Các tuyến đường vận chuyển hàng hóa mới đảm bảo an ninh cho BRICS như thế nào?
Trong Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi thành lập ủy ban vận tải BRICS thường trực để giải quyết vấn đề phát triển các hành lang hậu cần và vận tải liên khu vực và toàn cầu.
Với việc kết nạp thêm 6 thành viên mới bao gồm Saudia Arabia, Ai Cập, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Iran, Argentina và Ethiopia, tổ chức các nền kinh tế mới nổi này sẽ được phép tiếp cận một mạng lưới rộng lớn các nguồn lực hậu cần chiến lược. Mạng lưới hậu cần rộng lớn của khối sẽ bao gồm Tuyến đường biển phía Bắc, hành lang vận tải Bắc-Nam và Tây-Đông, các tuyến đường vào Vịnh Ba Tư, Biển Đỏ và kênh đào Suez.
"Ưu tiên quan trọng trong tương tác BRICS là tạo ra các tuyến giao thông mới bền vững và an toàn. Chúng tôi tin rằng trong khuôn khổ BRICS, đã đến lúc thành lập một ủy ban thường trực về giao thông, không chỉ giải quyết vấn đề dự án Bắc-Nam, mà còn phát triển hơn nữa các hành lang hậu cần và vận tải”, Tổng thống Putin phát biểu trực tuyến tại hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15.
Theo Giáo sư Alexis Habiyaremye - một nhà nghiên cứu cao cấp của DSI/NRF chuyên nghiên cứu phát triển công nghiệp Nam Phi tại Đại học Johannesburg, ủy ban mới được thành lập sẽ giúp đảm bảo khả năng tiếp cận của 11 quốc gia BRICS với các tuyến đường vận chuyển hàng hóa mới.
“Thành phần của ủy ban lý tưởng nhất phải được hình thành dựa trên các nhiệm vụ được giao cho ủy ban đó. Khi chúng ta xem BRICS như một khối các quốc gia và xem xét các loại hành lang giao thông cần thiết, chúng đang không được phân bổ đồng đều cho các thành viên hiện tại và thậm chí cả các thành viên tương lai. Về cơ bản, thành phần của ủy ban phải phản ánh nhiệm vụ được giao, liên quan đến sự phát triển của các hành lang hậu cần mới”, Giáo sư Alexis nhận định.
Theo Giáo sư Alexis, các quốc gia đặc biệt quan tâm đến các hành lang giao thông được đề cập chủ yếu bao gồm Nga, Iran và Trung Quốc. Ông giải thích rằng ngoài việc đảm bảo quyền tiếp cận các vùng biển rộng mở, các nước đang tìm kiếm giải pháp thay thế cho những tuyến đường “chật chội” và căng thẳng như eo biển Singapore, eo biển Malacca, kênh đào Suez, eo biển Bosphorus và eo biển Hormuz.
"Nhiệm vụ chính của ủy ban này sẽ là thiết lập khả năng phục hồi và các giải pháp thay thế cho những điểm tắc nghẽn dễ bị tổn thương. Một trong những ưu tiên quan trọng nhất sẽ là phát triển các hành lang vận chuyển tàu cao tốc ở khu vực nơi Con đường tơ lụa cổ đã từng thiết lập. Để đảm bảo có một giải pháp thay thế cho vận tải hàng hóa, trong trường hợp xảy ra xung đột như eo biển Malacca bị chặn, hoặc kênh đào Suez bị phong tỏa, thì mối liên kết giữa Trung Quốc và Nga qua Trung Á sẽ khá quan trọng”, vị giáo sư giải thích.
Theo ông Habiyaremye, một dự án quan trọng khác cần được quan tâm là Hành lang Bắc-Nam nối phía Tây và Bắc với Nga với Vịnh Ba Tư. Ông tin rằng Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) rất quan trọng với Nga vì nó sẽ giúp nước này tránh được nguy cơ bị các nước phương Tây phong tỏa đường biển trong bối cảnh các lệnh trừng phạt đang diễn ra. Tương tự như vậy, kênh đào Suez và Biển Đỏ sẽ nằm trong phạm vi quyền tài phán của các đối tác BRICS của Nga sau khi có thêm Saudi Arabia và Ai Cập gia nhập. Rõ ràng, quan hệ đối tác BRICS cũng sẽ giúp giải quyết những tranh cãi đang nổi lên về kênh đào Suez và eo biển Hormuz, mang lại đòn bẩy ngoại giao cho nhóm.
"Ngay cả trước khi mở rộng thêm thành viên mới, năm quốc gia BRICS đã có tỷ trọng kinh tế tăng trưởng cao hơn các nước G7 xét về sức mua tương đương. Giờ đây, với việc có thêm các thành viên mới, tỷ trọng kinh tế của BRICS+, theo cách gọi của tôi, thậm chí còn phát triển hơn nữa. Với sự trỗi dậy của Ấn Độ như một cường quốc kinh tế, chưa kể Trung Quốc, và việc Indonesia có thể tham gia vòng mở rộng thứ hai, cũng là một trong những thành viên tiềm năng, sức nặng của BRICS và các quốc gia thân thiện với BRICS sẽ còn tăng lên nhiều hơn nữa, từ đó làm giảm khả năng G7 sử dụng sức mạnh kinh tế để gây áp lực lên các nước đang phát triển”, Giáo sư Habiyaremye kết luận.