Phùng Ngọc Bảy, Hoàng Minh Vương… với các tiết mục ca cảnh, ca cổ và đặc biệt là 2 trích đoạn cải lương nổi tiếng "Cây sầu riêng trổ bông" và "Tiếng trống Mê Linh".
Sân khấu Chí Linh - Vân Hà tối 23-9 đã diễn vở cải lương tuồng cổ "Trung liệt Dương Gia Tướng" (tác giả Quang Nhã, đạo diễn Chí Linh) thu hút đông khán giả.
Tối 24-9, tại Nhà hát Truyền hình HTV đã diễn ra sôi nổi vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ lần thứ 18 năm 2023". Đồng thời, tại sân khấu Hồng Liên (Trung tâm văn hóa quận 6), Đoàn cải lương Tuồng cổ Huỳnh Long công diễn vở "Âm dương trận" (tác giả: Bạch Mai, đạo diễn: Hữu Quốc) và tổ chức nghi lễ cúng Tổ, qui tụ nhiều ngôi sao sân khấu biểu diễn phục vụ công chúng.
Nhà văn hóa Thanh Niên đã tổ chức Ngày Sân khấu Việt Nam, vinh danh những đóng góp của nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên, MC vì công tác cộng đồng.
Chiều 25-9, Sở Văn hóa Thể thao TP HCM, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM sẽ tổ chức chương trình "Ngày Sân khấu Việt Nam" tại Nhà hát TP. Các bộ môn nghệ thuật như: hát bội, cải lương, kịch nói, xiếc, ảo thuật, ca múa nhạc dân tộc, giao hưởng - thính phòng… sẽ biểu diễn những tiết mục đặc biệt như một lễ mừng công, kính dâng lên Tổ nghề sân khấu những giá trị sáng tạo nghệ thuật mà nghệ sĩ TP HCM luôn nỗ lực vun đắp.
Tối 25-9, Đoàn 2 - Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tổ chức chương trình "Ngọn lửa truyền thừa" (đạo diễn Điền Trung) quy tụ nhiều thế hệ nghệ sĩ từng gắn bó với Nhà hát: NSND Minh Vương, NSND Lệ Thủy, các NSƯT Thanh Nguyệt, Lê Thiện, Thanh Điền, Thoại Mỹ, Phượng Loan, Tấn Giao, Trọng Phúc, Tú Sương, Tâm Tâm, Quỳnh Hương, các nghệ sĩ Quốc Nhĩ, Bo Bo Hoàng, Trọng Nghĩa, Lê Thanh Thảo, Điền Trung, Võ Minh Lâm, Minh Trường, Nhã Thi...
NSND Thanh Tuấn trước khi xuống Bạc Liêu tham gia ban giám khảo cuộc thi "Tài năng diễn viên cải lương" do Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức, ông đã thực hiện nghi lễ dâng hương tại nơi ông tổ chức lớp đào tạo học viên.
Ông tâm sự, để có những ngày giỗ Tổ thiêng liêng này, giới văn nghệ sĩ TP HCM luôn nhắc nhở nhau nguyên tắc, đó là: "Muốn nhận lộc Tổ phải trau dồi nghề nghiệp, tu dưỡng đạo đức, thực hiện trọng trách người nghệ sĩ công dân. Tôi vui mừng vì sàn diễn TP HCM có nhiều vở diễn hay, các bộ môn đều dàn dựng các tiết mục thăng hoa cảm xúc. Và giới trẻ đã chứng minh sự trưởng thành, kế thừa thế hệ đi trước".
Nhóm nghệ sĩ Đoàn cải lương Kim Chung do NSND Minh Vương qui tụ cũng đã tổ chức lễ Giố Tổ sân khấu với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ lão thành như: NSND Lệ Thủy, NSƯT Thanh Nguyệt, nghệ sĩ Quốc Nhĩ, Thanh Phú, Hiệp Thành, NSƯT Tô Kim Hồng, nghệ sĩ Thành Chiến, Hồng Thủy…
Sân khấu kịch IDECAF tổ chức lễ Giỗ Tổ với lực lượng nghệ sĩ trẻ. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết: "Kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam là dịp để chúng ta hội ngộ thắp nén hương dâng tưởng nhớ Tổ nghề, đồng thời nhìn lại những thành tựu và khó khăn của sàn diễn để đề ra hững hướng đi, giải pháp cụ thể. Sân khấu IDECAF hiện có 3 điểm diễn: Viện Trao đổi Văn hóa Pháp, Nhà hát Nón lá và Nhà hát Kịch Thanh Niên; chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để 3 sàn diễn này sáng đèn phục vụ công chúng. Ngoài ra Nhà hát Múa rối nước Rồng vàng (Cung Văn hóa Lao Động TP HCM) trực thuộc Công ty Giải trí Thái Dương cũng sẽ nỗ lực không ngừng để dâng lên Tổ nghề những thành tựu mới".
Các sân khấu như: Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM, Nhà hát kịch TP HCM, Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP HCM, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Trung Tâm Ca Nhạc Nhẹ TP HCM, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Thế giới Trẻ, Sân khấu Hoàng Thái Thanh, Sân khấu Thiên Đăng, Sân khấu kịch Hồng Vân, Trung tâm Bồi dưỡng Nghệ thuật Hội Sân khấu TP HCM, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM, Sân khấu Trương Hùng Minh…đều có tổ chức lễ Giỗ Tổ sân khấu tại đơn vị của mình. .