Các triệu phú từ bỏ máy bay riêng
Theo một báo cáo mới nhất, máy bay của cá nhân thải ra lượng khí thải gấp 10 lần so với máy bay thương mại trên mỗi hành khách, trong khi đó hàng không là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường khủng khiếp nhất.
Phong trào phản đối việc dùng máy bay riêng để đi lại đang lan tỏa mạnh mẽ trên khắp thế giới và đã có triệu phú từ bỏ chiếc máy bay yêu thích của mình để góp phần bảo vệ môi trường.
Chia tay chiếc máy bay riêng yêu thích
Giữa những lo ngại này, Stephen Prince (chủ tịch Card Marketing Services Inc) từ bỏ chiếc Cessna 650 Citation III của mình.
Ông quyết định từ bỏ chiếc Cessna 650 Citation III - một loại máy bay phản lực cỡ trung, tầm xa có 9 chỗ - sau khi biết được các chuyến bay riêng thải ra nhiều carbon hơn nhiều so với các chuyến bay thương mại.
Ông nói với CNN: “Tôi quá yêu thích du lịch bằng máy bay riêng, nhưng tôi sẵn sàng bỏ qua những trò hề kinh khủng mà tôi đang gây ra đối với môi trường và các thế hệ tương lai. Tôi phải thay đổi. Tôi không thể tiếp tục làm điều này”.
Stephen Prince đã sở hữu nửa tá máy bay phản lực trước khi có Citation III, đây là chiếc lớn nhất và đắt nhất để vận hành mà ông từng có - chỉ riêng chi phí vận hành đã vào khoảng 275.000 đến 300.000 USD mỗi năm.
Ông nói rằng sử dụng bay riêng có thể gây nghiện. “Đó là cách tốt nhất để đi du lịch. Nhưng tôi sẽ từ bỏ nó. Tôi chỉ quay trở lại bay thương mại, dù tôi coi thường việc này trong 6 hoặc 7 năm qua vì đã dùng máy bay riêng” - ông nói.
Chiếc Cessna hiện trị giá khoảng 1 triệu USD và nó sẽ nhanh chóng tìm được người mua.
Tuy nhiên, Stephen sẽ không từ bỏ hoàn toàn việc đi lại bằng máy bay riêng, ông thuê lại một chiếc máy bay nhỏ hơn, ít gây ô nhiễm hơn và “chỉ sử dụng nó hai hoặc ba lần một năm để đến khu bảo tồn săn chim trĩ ở góc Tây Bắc của Nebraska, Mỹ”.
Ông nói thêm rằng ông không có ý định cố gắng thuyết phục các triệu phú khác từ bỏ máy bay phản lực của họ, nhưng người sử dụng máy bay nên nộp thêm thuế để bảo vệ môi trường.
Ông nói: “Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta trong xã hội Mỹ đang không trả nhiều tiền thuế như mức chúng ta cần phải trả. Không ai muốn nộp thuế và họ nghĩ ra đủ mọi cách giải thích cũng như lý do tại sao, nhưng lý do thực sự là họ tham lam. Và tôi cũng vậy! Tất cả chúng ta đều như vậy. Nhưng tất cả chúng ta cần trở thành thành viên của xã hội “chúng ta”, không phải xã hội “tôi”. Nếu chúng ta không quan tâm đến lợi ích lớn hơn của nhân loại, thì chúng ta đang sống với một bộ nguyên tắc tồi”.
Tìm cách hạn chế máy bay riêng
Viện Nghiên cứu Chính sách Mỹ cũng ủng hộ việc đánh thuế cao hơn đối với cả việc bán máy bay tư nhân và nhiên liệu.
Viện này vừa có một báo cáo đề xuất thuế bán hàng 10% đối với máy bay đã qua sử dụng và 5% đối với máy bay mới. Họ cũng kêu gọi tăng gấp đôi thuế nhiên liệu máy bay phản lực liên bang từ 0,219 USD/gallon lên 0,438 USD/gallon đối với những người sử dụng máy bay phản lực tư nhân thường xuyên nhất.
Ví dụ, báo cáo lưu ý rằng Elon Musk - một trong những người sử dụng máy bay riêng tích cực nhất ở Mỹ - sẽ trả thêm 3,94 triệu đô la tiền thuế theo các điều kiện được đề xuất này.
Các tác giả của báo cáo tính toán rằng Elon Musk đã mua một chiếc máy bay phản lực mới, thực hiện 171 chuyến bay (khoảng một chuyến mỗi ngày), tiêu thụ hơn 220.000 gallon nhiên liệu máy bay và tạo ra 2.100 tấn khí thải carbon vào năm 2022 - gấp 132 lần lượng khí thải của một người Mỹ trung bình.
Chuck Collins, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính sách Mỹ, một trong những tác giả của báo cáo, nói với CNN: “Máy bay phản lực tư nhân phản ánh tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng và sự tập trung của cải và quyền lực vào tay rất ít người.
“Từ góc độ sinh thái, chúng ta cần khử cacbon trong lĩnh vực hàng không. Đó là một trong những nơi phát thải carbon lớn nhất. Chúng ta nên có các loại thuế, thuế sử dụng và thuế nhiên liệu rất cao để không khuyến khích các chủ sở hữu máy bay tư nhân”.
Chuck Collins cho biết thêm rằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không tư nhân nên dừng lại hoàn toàn, vì hình thức vận chuyển này nên bị loại bỏ dần.
Ông nói: “Trong cộng đồng của tôi bên ngoài Boston, có một sân bay tư nhân, Hanscom Field, và có rất nhiều nỗ lực để mở rộng nó vì đó là sân bay tư nhân ở ngoại ô.
“Nhưng chúng ta có lẽ không nên xây dựng cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch mới, điều sẽ đẩy chúng ta vượt qua ngưỡng nguy hiểm về lượng khí thải. Chúng ta không nên xây dựng cơ sở hạ tầng mới để phục vụ lớp máy bay phản lực riêng của cá nhân. Đó thực sự không phải là hướng chúng ta nên đi”.
Trong khi đó, ở châu Âu, một nhóm các quốc gia bao gồm Pháp và Ireland đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách châu Âu thắt chặt các quy định về máy bay phản lực cá nhân để hạn chế việc sử dụng chúng. Vào tháng 4/2023, sân bay Schiphol ở Amsterdam tuyên bố họ đang xem xét cấm hoàn toàn máy bay phản lực cá nhân sử dụng sân bay.
Theo một báo cáo mới của Viện Nghiên cứu Chính sách Mỹ, đội máy bay phản lực của cá nhân toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi trong hai thập kỷ qua; từ 9.895 chiếc năm 2000 lên 23.133 chiếc vào giữa năm 2022. Theo báo cáo được công bố vào tháng 5 /2023, các máy bay phản lực của cá nhân thải ra chất gây ô nhiễm nhiều hơn ít nhất 10 lần so với máy bay thương mại trên mỗi hành khách.
Trước đó, vào tháng 2/2023, các nhà khoa học khí hậu đã chặn một số nhà ga máy bay phản lực của cá nhân trên khắp thế giới.
Nhà khoa học khí hậu của NASA, tiến sĩ Peter Kalmus, cho biết: “Đã đến lúc cấm máy bay phản lực cá nhân và đánh thuế những người thường xuyên bay bằng máy bay riêng. Chúng ta không thể cho phép người giàu hy sinh hiện tại và tương lai của chúng ta để theo đuổi lối sống xa hoa của họ”.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cac-trieu-phu-tu-bo-may-bay-rieng.html