Các trường miền núi nỗ lực ôn thi tốt nghiệp THPT

Còn khoảng 3 tháng nữa học sinh lớp 12 trên địa bàn tỉnh bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi đầu tiên của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Thời gian này, cùng với các cơ sở giáo dục có cấp THPT, các trường ở miền núi nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh lớp 12 nhằm giúp các em có kỳ thi tốt nghiệp đạt nguyện vọng.

Giáo viên và học sinh lớp 12 Trường THPT A Túc huyện Hướng Hóa ôn thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn -Ảnh: T.L

Giáo viên và học sinh lớp 12 Trường THPT A Túc huyện Hướng Hóa ôn thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn -Ảnh: T.L

Năm học 2024-2025, Trường THPT A Túc, huyện Hướng Hóa có 133 học sinh khối 12 chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp. Để việc ôn thi đạt hiệu quả cao nhất, ngay từ đầu năm, trường tổ chức tuyên truyền cho phụ huynh học sinh nắm rõ những điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 nhằm tạo sự ủng hộ, đồng thuận trong việc phối hợp quản lý học sinh học tập và ôn tập tốt nghiệp. Đồng thời, tư vấn học sinh lựa chọn môn thi đúng với năng lực học tập và định hướng nghề nghiệp.

Hiệu trưởng Trường THPT A Túc Nguyễn Tửu cho biết, học sinh của trường chủ yếu là người dân tộc thiểu số thuộc 7 xã vùng Lìa. Đối với học sinh việc học tập và ôn thi ở trường là quan trọng và duy nhất vì không có cơ sở ôn luyện thi ngoài nhà trường để theo học như ở các vùng thuận lợi.

Từ thực tế này, Ban Giám hiệu nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền, động viên, khuyến khích đội ngũ giáo viên tự nguyện giúp đỡ học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT. Trong số 133 học sinh 12, chỉ 1 học sinh chọn môn thi tốt nghiệp khối khoa học tự nhiên; còn lại chọn thi các môn khoa học xã hội nên trường dễ bố trí lớp để ôn tập cho các em.

Trường yêu cầu các tổ bộ môn điều chỉnh kế hoạch ôn thi tốt nghiệp cụ thể, chi tiết, bám sát nội dung trọng tâm, xây dựng ngân hàng các dạng bài tập theo chủ điểm, chủ đề và theo đề giới thiệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), phù hợp với thời lượng ôn thi theo quy định mới (2 tiết/tuần/môn).

Đồng thời, tổ chức ôn luyện kiến thức dưới hình thức phân loại năng lực học sinh theo nhóm và nguyện vọng ngay tại trường sau các buổi học chính khóa. Thầy, cô dạy các môn thi tốt nghiệp gửi bài tập, đề thi, nội dung gợi ý cho học sinh hoàn thành nhiệm vụ ôn tập ở nhà nhằm tăng cường thói quen, kỹ năng tự học.

Ở một cơ sở khác là Trường THPT Hướng Hóa, Hiệu trưởng nhà trường Lê Chí Thông cho biết, cùng với định hướng học sinh lựa chọn đăng ký môn thi tốt nghiệp, trường xây dựng kế hoạch ôn tập cụ thể, rõ ràng từ mục tiêu, đối tượng, thời gian đến nội dung. Học sinh lớp 12 của trường được tổ chức ôn thi với các môn: Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tiếng Anh, Tin học.

Trong quá trình tổ chức ôn tập, các tổ chuyên môn rà soát, phân loại học sinh theo từng mức độ và mục tiêu hướng tới để ôn tập có trọng tâm, trọng điểm nhằm đạt hiệu quả tốt nhất. Ngoài hệ thống hóa kiến thức cơ bản, giáo viên tăng cường khâu luyện tập, thực hành từng nội dung theo cấu trúc đề minh họa của Bộ GD&ĐT cho học sinh; thực hiện phân tích định dạng đề tham khảo; chia sẻ câu hỏi, bài tập và kinh nghiệm trong giảng dạy, ôn tập.

Mục tiêu chung là đảm bảo học sinh nắm chắc kiến thức, hiểu bản chất vấn đề để linh hoạt giải quyết các câu hỏi trong đề thi theo các cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Đặc biệt, trên cơ sở kết quả học tập học kỳ 1, năm học 2024-2025 và đề xuất của giáo viên dạy các môn: Toán, Ngữ văn khối 12, trường bố trí 2 lớp ôn thi 2 môn này dành cho học sinh có học lực chưa đạt, có nguy cơ bị điểm liệt bài thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tại Trường THCS&THPT Đakrông, huyện Đakrông, thầy giáo Trần Đăng An, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, ưu tiên bố trí giáo viên có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tốt dạy ôn thi tốt nghiệp cho học sinh, hạn chế việc phân công những giáo viên này đảm nhận các nhiệm vụ kiêm nhiệm khác. Trường tổ chức ôn thi miễn phí cho 162 học sinh lớp 12. Suốt quá trình ôn thi, giáo viên bám sát định dạng cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 do Bộ GD&ĐT ban hành.

Các tổ, nhóm chuyên môn tổ chức nghiên cứu, thảo luận, rút kinh nghiệm các bộ đề thi tốt nghiệp tham khảo do tổ chuyên môn các trường THPT xây dựng và các bộ tài liệu ôn thi khác giúp giáo viên, học sinh có tài liệu ôn tập đạt hiệu quả tốt nhất. Giáo viên soạn thảo câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn, trắc nghiệm đúng sai, câu trả lời ngắn. Riêng đối với môn Ngữ văn soạn thảo các nội dung ôn tập không lấy ngữ liệu từ sách giáo khoa nhằm hình thành kỹ năng làm bài cho học sinh.

Sắp tới, trường sẽ tổ chức 2 đợt thi thử tốt nghiệp đánh giá năng lực của học sinh. “Hoạt động ôn tập của nhà trường cho học sinh 12 dựa trên tinh thần thầy, cô đồng hành với học sinh, hỗ trợ tối đa các em để có kiến thức, kỹ năng tốt nhất yên tâm bước vào kỳ thi tốt nghiệp. Trên cơ sở nguồn ngân sách Nhà nước cấp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, trường cân đối để chi cho nhiệm vụ phụ đạo, ôn tập phù hợp, đúng quy định nhằm đảm bảo duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, nhất là chất lượng tốt nghiệp lớp 12 THPT”, thầy giáo Trần Đăng An chia sẻ.

Để chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều điểm mới, Sở GD&ĐT cũng kịp thời, chủ động hướng dẫn các nhà trường, nhất là trường học ở miền núi tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giờ dạy chính khóa, hướng dẫn và giám sát việc tự học của học sinh để đạt hiệu quả, khuyến khích học sinh tự nghiên cứu học tập thông qua các phần mềm, các video bài giảng, website ôn luyện...

Cùng với hệ thống hóa kiến thức cơ bản, trọng tâm, cần tăng cường khâu luyện tập, thực hành từng nội dung theo cấu trúc đề minh họa của Bộ GD&ĐT. Các trường cần có giải pháp quyết liệt để chấm dứt tình trạng có học sinh bị điểm liệt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tuệ Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/cac-truong-mien-nui-no-luc-on-thi-tot-nghiep-thpt-192661.htm