Các sáng kiến của Việt Nam là hình mẫu để Campuchia học hỏi
Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, các nước OECD và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Campuchia, đang nỗ lực đẩy mạnh đầu tư bền vững nhằm cân bằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng OECD-Đông Nam Á 2023 diễn ra từ ngày 26-27/10 tại Hà Nội, Quốc vụ khanh Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia Sok Puthyvuth trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam, bày tỏ niềm tin về triển vọng hợp tác phát triển bền vững giữa các nước OECD và Đông Nam Á, cũng như tiềm năng phối hợp đẩy mạnh lĩnh vực viễn thông giữa Việt Nam và Campuchia.
Ông đánh giá ra sao về kết quả Hội nghị Bộ trưởng OECD-Đông Nam Á năm nay?
Đầu tiên, tôi xin cảm ơn Việt Nam đã chủ trì thành công diễn đàn năm nay và thu hút được sự quan tâm và nguồn vốn đầu tư của các nước OECD vào khu vực Đông Nam Á. Trong thời gian tới, các nước OECD có thể tham gia tài trợ cho các lĩnh vực tiềm năng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng như hạ tầng viễn thông và kỹ thuật số.
Đây còn là cơ hội lớn để các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Campuchia có thể học hỏi kiến thức chuyên môn, bài học kinh nghiệm từ các nước OECD để thúc đẩy phát triển bền vững, chuyển đổi xanh và số hóa.
Theo ông, bài học kinh nghiệm quý giá nhất mà các nước Đông Nam Á nhận được từ diễn đàn lần này là gì? Từ đó, Việt Nam và Campuchia nên hợp tác ra sao để triển khai hiệu quả bài học đó?
Từ các cuộc đối thoại, trao đổi ý kiến, kinh nghiệm trên nhiều vấn đề cụ thể xoay quanh chủ đề phát triển bền vững, các nước Đông Nam Á đã nhận diện được thách thức mà các nhà đầu tư nước ngoài gặp phải, qua đó chúng ta có thể gỡ bỏ dần các rào cản đầu tư để đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đang triển khai nhiều sáng kiến và cải cách tốt, đây có thể là hình mẫu để Campuchia học hỏi và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa hai nước.
Phát triển bền vững không chỉ là trọng tâm của Việt Nam hay Campuchia, mà còn của cả cộng đồng quốc tế. Do đó, các nước OECD luôn coi phát triển bền vững là chìa khóa trong chính sách đầu tư. Hơn nữa, thông qua việc ứng dụng công nghệ mới, các quốc gia Đông Nam Á có thể tái định hình mô hình đầu tư, nhằm đẩy lùi biến đổi khí hậu vì tương lai thế giới.
Sáng nay, 27/10, đại diện các nước Đông Nam Á và OECD đã tổ chức công bố báo cáo về mở rộng kết nối băng thông rộng ở Đông Nam Á. Xin ông cho biết về tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia trên lĩnh vực viễn thông nói chung và kết nối băng thông nói riêng trong thời gian tới?
Việc mở rộng băng thông ở Đông Nam Á là minh chứng cho tiềm năng đầu tư của khu vực. Hiện nay, hạ tầng công nghệ của các nước đều đặt mục tiêu phát triển băng thông, đặc biệt là tốc độ và độ trễ kết nối. Đây là lĩnh vực trọng tâm trong việc cung cấp dịch vụ số hóa cho người dân khu vực.
Việt Nam và Campuchia đã hợp tác chặt chẽ trên khía cạnh viễn thông và đẩy mạnh băng thông trong quá khứ. Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng và Campuchia bước vào giai đoạn chuyển đổi
năng lượng, phát triển xanh. Tôi hy vọng hai bên sẽ học hỏi lẫn nhau kinh nghiệm phát triển, qua đó đưa hợp tác song phương lên tầm cao mới, đặc biệt là quan hệ giữa chính phủ, doanh nghiệp và người dân hai nước.