Các thành phố liên tiếp rơi vào tay Taliban: Chương mới đẫm máu ở Afghanistan?
Việc Taliban liên tiếp chiếm được thành phố thủ phủ đã dấy lên lo ngại về tương lai của Afghanistan sau khi Mỹ hoàn tất quá trình rút quân. Sự chuyển hướng tấn công sang các thành phố được cho là khởi đầu cho một chương mới đẫm máu ở Afghanistan.
Chỉ trong vòng vài ngày, Taliban đã chiếm được nhiều thành phố thủ phủ của Afghanistan. Điều này cho thấy chính phủ Afghanistan dường như không có đủ năng lực kiếm soát đất nước khi không có sự trợ giúp từ quân đội Mỹ.
Trong 20 năm qua, Taliban chưa từng tấn công trực tiếp vào nhiều tỉnh cùng một lúc như hiện nay. Chỉ riêng trong ngày 8/8, có tới 3 thành phố miền Bắc Kunduz, Sar-e-Pol and Taloqan rơi vào tay lực lượng này. Thậm chí nhiều thành phố đông dân khác cũng đang bị bao vây. Tình hình này được xem như một thất bại nghiêm trọng đối với lực lượng an ninh Afghanistan.
Các thành phố liên tiếp thất thủ
Ngày 9/8, Taliban chiếm được Aybak - thành phố thủ phủ thứ 6 và đang gây sức ép với thành phố Mazar-i-Sharif lớn nhất trong khu vực. Các tay súng vũ trang đã tràn vào thành phố Aybak mà không vấp phải bất cứ sự kháng cự nào.
“Thành phố Aybak đã rơi vào tay Taliban chiều 9/8. Các tay súng Taliban được vũ trang hạng nặng đã bao vây thành phố suốt 1 tuần. Thành phố thất thủ mà không xảy ra giao tranh. Lực lượng an ninh và giới chức địa phương đã rút về một bên và khoảng 30 phút sau, Taliban tiến vào thành phố. Không có trợ giúp nào từ Kabul. Người dân lo ngại, các cửa hàng đã đóng cửa, nhiều người đã chạy nạn trong những ngày qua”, một quan chức địa phương xác nhận với The Guardian.
Các thành phố liên tiếp rơi vào tay Taliban chỉ vài tuần trước khi các lực lượng Mỹ hoàn tất quá trình rút quân khỏi Afghanistan.
Theo một số đánh giá, kể từ khi Mỹ bắt đầu rút quân, Taliban đã chiếm được hơn một nửa trong số hơn 400 quận của Afghanistan. Các cuộc tấn công gần đây của lực lượng này vào thủ phủ các tỉnh đã vi phạm thỏa thuận hòa bình năm 2020 giữa Taliban và Mỹ. Theo thỏa thuận mở đường cho việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, Taliban cam kết không tấn công các thủ phủ cấp tỉnh như Kunduz.
Hôm 8/8, giới chức Mỹ cho biết, Tổng thống Biden đã được thông báo về các diễn biến ở Afghanistan nhưng không thay đổi quyết định trong đợt rút quân cuối cùng.
Những chiến thắng nhanh chóng của Taliban làm dấy lên lo ngại về khả năng của lực lượng an ninh Afghanistan trong việc bảo vệ các khu vực vẫn đang nằm trong sự kiểm soát của chính phủ. Kể từ tháng 5, Taliban đã tràn qua các vùng nông thôn và vào cuối tháng 6, lực lượng này bắt đầu tấn công các thành phố lớn của Afghanistan, lần đầu tiên sau nhiều năm.
Các thành phố thủ phủ thường là những “hòn đảo cuối cùng” có sự hiện diện của lực lượng chính phủ ở các tỉnh nằm trong kế hoạch tấn công của các tay súng Taliban. Bên cạnh đó, Taliban thường “khoe khoang” về chiến thắng trên các phương tiện truyền thông xã hội, nhằm thúc đẩy quan điểm rằng việc lực lượng này trở lại nắm quyền là không thể tránh khỏi.
Chuỗi chiến thắng của Taliban đã siết chặt vòng vây cả về chiến lược và tâm lý đối với thủ đô Kabul. Dù Taliban vẫn tiếp tục chiến dịch ám sát các quan chức Afghanistan và các nhân vật có ảnh hưởng trong xã hội ở Kabul những ngày gần đây, nhưng lực lượng này vẫn chưa thực hiện hoạt động quân sự đáng kể nào xung quanh thủ đô. Có lẽ Taliban đang thăm dò phản ứng của Mỹ và chính phủ Afghanistan về những chiến thắng gần đây của nhóm này.
Các cuộc bao vây đồng thời vào các trung tâm của tỉnh đã khiến lực lượng an ninh Afghanistan kiệt quệ và chịu nhiều sức ép. Bị áp đảo, các lực lượng Afghanistan co lại tập trung bảo vệ các thành phố quan trọng như Lashkar Gah và Kandahar ở phía Nam, Herat ở phía Tây và cả Kunduz ở phía Bắc trong những ngày gần đây - khiến những nơi khác dễ bị đánh chiếm.
Khi chiếm được thủ phủ đầu tiên hôm 6/8, thành phố Zaranj gần biên giới với Iran, lực lượng Taliban đã tiến vào thành phố mà gần như không vấp phải sự kháng cự nào. Một ngày sau, Taliban chiếm được thêm một thủ phủ khác, Sheberghan. Và riêng ngày 8/8, lực lượng Taliban đã tiến vào 3 thành phố thủ phủ khác, trong đó có Kunduz.
Một chương mới đẫm máu cho Afghanistan?
Các chuyên gia nhận định, việc Taliban chuyển hướng các cuộc tấn công sang chiếm các thành phố của Afghanistan là khởi đầu cho một chương mới đẫm máu ở Afghanistan.
Tại một phiên họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về Afghanistan, bà Deborah Lyons, cho biết: “Đây là một kiểu chiến tranh khác, nó gợi nhớ đến Syria gần đây hoặc Sarajevo (Bosnia và Herzegovina) cách đây không lâu. Tấn công vào các khu vực đô thị là cố ý gây ra thiệt hại to lớn và gây ra thương vong cho dân thường”.
Để tăng cường sức ép trên một mặt trận khác, Taliban cũng cho thấy khả năng thực hiện các cuộc tấn công có chủ đích ở thủ đô của Afghanistan. Tuần qua, Taliban đã thừa nhận thực hiện cuộc tấn công nhằm vào nhà của một quan chức quân đội hàng đầu và vụ ám sát một quan chức chính phủ cấp cao tại Kabul.
Cuộc bao vây Kunduz, một thành phố có 374.000 dân mà Taliban lâu nay coi như một “phần thưởng” chiến lược và biểu tượng, bắt đầu vào cuối tháng 6. Taliban đã đánh bại các binh sỹ chính phủ và các đơn vị cảnh sát trong các cuộc đụng độ diễn ra suốt ngày đêm. Vào đêm 7/8, cuộc giao tranh càng trở nên gay gắt khi Taliban thực hiện bước tiến cuối cùng nhằm vào lực lượng quân đội chính phủ đang kiệt sức.
Đến sáng 8/8, lực lượng an ninh rút về một thị trấn ở phía nam thành phố và các thành viên Taliban bắt đầu tràn ra đường phố.
Tiền tuyến bị đẩy sâu hơn vào các thành phố khiến dân thường Afghanistan bị mắc kẹt trong vòng xoáy bạo lực ngày càng leo thang.
Khi Taliban treo cờ trên quảng trường chính của Kunduz và thả hàng trăm tù nhân khỏi nhà tù trung tâm, một cảm giác bất an lan tỏa khắp thành phố: Những đám khói đen bốc lên bầu trời, sau khi hai trong số các khu chợ chính của thành phố bốc cháy.
Sulaiman Satarzada, 28 tuổi, một tiểu thương ở Kunduz cho biết: “Mọi người chỉ muốn chạy trốn và bỏ lại tất cả đồ đạc của mình”.
Vào cuối ngày hôm đó, Taliban cũng đã chiếm được thành phố phía bắc Taloqan, thủ phủ tỉnh Takhar và Sar-e-Pol, thủ phủ tỉnh phía bắc cùng tên. Với việc kiểm soát hầu hết tỉnh Sar-e-Pol, Taliban đã có bàn đạp để tấn công Mazar-i-Sharif, trung tâm kinh tế và thủ phủ của tỉnh Balkh, từ hai hướng khác nhau: Sar-e-Pol và Jowjzan ở phía tây, Kunduz ở phía đông.
Lực lượng an ninh Afghanistan mất dần quyền kiểm soát
Trong gần hai thập kỷ, Mỹ và NATO đã tham gia vào việc xây dựng đất nước Afghanistan bằng các chương trình đào tạo, mở rộng và trang bị cho lực lượng cảnh sát, quân đội và không quân của Afghanistan; chi hàng chục tỷ USD để xây dựng lực lượng an ninh của chính phủ có thể bảo vệ đất nước của họ. Nhưng cuộc tấn công của Taliban đã cho thấy sự mong manh của các lực lượng này.
Hàng nghìn binh sĩ đã đầu hàng hoặc đào ngũ trong những tháng gần đây. Số phận của đất nước hiện nay nằm trong tay của lực lượng không quân và biệt kích - những người từng là lính cứu hỏa của quốc gia, được điều đến các điểm nóng với hy vọng lật ngược tình thế chống lại nhóm nổi dậy.
Mỹ, dù cam kết kết thúc các hoạt động quân sự vào ngày 31/8, đã điều thêm máy bay ném bom và UAV - hiện đang đóng ở bên ngoài Afghanistan - để giúp chặn đường tiến của Taliban bằng các cuộc không kích. Nỗ lực vào phút cuối nhằm hỗ trợ lực lượng an ninh Afghanistan đã giúp ích ở một số khu vực bao gồm Kandahar, một thành phố chủ chốt ở miền nam và từng là thành trì cũ của Taliban.
“Chúng tôi rất mệt mỏi và lực lượng an ninh cũng rất mệt mỏi. Đồng thời, chúng tôi đã không nhận được quân tiếp viện và máy bay đã không nhắm mục tiêu vào Taliban đúng lúc”, Sayed Jawad Hussaini, phó cảnh sát trưởng của một quận ở thành phố Kunduz cho biết.
Từ tối 8/8, các lực lượng an ninh Afghanistan đã bắt đầu một chiến dịch quân sự nhằm đẩy lùi Taliban ra khỏi Kunduz để giành lại quyền kiểm soát thành phố này. Dù vậy, sau nhiều tuần chiến đấu căng thẳng, cơ hội chiến thắng của lực lượng an ninh Afghanistan khó được đảm bảo./.