Các thực phẩm hỗ trợ giảm trầm cảm
Trầm cảm là bệnh lý liên quan đến rối loạn thần kinh não bộ, bởi vậy, để đề phòng nguy cơ mắc trầm cảm cần bảo vệ chức năng hoạt động bình thường của bộ não.
Tuy nhiên, chức năng đó lại phụ thuộc phần lớn vào chế độ dinh dưỡng. Cho đến hiện nay không có một chế độ ăn riêng biệt nào có khả năng điều trị hoặc giúp làm mất hoàn toàn các triệu chứng của trầm cảm. Tuy nhiên nếu chế độ ăn cho người trầm cảm đảm bảo cân bằng, lành mạnh, sử dụng các thực phẩm có lợi sẽ giúp người bị trầm cảm khỏe mạnh, qua đó hỗ trợ tích cực chung cho quá trình điều trị trầm cảm.
Để vực dậy sức khỏe của mình, bệnh nhân trầm cảm cần cung cấp đủ các nhóm chất dinh dưỡng như carbonhydrate, protein, chất xơ, vitamin và khoáng chất; đặc biệt lưu ý tới những thực phẩm tốt cho hoạt động thần kinh ở não bộ. Các thực phẩm đó là:
Chất chống ôxy hóa: Chất chống ôxy hóa ngăn các tác hại của gốc tự do, bảo vệ bộ não bạn khỏi những tổn thương, giúp bạn giảm căng thẳng, mệt mỏi, tăng cường dẫn truyền thần kinh. Các chất chống ôxy hóa này có nhiều trong rau xanh, hoa quả tươi, các vitamin A, vitamin C, vitamin E...
Carbonhydrate: Carbohydrate có mối liên hệ với serotonin - nội tiết tố liên quan tới trạng thái hưng phấn cảm xúc. Dù các bằng chứng chưa thật sự chắc chắn, nhưng tình trạng “đói” carbohydrate đôi khi dẫn tới giảm thấp hoạt động của serotonin. Do đó hãy sử dụng carbohydrate đúng cách, tích cực sử dụng các nguồn carbohydrate có lợi (chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt) thay cho các nguồn carbohydrate không tốt (chẳng hạn như bánh ngọt, kẹo ngọt,... là các thực phẩm chứa nhiều đường bổ sung). Trái cây, rau xanh và các loại đậu cũng là nguồn carbohydrate có lợi lí tưởng, đồng thời chúng cũng rất giàu chất xơ tốt cho sức khỏe.
Protein: Các loại protein có trong thịt gà, cá, trứng, sữa cung cấp cho não các loại acid amin thiết yếu của cơ thể, trong đó có tyrosine. Tyrosine giúp làm tăng dopamine và norepinephrine trong não, tăng dẫn truyền thần kinh, cho tinh thần tỉnh táo và tăng cường độ tập trung.
Magiê, selen: Các loại đậu, hải sản (sò huyết, hàu, cá nước mặn, cá nước ngọt,..), gạo nâu, yến mạch chứa nhiều magie và selen, chúng là các coenzyme quan trọng trong việc chuyển hóa glucid và lipid thành năng lượng cho hoạt động của các tế bào thần kinh, giúp giảm mệt mỏi, suy nhược thần kinh.
Các axit béo omega-3: Nhiều nghiên cứu chỉ ra sự thiếu hụt omega-3, 6 trong khẩu phần ăn có liên quan đến tâm lý chán nản trong cuộc sống. Bởi vậy, hãy bổ sung cho cơ thể một lượng omega đầy đủ mỗi ngày để phòng bệnh trầm cảm cũng như tăng cường sự linh hoạt của não bộ bằng cách ăn các loại cá biển (cá thu, cá ngừ, cá hồi,...) hay dầu hạt lanh, dầu vừng, dầu ôliu,...
Những điều cần chú ý
Bên cạnh các loại thực phẩm tốt cho hoạt động của hệ thần kinh cũng có các loại thực phẩm không tốt, đặc biệt càng làm cho bệnh trầm cảm tiến triển nặng hơn. Cần hạn chế dùng các loại như:
Chất kích thích: Bia, rượu, thuốc lá, trà, cà phê, soda... Nhiều người tìm đến chúng để giải sầu, quên đi những u buồn trong cuộc sống nhưng đây lại là liều thuốc độc làm cho người bệnh mất ngủ và dễ rơi vào tình trạng bất an. Bởi vậy, bệnh càng trở nên trầm trọng hơn và khó mà thoát ra được.
Tránh thực phẩm nhiều đường vì có thể làm tăng đường huyết, làm tinh thần không được ổn định, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Hạn chế các loại chất béo, muối và các loại dầu không bão hóa đa thực vật, mỡ thực vật, bơ thực vật, tất cả các loại dầu và các loại thực phẩm có thể chuyển hóa axít béo no như chiên, nướng...
Khi bị suy nhược, nên giảm lượng protein xuống 10% tổng số calo, đồng thời thay thế đạm động vật bằng đạm thực vật và cũng cần bổ sung nhiều canxi cho cơ thể. Đối với người có hệ tiêu hóa kém nên lựa chọn thực phẩm dễ tiêu hóa hơn.
Tuy trầm cảm là một bệnh khó điều trị và phải điều trị trong thời gian dài nhưng bằng cách cung cấp cho não những dưỡng chất cần thiết, bạn có thể đề phòng nguy cơ mắc trầm cảm bằng cách đảm bảo cho mình một chế độ ăn hợp lý và một lối sống lành mạnh.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-thuc-pham-ho-tro-giam-tram-cam-n180976.html