Các trường đào tạo nghề vẫn khó tuyển sinh hệ cao đẳng

Vẫn tồn tại tâm lý trọng bằng cấp nên nhiều người dân luôn muốn con cái cố học để có tấm bằng đại học. Vào đại học giờ không khó, vì hiện nay có nhiều trường đại học dân lập được mở, học sinh thoải mái lựa chọn. Cùng với đó, thị trường lao động có nhu cầu cao tuyển dụng lao động phổ thông, thu hút một lực lượng không nhỏ học sinh tốt nghiệp THPT vào làm việc… Đó là những nguyên nhân làm cho công tác tuyển sinh cao đẳng của các trường đào tạo nghề gặp rất nhiều khó khăn.

Tiết thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Hà Nam.

Tiết thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Hà Nam.

Có cơ chế, chính sách ưu tiên nhưng đào tạo nghề vẫn khó

Trái ngược hẳn với hệ cao đẳng, năm học 2024- 2025, Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam được giao tuyển 840 học viên hệ trung cấp và đến thời điểm này đã tuyển được 900 hồ sơ, dư như các năm trước. Trong khi đó, hệ cao đẳng của trường vẫn ì ạch tuyển sinh, hiện mới chỉ được 180 hồ sơ/300 chỉ tiêu được giao.

Ông Vũ Hữu Ý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam cho biết: Khó khăn trong tuyển sinh hệ cao đẳng của nhà trường nói riêng, các trường nghề trên địa bàn tỉnh nói chung đến giờ vẫn chưa thể giải quyết được. Bởi lẽ, người dân vẫn còn tâm lý trọng bằng cấp, một bộ phận không nhỏ cha mẹ học sinh luôn mong muốn con có tấm bằng đại học. Trong khi đó, mạng lưới các trường đại học ở Việt Nam hiện nay rất phát triển, ngày càng có thêm nhiều trường đại học dân lập nên học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn học sau khi tốt nghiệp THPT. Cùng với đó, thị trường lao động đang có nhu cầu rất cao trong việc tuyển dụng lao động phổ thông nên không ít học sinh vừa tốt nghiệp THPT đã xin việc làm luôn tại các doanh nghiệp để có thu nhập ngay, đáp ứng nhu cầu cuộc sống.

Năm học này, Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam có kế hoạch tuyển sinh cao đẳng với 11 ngành nghề, gồm: điện công nghiệp, công nghệ ô tô, quản trị mạng máy tính, hàn, cơ điện nông thôn, kế toán doanh nghiệp, công nghệ thông tin, cơ điện tử, logistic, công nghệ kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí… Thông báo tuyển sinh được nhà trường phổ biến rất rộng và bài bản, nhưng việc có tuyển đủ chỉ tiêu hay không lại là câu chuyện không dễ đối với nhà trường.

Tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Hà Nam khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết số 08 về chính sách hỗ trợ học sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp, học phí học trình độ cao đẳng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), cơ sở hoạt động GDNN tổ chức đào tạo trên địa bàn tỉnh Hà Nam từ năm học 2023-2024 đến năm học 2025-2026. Theo quy định, sinh viên (thường trú tại tỉnh) học trình độ cao đẳng hệ chính quy tại các cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN tổ chức đào tạo trên địa bàn thuộc các nhóm ngành nghề kỹ thuật và công nghệ thông tin; dịch vụ và du lịch được hỗ trợ học phí 40% mức trần học phí đối với cơ sở GDNN công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên theo quy định hiện hành của Chính phủ. Với chính sách này, các cơ sở GDNN sẽ có nhiều thuận lợi trong tuyển sinh.

Và thực tế, trong thời gian triển khai Nghị quyết 08, số sinh viên đăng ký học nghề hệ cao đẳng ở các trường đào tạo nghề đã tăng thêm. Dù vậy, so với chỉ tiêu tuyển sinh được giao cho các cơ sở GDNN vẫn chỉ đạt khoảng 70%. Như ở Trường Cao đẳng Y Hà Nam, năm học 2024- 2025, được tỉnh giao chỉ tiêu tuyển 80 sinh viên và Bộ Y tế giao chỉ tiêu tuyển 650 sinh viên nhưng đến ngày 15/9, nhà trường mới chỉ tuyển sinh đủ chỉ tiêu tỉnh giao. Dù có cơ chế chính sách được áp dụng theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, nhưng việc tuyển sinh vẫn không hề dễ dàng.

Đi tìm giải pháp…

Từ thực trạng tuyển sinh cao đẳng hiện nay, nhiều cơ sở GDNN đã chủ động tìm giải pháp, như: tập trung xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp làm công tác tuyển sinh; nâng cao chất lượng đào tạo và kết nối doanh nghiệp, coi đây giải pháp quan trọng, giúp công tác tuyển sinh đạt hiệu quả; xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, xây dựng thương hiệu trường cao đẳng nghề chất lượng cao…

Theo ông Đặng Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, tỉnh đã tạo điều kiện cho các cơ sở GDNN đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thực hiện chiến lược đào tạo nghề từng giai đoạn, thực hiện chủ trương phân luồng giáo dục, đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhờ đó mà Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam - một trong số những cơ sở GDNN đã và đang có những bước chuyển tích cực trong tuyển sinh và đào tạo. Năm 2023, Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ cao đẳng nghề công nghệ ô tô và điện công nghiệp. Uy tín và niềm tin của nhà trường đã được nâng lên. Vì thế, giải pháp mà các trường đang thực hiện để thúc đẩy tuyển sinh cũng như nâng cao chất lượng đào tạo nghề cơ bản phù hợp với tình hình chung. Tuy nhiên, các cơ sở GDNN cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động liên kết, kết nối doanh nghiệp. Nếu trong quá trình tư vấn, hướng nghiệp cho học viên, học sinh các trường THPT, các cơ sở GDNN thực hiện tốt việc kết nối doanh nghiệp ngay từ hoạt động này sẽ giúp học sinh thay đổi nhận thức về học nghề.

Ngoài ra, việc đổi mới công tác tư vấn, hướng nghiệp tại các trường THCS, THPT hiện nay cần được quan tâm. Các cơ sở GDNN cần phối hợp tốt hơn nữa với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh trong tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp để tạo điều kiện cho học sinh sớm được tiếp cận với những cơ hội học tập và việc làm sau này.

Giang Nam

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/lao-dong-viec-lam/cac-truong-dao-tao-nghe-van-kho-tuyen-sinh-he-cao-dang-135683.html