Các tập đoàn dầu khí châu Âu đang 'quay lưng' với cam kết khí hậu
Sau khi đưa ra các cam kết ủng hộ quá trình chuyển đổi sinh thái, các tập đoàn dầu khí châu Âu đang từ bỏ lời hứa để lao vào tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn trong lĩnh vực này.
Báo Le Monde cho biết sau khi đưa ra các cam kết ủng hộ quá trình chuyển đổi sinh thái, các tập đoàn dầu khí châu Âu như BP, Shell và TotalEnergies đang từ bỏ lời hứa để lao vào tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn trong lĩnh vực này.
Năm 2020, khi đại dịch COVID-19 khiến thế giới rơi vào khủng hoảng cực kỳ nghiêm trọng, giá dầu thô đã sụt giảm mạnh. Rất nhanh chóng, các tập đoàn dầu mỏ lớn của châu Âu đã đưa ra những cam kết chuyển hướng sang trung hòa carbon. “Ngân sách carbon của thế giới đang cạn kiệt trông thấy, vì vậy chúng ta cần một sự chuyển đổi nhanh chóng hướng tới trung hòa carbon”, ông Bernard Looney - người khi đó mới được bổ nhiệm làm Chủ tịch tập đoàn BP - cảnh báo. Ông cũng đưa ra một kế hoạch “hiếm thấy” và được một phần của phong trào khí hậu ở Anh nhiệt liệt hoan nghênh.
Ông Patrick Pouyanné, CEO của Total, nay đã được đổi tên thành TotalEnergies, khi đó cũng đã khẳng định với báo chí rằng tính bền vững của các công ty dầu mỏ là vấn đề đã được đặt ra. Tập đoàn Shell (liên doanh giữa Anh và Hà Lan) hoặc ENI của Italy đều cam kết hướng tới trung hòa carbon vào năm 2050 và sẽ đầu tư ồ ạt cho các dự án năng lượng tái tạo. Trong khi đó, các đối thủ Mỹ là Exxon và Chevron lại có những động thái ngược lại là dành phần lớn đầu tư cho dầu mỏ và khí đốt.
Nhưng ba năm sau, các tập đoàn châu Âu còn giữ lại những gì cho các cam kết của mình? Giữa tháng Sáu vừa qua, Wael Sawan - ông chủ mới của Shell đã tuyên bố rằng tập đoàn này không có ý định tập trung cho các mục tiêu khí hậu. Shell đã thay đổi 180 độ bằng những kế hoạch cạnh tranh với "gã khổng lồ" Exxon của Mỹ. Quyết định của Shell thực ra là hành động theo chân BP khi công ty này, vào tháng 2/2023, đã tiết lộ việc từ bỏ mục tiêu giảm lượng khí thải carbon trên quy mô lớn vào năm 2050.
Về phần mình, ông chủ của TotalEnergies cũng nói rằng tập đoàn này, cũng như hai đối thủ cạnh tranh nêu trên, ít nhất sẽ tiếp tục đầu tư vào các giếng dầu mới cho đến năm 2030. Về phía ENI, tập đoàn này vừa mua lại nhà sản xuất Neptune Energy với giá 4,5 tỷ euro (4,94 tỷ USD) để tăng cường năng lực sản xuất dầu khí và đây một trong những thương vụ mua lại lớn nhất trong lĩnh vực này ở châu Âu.
Sự đảo chiều đã gây thất vọng cho dư luận châu Âu vốn rất hy vọng vào những nỗ lực nghiêm túc về chống biến đổi khí hậu của giới công nghiệp.
Tuy nhiên, sự đồng thuận khoa học là rõ ràng. Các báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC/GIEC) đều khẳng định rằng bất kỳ dự án năng lượng hóa thạch mới nào cũng cản trở khả năng duy trì các điều kiện sống trên hành tinh. Năm 2021, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), một tổ chức có lịch sử gần gũi với giới dầu mỏ, cũng đã khẳng định rằng để tuân theo quỹ đạo của Hiệp định Paris, thế giới “không nên có bất cứ dự án dầu khí mới nào”.
Mặc dù đã thừa nhận tính xác thực của những cảnh báo khoa học này, nhưng các “đại gia” dầu mỏ đến nay vẫn lại ngoảnh mặt làm ngơ. Thậm chí thay vì đưa ra các khuyến nghị cho giới công nghiệp năng lượng, IEA nên làm tốt hơn để thuyết phục các thành viên (các nước tiêu thụ dầu) giảm bớt nhu cầu, CEO của TotalEnergies - ông Patrick Pouyanné phát biểu với báo chí Pháp ngày 18/6. Lập luận của các nhà công nghiệp sản xuất dầu mỏ luôn giống nhau: chúng tôi đang đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.
Thực tế, đúng là thế giới đang hướng tới mức tiêu thụ dầu kỷ lục vào năm 2023, với mức tiêu thụ trung bình hơn 102 triệu thùng mỗi ngày. Sau khi đã tài trợ trong nhiều năm cho các ấn phẩm phủ nhận khoa học khí hậu, những "gã khổng lồ" dầu mỏ hiện đang sử dụng điệp khúc lịch sử của các công ty thuốc lá đa quốc gia. Họ không có bất cứ trách nhiệm nào, và câu chuyện chỉ nằm trong tay các chính quyền nhà nước.
Khủng hoảng năng lượng và hậu quả của cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến giá dầu mỏ và khí đốt bùng nổ. Chỉ riêng năm 2022, 5 tập đoàn dầu mỏ tư nhân lớn nhất thế giới đã kiếm được 153 tỷ USD lợi nhuận. Con số này cho thấy mô hình của các nhà sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào giá mỗi thùng dầu như thế nào. Do vậy, câu hỏi lặp đi lặp lại trong giới công nghiệp dầu mỏ là tại sao phải thay đổi mô hình khi nó mang lại lợi nhuận cao trong thời gian ngắn?
Tại TotalEnergies, hơn 70% khoản đầu tư được dành riêng cho dầu khí, và một phần lớn trong số đó được dành cho các dự án mới. Trên mục diễn đàn số ra tháng 5/2023, đã có gần 200 nhà khoa học Pháp yêu cầu các cổ đông lên tiếng phản đối chiến lược của tập đoàn này. Nhưng vô ích, bởi ban quản trị của TotalEnergies và các cổ đông vẫn muốn thực hiện một “chiến lược cấp tiến” nhằm tận dụng giá dầu và khí đốt cao hơn là nỗ lực theo con đường chuyển đổi.
Năm 2012, báo The New Yorker đã ấn hành một bức tranh biếm họa miêu tả một người đàn ông trong thế giới hoang tàn, giải thích cho những đứa trẻ còn hoài nghi: “Chắc chắn là hành tinh này đã bị hủy diệt. Nhưng trong một thời khắc huy hoàng của lịch sử, chúng ta đã tạo ra rất nhiều giá trị cho các cổ đông của mình”. Điều này một lần nữa phản ánh đúng thực trạng công nghiệp năng lượng hiện nay. Trong ngắn hạn, chiến lược tập trung đầu tư cho dầu mỏ sẽ mang lại lợi nhuận đặc biệt nhưng hậu quả của nó sẽ là thảm họa đối với quỹ đạo khí hậu toàn cầu./.