Các tỉnh Tây Nguyên cần thiết kế các tour, tuyến du lịch độc đáo

Đó là một trong những nội dung được gợi mở tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ 3 diễn ra tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) vào chiều 23/6.

Hội nghị do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên chủ trì, Hội nghị còn có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và lãnh đạo 5 tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk.

Tại hội nghị, ông Trần Duy Đông- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Theo đó, quy hoạch xác định quan điểm phát triển kinh tế có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các ngành có lợi thế như: nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, công nghiệp khai thác và chế biến bauxite, alumin, nhôm.

Xây dựng nền văn hóa Tây Nguyên tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng, tôn trọng các giá trị văn hóa khác biệt giữa các dân tộc, đưa văn hóa Tây Nguyên trở thành động lực, nền tảng cho phát triển và hội nhập của vùng.

Các đại biểu có những kiến nghị, đề xuất để vùng Tây Nguyên phát triển.

Các đại biểu có những kiến nghị, đề xuất để vùng Tây Nguyên phát triển.

Tăng cường kết nối Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh trong khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, các cảng biển, các trung tâm kinh tế lớn của cả nước và với các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mekong, khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào - Việt Nam và các nước ASEAN.

Mục tiêu đến năm 2030, vùng Tây Nguyên có 3 đô thị loại I, 3 đô thị loại II, 6 đô thị loại III và 27 đô thị loại IV. Trong đó, TP Buôn Ma Thuột thành trung tâm của vùng Tây Nguyên - là "Thành phố cà phê của thế giới"; TP Đà Lạt là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, trung tâm nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao...

Tây Nguyên cần có những sản phẩm du lịch không "đụng hàng" để thu hút du khách.

Tây Nguyên cần có những sản phẩm du lịch không "đụng hàng" để thu hút du khách.

Tầm nhìn đến năm 2050, Tây Nguyên là vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế của vùng Tây Nguyên thuộc nhóm thấp nhất cả nước, không đạt mức bình quân mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2030.

Các ngành kinh tế trọng điểm đóng góp chưa rõ nét; du lịch phát triển nhưng chưa xứng với tiềm năng, lợi thế, thiếu sản phẩm du lịch đặc sắc; môi trường kinh doanh chưa thật sự hấp dẫn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã gợi ý 3 việc mà các tỉnh Tây Nguyên có thể làm ngay: Thứ nhất, phát triển giao thông kết nối; Thứ hai, phát triển du lịch theo chuỗi, theo tour nhưng cần lưu ý mỗi khu du lịch phải có nét độc đáo riêng, tránh “đụng hàng”; thứ ba, chia sẻ thu hút đầu tư với tinh thần có lợi cho bình diện chung.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành trung ương rà soát, sớm phát hiện những bất cập trong thể chế, chính sách, quy hoạch để có hướng tháo gỡ, bảo đảm sự phát triển của vùng.

Bảo Hân

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/cac-tinh-tay-nguyen-can-thiet-ke-cac-tour-tuyen-du-lich-doc-dao-c2a76780.html