Các tập đoàn công nghiệp Hàn Quốc đối phó với nguy cơ thuế quan của Mỹ
Hyundai Motor, nhà sản xuất ôtô lớn nhất Hàn Quốc, đã tăng tốc mở rộng sản xuất tại Mỹ trong bối cảnh làn sóng thuế mới của Mỹ dự kiến sẽ có hiệu lực trong tuần này.

Bên trong một nhà máy sản xuất ôtô của Hyundai Motor. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc ngày 1/4 đưa tin các ngành công nghiệp của nước này đang cảnh giác cao độ trước làn sóng thuế mới của Mỹ dự kiến sẽ có hiệu lực trong tuần này, do lo ngại sẽ gây tác động lớn với nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.
Hyundai Motor, nhà sản xuất ôtô lớn nhất Hàn Quốc, đã tăng tốc mở rộng sản xuất tại Mỹ, thị trường quốc gia lớn nhất của tập đoàn và không tính đến các thị trường vùng.
Tuần trước, tập đoàn này cam kết sẽ đầu tư 21 tỷ USD vào Mỹ trong bốn năm tới để mở rộng sản xuất tại đây. Hyundai dự định sẽ tăng công suất của nhà máy mới mở tại Georgia từ 300.000 lên 500.000 chiếc/năm.
Kết hợp với các nhà máy khác ở Alabama và Georgia, tập đoàn sẽ nâng sản lượng hằng năm tại Mỹ lên hơn 1 triệu chiếc.
Hyundai Motor America (HMA), chi nhánh bán hàng Bắc Mỹ của Hyundai, đã thông báo cho các đại lý về khả năng tăng giá xe.
Trong một thông báo nội bộ, Giám đốc Điều hành (CEO) của HMA, Randy Parker, cho biết giá xe hiện tại không được đảm bảo và có thể thay đổi.
Tương tự, trong tháng trước, Giám đốc Tài chính của Kia, Kim Seung Jun, cũng thông báo hãng đang cân nhắc các chiến lược giá mới.
Trong khi đó, GM Korea Co. - chi nhánh Hàn Quốc của General Motors Co. có trụ sở tại Mỹ - cho biết đang chịu áp lực lớn khi có tới 84% sản phẩm của công ty được xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Theo các chuyên gia, GM có thể sẽ xem xét chuyển sản lượng từ các cơ sở sản xuất tại Hàn Quốc sang các nhà máy ở Mỹ để giảm thiểu tác động của thuế quan, và điều này có thể tác động tới hơn 8.000 nhân viên tại chi nhánh Hàn Quốc.
Trong ngành công nghiệp nặng, các sản phẩm thép và nhôm của Hàn Quốc, hiện đang chịu mức thuế 25% từ ngày 12/3, dự kiến sẽ đối mặt với áp lực chi phí lớn hơn do thuế đối ứng từ các quốc gia khác.
Để đối phó, Hyundai Steel Co. lên kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy thép mới tại Louisiana (Mỹ) để sản xuất ngay tại địa phương.
Tập đoàn POSCO, nhà sản xuất thép hàng đầu của Hàn Quốc, cũng đang xem xét các khoản đầu tư tiềm năng vào Mỹ, bao gồm các cơ sở liên quan đến giai đoạn đầu của sản xuất thép như lò cao hoặc lò điện hồ quang.
Trong ngành bán dẫn, một số "ông lớn" của Hàn Quốc như Samsung Electronics Co. và SK Hynix Inc. cũng đối mặt với sự không chắc chắn gia tăng khi thuế quan của Mỹ đối với chip bán dẫn có thể gây xáo trộn các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bán dẫn là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ ba của Hàn Quốc sang Mỹ trong năm 2024, đạt tổng giá trị 10,6 tỷ USD, theo số liệu từ Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc.
Về phần mình, Chính phủ Hàn Quốc cũng đang tích cực xúc tiến các nỗ lực ngoại giao thông qua việc cử nhiều bộ trưởng tới Washington trong những tuần gần đây để thương thảo về khả năng được miễn trừ hoặc chỉ bị áp mức thuế đối ứng nhẹ nhàng nhất./.