Các vụ nổ máy nhắn tin, bộ đàm tại Liban vi phạm luật chiến tranh?
Các chuyên gia nhận định vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm khắp Liban trong hai ngày liên tiếp khiến hàng nghìn người thương vong là hành vi vi phạm luật chiến tranh.
Chuỗi vụ nổ máy nhắn tin xảy ra vào chiều 17/9 và kéo dài trong khoảng một tiếng đồng hồ. Bộ trưởng Y tế Liban Firass Abiad cho biết có khoảng 2.750 người bị thương, với các vết thương chủ yếu ở mặt, tay và bụng. Có 26 người tử vong, trong đó bao gồm 2 trẻ nhỏ. Đại sứ Iran tại Liban – ông Mojtaba Amani, cũng bị thương trong vụ nổ.
Đến ngày hôm sau, hàng loạt bộ đàm tại Liban phát nổ khiến 14 người thiệt mạng và 450 người bị thương. Hezbollah lập tức cáo buộc Israel đứng sau các cuộc tấn công này. Tuy nhiên, quân đội Israel vẫn chưa phản hồi cáo buộc.
Những vụ nổ hàng loạt này còn dẫn đến cảnh hoảng loạn tại Liban, với nhiều người bị thương rối loạn và sợ hãi trên đường phố, các trung tâm y tế phải căng mình chữa trị cho lượng bệnh nhân lớn. Các vụ nổ còn xảy ra ngay ở địa điểm dân sự công cộng, tại đám tang, cửa hàng tạp hóa, cắt tóc…
Luật sư Sarah Leah Whitson tại Mỹ nhận định việc gài bẫy nổ những vật thể người dân thường có thể sử dụng là không được phép.
Bà phân tích rõ với Al Jazeera: “Bất cứ ai cũng có thể sử dụng những máy nhắn tin này. Không thể rõ ai đang có chúng, hoặc họ có phải là mục tiêu quân sự hợp pháp không”.
Luật nhân đạo quốc tế (IHL), một bộ quy tắc được nêu trong các hiệp ước toàn cầu nhằm bảo vệ những người không tham chiến trong xung đột vũ trang, nghiêm cấm tấn công không nhắm trực tiếp đến mục tiêu quân sự cụ thể. IHL là một phần của luật quốc tế. Phần lớn các nội dung của IHL nằm trong 4 Công ước Geneva năm 1949. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đồng ý tuân thủ các luật này.
Bà Whitson đánh giá số lượng người thương vong rất lớn sau hai vụ nổ hàng loạt cho thấy các thiết bị cài vật liệu nổ mang tính không phân biệt. Bà Whitson phân tích việc cài mìn của các vật thể dân sự thông thường là bất hợp pháp bởi chúng không chỉ gây thương tích trên cơ thể mà còn cả tổn thương về tâm lý và cảm xúc.
Luật sư nhân quyền Huwaida Arraf tại Mỹ, đồng tình với nhận xét của bà Whitson. Ông Arraf nói rằng các vụ nổ đã vi phạm lệnh cấm tấn công bừa bãi và cấm cài mìn vào thiết bị có mục đích sử dụng dân sự. Quy định này đã được nêu trong Nghị định thư năm 1996 về Cấm hoặc Hạn chế Sử dụng Mìn, Bẫy mìn và Các Thiết bị Khác của Liên hợp quốc. Nghị định thư có nội dung cấm sử dụng bẫy mìn hoặc các vật thể di động vô hại để chứa vật liệu nổ. Theo ông Arraf, các cuộc tấn công chỉ không vi phạm luật nếu các bước được thực hiện để bảo vệ người dân thường, và đảm bảo rằng vụ nổ chỉ nhắm vào các mục tiêu quân sự hợp pháp. Nhưng các thiết bị đã phát nổ trên khắp Liban mà không có cảnh báo trước.
Trong khi Hezbollah có một nhánh quân sự tham gia vào các cuộc đọ súng xuyên biên giới với Israel kể từ khi xung đột nổ ra ở Gaza vào tháng 10 năm ngoái, thì đây cũng là một nhóm chính trị có các tổ chức liên kết cung cấp dịch vụ xã hội. Theo truyền thông Liban, một số vụ nổ đã gây thương tích cho thành viên của Hezbollah không phải là chiến binh. Ví dụ, vụ tấn công hôm 17/9 khiến một bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Al Rassoul Al Azam, nơi có liên kết với các tổ chức từ thiện liên quan đến Hezbollah, tử vong.
Ông Arraf cho biết công chức phải được đối xử như người dân thường theo IHL, trừ khi xác định được rằng họ tham gia vào hoạt động quân sự.
Giáo sư Craig Martin tại Trường Luật Đại học Washburn (Mỹ) nhận định các cuộc tấn công có khả năng vi phạm một số điều khoản của IHL, bao gồm nguyên tắc về tỷ lệ tương xứng và biện pháp phòng ngừa để tránh gây hại cho người dân thường. Tỷ lệ tương xứng có đề cập đến việc phải cân bằng giữa nhu cầu quân sự và bảo vệ người dân thường khi đánh giá tính hợp pháp của bất kỳ cuộc tấn công nào.