Các thư viện công cộng Mỹ: Sự chuyển dịch sang các bộ sưu tập kỹ thuật số

Theo trang Statescoop, các thư viện công cộng vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ, nhờ vào Gen Z, thế hệ Millennials (thế hệ thiên niên kỷ) và sự chuyển dịch sang các bộ sưu tập kỹ thuật số.

Thư viện không phải biến mất mà là đang chuyển dịch

Có quan niệm sai lầm phổ biến rằng các thư viện công cộng ở Mỹ đang suy thoái khi nhiều người cho rằng sự thành công của thư viện dựa trên các chuyến thăm thực tế và việc cho mượn tài liệu là sách, tạp chí và bản đồ.

Đây là sai lầm dễ mắc phải. Năm 2019, số lượng trung bình các chuyến thăm thư viện thực tế đã giảm xuống dưới 4 lần mỗi năm và số lượng tài liệu cho mượn đã giảm 25%.

Ảnh minh họa. Nguồn: Scoop News Group

Ảnh minh họa. Nguồn: Scoop News Group

Một báo cáo năm 2023 của Hiệp hội Thư viện Mỹ (ALA) cho biết Thế hệ Z và thế hệ thiên niên kỷ đang thay đổi cách thức sử dụng các thư viện công cộng phục vụ cộng đồng, đặc biệt là khi thư viện mở rộng các bộ sưu tập và dịch vụ kỹ thuật số. Báo cáo nhận định Thế hệ Z và thế hệ thiên niên kỷ đang thu hút nhóm người dùng thư viện lớn nhất ở Mỹ.

Nghiên cứu cũng phát hiện khoảng 54% người trong độ tuổi 13-40 đã đến các thư viện thực tế trong năm qua và 37% trong độ tuổi này cho biết họ đã sử dụng bộ sưu tập kỹ thuật số của thư viện.

Ông Rachel Noorda, Giám đốc chương trình xuất bản sách tại Đại học Portland State và là một trong những tác giả của báo cáo ALA, nhận định thế hệ thiên niên kỷ là những người đam mê nhất về việc mượn tài liệu kỹ thuật số. Vì vậy, họ chủ yếu tham gia vào sách in định dạng kỹ thuật số.

Kathi Berens, phó Giáo sư khoa học nhân văn kỹ thuật số và xuất bản sách tại Đại học Portland State, người cũng đóng góp cho báo cáo, nhận định sự khác biệt đáng kể nhất giữa khoảng cách thế hệ trẻ và thế hệ cũ sử dụng thư viện công cộng là khám phá.

Thế hệ Millennials và Gen Z lớn lên cùng công nghệ. Công nghệ đã hình thành hành vi đọc sách, sở thích phương tiện truyền thông và cách họ tìm hiểu về những cuốn sách mới. Nghiên cứu phát hiện người đọc ở thế hệ Z và thế hệ Millennials thường mua sách dựa trên các đề xuất từ các bài đánh giá và quảng cáo trên Instagram. 31% mua sách từ các trang quảng cáo trên TikTok.

Trong cuộc khảo sát, 92% ý kiến thuộc hai thế hệ này cho biết họ theo dõi phương tiện truyền thông xã hội hàng ngày trong khi 25% ý kiến khẳng định họ kiểm tra nhiều lần trong một giờ. Tuy nhiên, sách in vẫn là định dạng ưa thích của thế hệ Z.

Chẳng hạnh như bộ phim Bridgerton đã trở thành hiện tượng trên nền tảng Netflix. Đây là bộ phim truyền hình trực tuyến thuộc thể loại lịch sử giả tưởng-lãng mạn được đăng tải trên nền tảng Netflix.

Series "Bridgerton" trên Netflix khiến công chúng có nhu cầu tìm hiểu thêm về nguyên tác của nhà văn Julia Quinn.

Kể từ khi Netflix phát hành Bridgerton vào ngày 25/12/2020, NXB Avon của HarperCollins cho biết số lượng sách thuộc bộ truyện được bán ra tăng mạnh.

"Doanh số bán sách in tăng vọt 3.000%, doanh số bán sách điện tử tăng 8.000%. Vì vậy, cả 2 thế hệ Gen Z và thiên niên kỷ đều nói rằng chúng tôi đã thấy thứ mà chúng tôi thích. Chúng tôi muốn nhiều hơn nữa", phó Giáo sư Berens nói về loạt phim trên Netflix kể về một gia đình quý tộc ở Anh thế kỷ 19, dựa trên loạt phim cùng tên.

Tương tự như ngành xuất bản sách, các thư viện công cộng đã phải đối mặt với giai đoạn chuyển tiếp trong những năm gần đây. Để thích ứng với sự suy giảm của các chuyến thăm thực tế và việc cho mượn sách thực tế, các thư viện bắt đầu tăng bộ sưu tập kỹ thuật số, nắm bắt bối cảnh công nghệ mới.

"Chúng ta phải xem cách tiếp cận dịch vụ thư viện số là quan trọng. Và khi gia tăng số lượng các bộ sưu tập số thì thư viện cần phải có thêm kinh phí để có thể đáp ứng nhu cầu đó", Giám đốc Noorda cho biết.

Từ thư viện đến ứng dụng Libby

Cả hai chuyên gia Berens và Noorda đều xác nhận khoảng 428 triệu danh mục điện tử đã được thiết lập từ các thư viện công cộng vào năm 2020. Sự gia tăng này là nhờ Libby, một ứng dụng miễn phí cung cấp quyền truy cập vào sách điện tử, sách nói kỹ thuật số và tạp chí từ các thư viện công cộng.

Các thư viện sẽ quyết định những tựa sách kỹ thuật số mà họ muốn cung cấp trên Libby, ứng dụng này ra mắt vào năm 2017 nhưng trở nên phổ biến hơn trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

Các thư viện cũng đặt ra chính sách cho mượn riêng, bao gồm thời gian mượn sách và số lượng nội dung kỹ thuật số mà người dùng có thể mượn tại một thời điểm. Chỉ cần một thẻ thư viện hợp lệ là đủ để sử dụng ứng dụng, một ưu đãi hấp dẫn đối với những người bản địa kỹ thuật số như Gen Z và thế hệ thiên niên kỷ.

"Vì vậy, từ ứng dụng Libby, nhu cầu mượn sách kỹ thuật số đã tăng 34% từ năm 2020, khi mọi người thực sự không thể đến thư viện trực tiếp. Hiện tại nhu cầu truy cập sách điện tử và sách nói thông qua thư viện đã trở nên thường xuyên hơn", Noorda cho biết.

Ông Noorda nhấn mạnh ứng dụng Libby cũng hạn chế thời gian chờ với người mượn sách. 75% thế hệ Z và thế hệ thiên niên kỷ cho biết thời gian chờ đợi một tuần hoặc vài ngày thường là "dài". Vì vậy, Libby đã mang đến cơ hội mượn sách nhanh, đáp ứng nhu cầu độc giả.

"Ứng dụng Libby giúp việc mượn sách kỹ thuật số trở nên linh hoạt hơn, đơn giản như việc lấy sách từ bất kỳ nhà cung cấp trực tuyến nào. Và tôi nghĩ đây là thời điểm then chốt trong việc sử dụng bộ sưu tập kỹ thuật số", ôngBerens nói.

Đại dịch đã thúc đẩy sự phát triển số hóa của các thư viện công cộng và thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi ngày nay.

Chuyển đổi sang kỹ thuật số

Sonia Alcantara-Antoine, Chủ tịch Hiệp hội Thư viện Công cộng, một tổ chức đại diện và hỗ trợ 17.000 thư viện tại Mỹ và Canada, đã duy trì hoạt động tại các thư viện công cộng từ đầu những năm 2000.

Bà Sonia Alcantara-Antoine cho biết khi các danh mục kỹ thuật số là công nghệ "hiện đại" thì các thư viện dần dần tích hợp nhiều công nghệ hơn theo thời gian.

"Chúng tôi có máy tính, sau đó là kết nối wifi. Các bộ sưu tập của chúng tôi bắt đầu truy cập bằng kỹ thuật số. Vì vậy, cùng với những cuốn sách mà chúng tôi mua dưới dạng in trên kệ, chúng tôi cũng sẽ thêm một thành phần sách điện tử hoặc một thành phần sách nói", Alcantara-Antoine cho biết.

Nhiều thư viện công cộng cũng đối mặt với thách thức về ngân sách khi duy trì bộ sưu tập kỹ thuật số để đáp ứng thói quen và sở thích truyền thông của thế hệ Z và thế hệ Y.

Mặc dù bộ sưu tập phương tiện kỹ thuật số giúp thư viện công cộng dễ tiếp cận hơn, nhưng thực tế là thư viện phải tốn kém hơn nhiều để mua tài sản kỹ thuật số so với tài liệu truyền thống. Đó là vì quyền truy cập kỹ thuật số tương đương với các thỏa thuận cho thuê với nhà xuất bản, không phải là quyền sở hữu hoàn toàn - tương tự như mua phim thông qua ứng dụng.

"Khi bạn mua một cuốn sách in, bạn có thể làm hầu như bất cứ điều gì bạn muốn. Bạn có thể đánh dấu, xé từng trang, có thể cho 20 người bạn khác nhau mượn, có thể bán trên eBay. Bạn có thể làm nhiều thứ với một cuốn sách in ngoài việc photocopy và sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, có nhiều hạn chế hơn được áp dụng cho sách điện tử", Alcantara-Antoine cho biết./.

Hồng Nhung

*Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL thực hiện.

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/cac-thu-vien-cong-cong-my-su-chuyen-dich-sang-cac-bo-suu-tap-ky-thuat-so-20241202100032892.htm