Các trường đại học đều tán thành cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển 3 lần

Năm nay, bộ cũng đề xuất sẽ giảm mức phí đăng ký cho thí sinh, từ 30.000 đồng/nguyện vọng sẽ còn 25.000 đồng/nguyện vọng, đồng thời đề xuất cách phân bổ nguồn kinh phí này chủ yếu về cho các sở và các trường.

Ngày 25-3, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến về tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) năm 2021.

Theo báo cáo của Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), tuyển sinh năm 2020 đã hoàn thành và đạt hiệu quả. Cả nước có hơn 900.000 thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT); trong đó hơn 640.000 thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào ĐH-CĐ sư phạm, đạt hơn 70% số thí sinh ĐKDT.

PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT

PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT

Cũng trong năm 2020, có trên 58.000 thí sinh đăng ký vào sư phạm. Kết quả thí sinh trúng tuyển, nhập học các ngành đào tạo giáo viên là gần 36.000 thí sinh, bằng 61,58% tổng chỉ tiêu (năm 2019, con số này là trên 27.300).

Vụ này cho rằng, thực tế cho thấy, khi thông tin minh bạch, tự do chọn ngành, tự chủ tuyển sinh thì kết quả tuyển sinh phản ánh rõ nét: sự phân tầng, lợi thế/không lợi thế về ngành và vị trí giữa các ngành. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng công tác thi THPT và tuyển sinh đã được kịp thời điều chỉnh và thực hiện thành công. Các chính sách về tuyển sinh đã được Bộ GD-ĐT hoàn thiện và triệt để ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm đảm bảo tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch; từ đó giảm tối đa thí sinh ảo và kiểm soát tình trạng vượt chỉ tiêu.

Công tác tuyển sinh đảm bảo quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đào tạo; cung cấp minh bạch thông tin và kết quả tuyển sinh. Hầu hết các cơ sở đào tạo sử dụng kết quả thi THPT 2020; phần mềm tuyển sinh đã giúp thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất; giúp các cơ sở thống kê, dự tính được thí sinh ảo để chủ động trong tuyển sinh; đồng thời ổn định, không có hiện tượng nghẽn mạng.

Theo PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, về công tác tuyển sinh năm 2021, Bộ GD-ĐT đã thành lập tổ chuyên gia từ các cơ sở giáo dục đại học đại diện các lĩnh vực ngành nghề đào tạo phối hợp với rà soát, sửa đổi bổ sung Quy chế tuyển sinh. Dự thảo Quy chế tuyển sinh 2021 đã được đăng lên mạng để xin ý kiến toàn xã hội, dự kiến có một số điểm mới trong tuyển sinh như thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển sinh ĐH-CĐ giáo dục mầm non bằng 1 trong 2 hình thức: bằng phiếu hoặc trực tuyến (tại những nơi có điều kiện).

Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần (năm 2020 điều chỉnh nguyện vọng 1 lần). Quy định cụ thể hơn về việc các địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đặt hàng nguồn nhân lực. Thí sinh xác nhận nhập học vào cơ sở đào tạo đã trúng tuyển trong thời hạn quy định bằng cách gửi bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi (đối với thí sinh tham dự kỳ thi THPT của năm tuyển sinh) đến cơ sở đào tạo trực tiếp hoặc bằng hình thức thư chuyển phát nhanh, thí sinh đã xác nhận nhập học thì không được tham gia xét tuyển ở các cơ sở đào tạo khác.

Tại hội nghị, PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định, công tác tuyển sinh luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Trong những năm qua, sự đổi mới về công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh đã đem lại nhiều kết quả tốt đẹp. Bộ GD-ĐT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công bố cải tiến một số yếu tố kỹ thuật; từng bước giữ ổn định tuyển sinh trong những năm tiếp theo.

Năm 2021, để các trường đại học có quyền chủ động cao trong công tác tuyển sinh, kèm theo đó là trách nhiệm giải trình với xã hội về tính công bằng, khách quan, minh bạch trong công tác tuyển sinh, Bộ GD-ĐT tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng các cơ sở giáo dục đại học trong công tác tuyển sinh, hướng tới một mùa tuyển sinh thuận lợi cho thí sinh và mang lại kết quả như mong đợi cho các trường ĐH-CĐ. Bộ GD-ĐT cũng từng bước phân rõ chức năng quản lý nhà nước của Bộ, vai trò của các cơ sở giáo dục đại học và sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ sở giáo dục đào tạo cũng như các trường phổ thông. “Từ những kinh nghiệm của năm 2020 đã trải qua, tin rằng toàn ngành sẽ chủ động ứng phó với những nguy cơ dịch bệnh nếu có” – Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Năm nay, bộ cũng đề xuất sẽ giảm mức phí đăng ký cho thí sinh, từ 30.000 đồng/nguyện vọng sẽ còn 25.000 đồng/nguyện vọng, đồng thời đề xuất cách phân bổ nguồn kinh phí này chủ yếu về cho các sở và các trường, bộ sẽ nhận phần ít nhất.

Tại hội nghị, ý kiến các trường đại học đều tán thành dự kiến thay đổi của quy chế tuyển sinh như cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển 3 lần sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT. Những điều chỉnh đó trong dự thảo Quy chế tuyển sinh mang tính kỹ thuật và theo hướng có lợi cho thí sinh.

Cũng còn một số trường băn khoăn về dự kiến cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển 3 lần sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, có ý kiến đề xuất chỉ tối đa 2 lần điều chỉnh. Bởi đăng ký 3 lần thì chắc chắn thí sinh cũng như gia đình sẽ gặp khó khăn trong việc tính toán, lực chọn ngành học.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cac-truong-dai-hoc-deu-tan-thanh-cho-phep-thi-sinh-dieu-chinh-nguyen-vong-xet-tuyen-3-lan-720974.html