Các thuốc điều trị bệnh ghẻ

Bệnh ghẻ thường xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp ở trẻ em hơn do trẻ hay nghịch bẩn và lây lan khi đi mẫu giáo, đi học… Điều trị bệnh ghẻ càng sớm càng tốt.

1. Triệu chứng của bệnh ghẻ

Khi bị bệnh ghẻ, bệnh nhân sẽ thấy ngứa rất nhiều, chủ yếu vào ban đêm. Khi thấy ngứa, chúng ta thường nghĩ đến viêm da, dị ứng, nấm… Tuy nhiên khi tình trạng ngứa nhiều về ban đêm (do con ghẻ cái đào hang và đẻ trứng - nên còn gọi là bệnh cái ghẻ) cùng tình trạng da nổi nhiều mụn nước ở kẽ ngón tay, kẽ ngón chân, các nếp gấp, cò súng... thì nên nghĩ đến bệnh ghẻ.

Hình ảnh phóng to của con ghẻ cái.

Hình ảnh phóng to của con ghẻ cái.

2. Điều trị bệnh ghẻ thế nào?

Tùy cơ địa, độ tuổi mà bệnh nhân sẽ được khuyên dùng thuốc.

Các thuốc điều trị bệnh ghẻ bao gồm:

- Thuốc D.E.P: Từ nhiều thập kỷ nay, D.E.P là thuốc kinh điển, được ứng dụng rất nhiều trong việc điều trị vùng da bị tổn thương do vết cắn từ côn trùng và bệnh ghẻ. Bôi thuốc mỗi ngày 2 -3 lần, bôi không quá 2 tuần, nếu tình trạng ghẻ không đỡ cần đổi thuốc.

Trước khi bôi thuốc cần vệ sinh sạch tay, vùng da bị ghẻ rồi lau khô. Sau đó bôi một lượng thuốc vừa đủ lên vùng da bị ghẻ rồi băng kín lại. Không bôi thuốc loang rộng ra vùng da lành. Sau khi bôi thuốc, cần rửa lại tay sạch bằng xà phòng, tránh để thuốc tiếp xúc với vùng da khác, đặc biệt là mắt.

Thuốc D.E.P có tác dụng phụ gây kích ứng, đỏ rát trên bề mặt da. Nếu các triệu chứng này trở nên nghiêm trọng thì cần ngưng dùng thuốc ngay.

Cái ghẻ đào hang và thường gây bệnh ở kẽ ngón tay, chân, các nếp gấp...

Cái ghẻ đào hang và thường gây bệnh ở kẽ ngón tay, chân, các nếp gấp...

- Kem Permethrin 5%: Đây là thuốc khá an toàn nhưng vẫn cần dùng đúng để tránh các tác dụng phụ. Cách thoa thuốc cũng tương tự như thuốc D.E.P. Sau khi thoa thuốc, cần để khoảng 8 - 14 giờ mới được tắm. Cần bôi permethrin 5% liên tục trong khoảng 1 tuần.

- Ivermectin: Là thuốc điều trị toàn thân đường uống, điều trị cả cái ghẻ. Đối với cái ghẻ, thuốc này là giải pháp thay thế khi dùng thuốc bôi không hiệu quả. Thuốc chỉ được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ sau khi được khám, xét nghiệm và xác định có nhiễm ký sinh trùng. Uống thuốc khi đói để tăng hiệu quả điều trị.

Tác dụng phụ có thể sẽ gặp là phát ban, sốt đột ngột, ngứa ngáy, rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón), chán ăn, tăng men gan, khó thở... Tác dụng phụ này có thể sẽ nghiêm trọng hơn ở những bệnh nhân nhiễm cùng lúc nhiều loại ký sinh trùng khác nhau. Cần ngừng thuốc và báo cho bác sĩ ngay nếu gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng.

- Lưu huỳnh: Thuốc được bào chế dạng mỡ bôi. Nên tắm rửa toàn thân với xà phòng, lau khô trước khi bôi thuốc. Bôi thuốc ngày 2 lần, 1 lần trước khi đi ngủ. Sau 24 giờ, cần tắm sạch sẽ bằng xà phòng và đảm bảo lượng thuốc cũ đã được rửa sạch rồi mới bôi lượt thuốc mới.

Tác dụng phụ của lưu huỳnh là gây kích ứng da. Tình trạng này sẽ mất dần khi cơ thể đã quen với thuốc. Nếu trạng kích ứng da kéo dài hoặc có chiều hướng nặng hơn thì phải thông báo cho bác sĩ ngay để được tư vấn cách xử trí phù hợp.

Lưu ý: Tránh làm dính thuốc lên mắt, nếu không may để điều này xảy ra thì phải rửa mắt bằng nước sạch ngay. Sau khi rửa mắt mà vẫn xuất hiện các triệu chứng bất thường ở mắt thì bệnh nhân nên đi khám nhãn khoa.

- Thuốc kháng histamin: Nhóm thuốc này không phải là thuốc điều trị ghẻ mà dùng với mục đích chống ngứa. Điều trị ngứa ở da thì thường dùng kháng histamin H1, chẳng hạn như diphenhydramin. Thuốc có tác dụng ngăn hoạt động sản xuất histamin và giảm nhanh các triệu chứng ngứa do ghẻ nước, giảm sưng đỏ. Một số trường hợp có thể cần dùng corticoid để chống ngứa.

- Thuốc chống nhiễm trùng, bội nhiễm: Các thuốc bôi ngoài da như milian hay eosin 2%. Trường hợp cái ghẻ nhiều kèm nhiễm khuẩn thì cần dùng kháng sinh và thuốc được ưu tiên dùng là cephalexin.

BS.Cao Như Đạt

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-thuoc-dieu-tri-benh-ghe-169230309182034429.htm