Cách bảo vệ phổi cho trẻ khi chỉ số ô nhiễm không khí tăng cao
Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp hoặc tăng ngặn các tình trạng sức khỏe sẵn có không chỉ ở người lớn tuổi mà còn ở cả trẻ em.
Theo WHO, trẻ em phải đối mặt với những rủi ro từ ô nhiễm không khí. Một phần do đường thở của trẻ nhỏ hơn và vẫn đang phát triển, hơn nữa trẻ hít thở cũng nhanh hơn nên hấp thụ nhiều không khí hơn so với người trưởng thành. Ngoài ra, hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện nên nguy cơ bị nhiễm trùng từ các tác nhân ô nhiễm không khí cũng cao hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc trẻ lớn lên trong môi trường bị ô nhiễm không khí cũng gặp phải các rủi ro lớn hơn liên quan tới sức khỏe bao gồm phát triển nhận thức và phát triển phổi.
Cũng theo WHO, trẻ sinh ra từ người mẹ thường xuyên tiếp xúc với không khí ô nhiễm khi mang thai cũng có nguy cơ bị sinh non và nhẹ cân hơn so với người mẹ được sống trong môi trường trong lành.
Dưới đây là một số cách giúp bảo vệ phổi của trẻ khi chỉ số ô nhiễm tăng cao mà cha mẹ có thể tham khảo.
1. Giữ cho không khí trong nhà luôn an toàn
Ngoài thời gian trẻ vui chơi và hoạt động ngoài trời thì trẻ cũng dành phần lớn thời gian ở nhà. Vì thế, để bảo vệ phổi cho trẻ thì việc giữ cho không khí trong nhà an toàn, tránh xa các rủi ro ô nhiễm trong nhà vô cùng quan trọng.
Có nhiều tác nhân gây ô nhiễm không khí trong nhà, bao gồm:
- Khói thuốc lá: Hút thuốc trong nhà là nguồn chính của các chất ô nhiễm như khói và nicotin.
- Lò sưởi và bếp đốt củi: Khi đốt củi hoặc than, các hạt mịn và khí độc hại như carbon monoxide có thể tồn tại trong không khí nhà bạn.
- Hóa chất làm sạch: Nhiều sản phẩm làm sạch chứa các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs) có thể gây hại cho sức khỏe.
- Chất khử mùi và hương liệu: Các sản phẩm tạo mùi thường chứa VOCs và hóa chất tổng hợp khác có thể ô nhiễm không khí trong nhà.
- Vật liệu xây dựng và nội thất: Sơn mới, thảm, gỗ dán và vật liệu xây dựng khác có thể phát thải formaldehyde và các hóa chất độc hại khác.
- Nấm mốc và vi khuẩn: Độ ẩm cao và sự thiếu thông gió có thể dẫn đến sự phát triển của nấm mốc và vi khuẩn, ảnh hưởng đến chất lượng không khí trong nhà.
- Phấn hoa và các hạt gây dị ứng: Phấn hoa từ bên ngoài và các hạt gây dị ứng từ vật nuôi có thể làm ô nhiễm không khí trong nhà.
- Chất đuổi côn trùng: Thuốc xịt côn trùng và viên đuổi có thể chứa hóa chất độc hại.
- Khí radon: Khí radon không màu, không mùi từ đất có thể xâm nhập vào nhà và gây nguy cơ ung thư phổi.
Theo WHO, đây là 6 cách bảo vệ trẻ khỏi ô nhiễm không khí trong nhà:
- Không hút thuốc trong nhà hoặc gần trẻ em nhưng đảm bảo rằng chúng luôn được giám sát
- Sử dụng nhiên liệu và công nghệ sạch hơn để nấu ăn, sưởi ấm và chiếu sáng nhà bạn - chọn điện, khí đốt tự nhiên, khí dầu mỏ hóa lỏng, khí sinh học hoặc bếp hay lò nướng sử dụng năng lượng mặt trời
- Sử dụng bếp phát thải cực thấp với nhiên liệu rắn đã qua xử lý (viên nén gỗ) nếu không có sự lựa chọn sạch hơn
- Luôn nấu ăn ở khu vực thông gió tốt hoặc bên ngoài nếu gặp khó khăn trong việc thông gió cho khu vực bếp hoặc nơi nấu ăn của bạn
- Tránh sử dụng đèn dầu hoặc bếp nấu sử dụng dầu hỏa cho việc nấu ăn hoặc chiếu sáng
- Hạn chế sử dụng hoặc đốt các loại mùi nhân tạo, chúng có thể tăng cường thải các hóa chất độc hại vào không khí
- Bạn cũng có thể sử dụng các thiết bị có chức năng lọc bụi mịn, nấm mốc như máy lọc không khí với màng than hoạt tính,...
Ngoài ra, đừng quên đóng cửa trong những ngày chất lượng không khí kém.
2. Thường xuyên theo dõi chỉ số không khí ngoài trời
Thường xuyên theo dõi chỉ số không khí ngoài trời để giữ trẻ ở trong nhà khi chỉ số ô nhiễm không khí ở mức rủi ro với sức khỏe cũng là một biện pháp bảo vệ phổi của trẻ, đặc biệt là ở thời điểm sáng sớm và đêm muộn.
Chỉ số chất lượng không khí (AQI) là một chỉ số được sử dụng để đo lường mức độ ô nhiễm không khí và ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe. Dưới đây là các mức độ AQI và ý nghĩa của chúng:
- 0 đến 50: Tốt - Chất lượng không khí được coi là đạt yêu cầu và ô nhiễm không khí ít có khả năng gây ra rủi ro sức khỏe.
- 51 đến 100: Trung bình - Chất lượng không khí chấp nhận được; tuy nhiên, đối với một số người nhạy cảm với ô nhiễm không khí, có thể gặp một số rủi ro nhỏ về sức khỏe.
- 101 đến 150: Không tốt cho người nhạy cảm - Những người nhạy cảm có thể gặp ảnh hưởng sức khỏe. Người bình thường ít có khả năng bị ảnh hưởng.
- 151 đến 200: Không tốt - Mọi người có thể bắt đầu gặp những ảnh hưởng sức khỏe; những người nhạy cảm có thể gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
- 201 đến 300: Rất không tốt - Cảnh báo sức khỏe với tình trạng khẩn cấp. Toàn bộ dân số có thể bị ảnh hưởng.
- 301 và trở lên: Nguy hiểm - Cảnh báo sức khỏe: mọi người có thể gặp những ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng; có thể có toàn bộ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Chỉ số AQI từ mức 151 trở lên có thể coi là có hại cho sức khỏe, với các mức độ nguy hại càng tăng khi chỉ số AQI càng cao.
Việc ở ngoài trời nói chung là tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ nhưng cha mẹ cũng phải cân nhắc những rủi ro khi tiếp xúc với ô nhiễm. Nếu trẻ phải ở bên ngoài, hãy đảm bảo rằng trẻ không tham gia vào các hoạt động gắng sức khiến trẻ phải thở sâu và nhanh.
3. Vệ sinh đường hô hấp và giữ gìn vệ sinh cá nhân
Dạy trẻ cách vệ sinh đường hô hấp tốt, bao gồm rửa tay đúng cách, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Điều này giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp - yếu tố có thể làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của ô nhiễm không khí.
Bên cạnh đó, bạn có thể vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý hàng ngày để loại bỏ bụi bẩn, phấn hoa, vi khuẩn và virus cũng như giữ ẩm cho niêm mạc mũi trong điều kiện thời tiết hanh khô và không khí bị ô nhiễm. Tuy nhiên không nên lạm dụng rửa mũi bằng nước muối sinh lý hàng ngày, đặc biệt là ở trẻ nhỏ để tránh tổn thương niêm mạc mũi. Nếu muốn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn về tần suất rửa mũi cho từng tình trạng cụ thể của trẻ.
4. Đừng quên đeo khẩu trang khi ra ngoài
Chúng ta, bao gồm cả trẻ em đã làm quen với việc đeo khẩu trang khi ra ngoài nhiều hơn trong đại dịch COVID-19. Việc đeo khẩu trang khi ra ngoài, đặc biệt là khi không khí đang bị ô nhiễm có tác dụng vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ mũi - họng của trẻ.
Phụ huynh có thể ưu tiên lựa chọn các loại khẩu trang N95 cho trẻ khi ra ngoài trời vào thời điểm chỉ số ô nhiễm ở mức rủi ro đối với trẻ. Loại khẩu trang này có tác dụng giúp lọc hạt mịn một cách hiệu quả.
5. Tránh để trẻ hút thuốc thụ động
Một trong những tác động tai hại nhất mà bạn có thể gây ra cho phổi của con bạn là phơi nhiễm khói thuốc lá thứ cấp. Dù bạn đang hút bất cứ loại chất gì, nó đều đặt ra một mối nguy hiểm rõ ràng đối với phổi đang phát triển của trẻ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), hút thuốc lá thụ động có thể kích hoạt các cơn hen suyễn, tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp trên và làm chậm quá trình phát triển của phổi ở trẻ.
Nếu con bạn thường xuyên gặp các vấn đề như viêm tai, ho và khó thở, hãy xem xét xem có bao nhiêu khói thuốc trong môi trường xung quanh trẻ và có kế hoạch loại bỏ các yếu tố này càng sớm càng tốt.
6. Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học
Một chế độ dinh dưỡng tốt sẽ góp phần nâng cao sức khỏe của trẻ nói chung và sức khỏe lá phổi nói riêng. Dưới đây là một số thực phẩm và chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe phổi của trẻ:
- Trái cây giàu vitamin C: Dâu tây, cam, kiwi và bưởi giúp tăng cường hệ miễn dịch và có thể giúp bảo vệ phổi khỏi nhiễm trùng.
- Rau xanh: Rau bó xôi, rau cải kale, và rau cải bruxen chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp bảo vệ các tế bào trong phổi.
- Các loại cá giàu omega-3: Cá hồi, cá mòi, và cá sardine có chứa axit béo omega-3, có thể giúp giảm viêm và tăng cường sức khỏe phổi.
- Quả hạch và hạt: Hạt óc chó, hạt lanh và hạt chia cung cấp axit béo omega-3 thực vật hỗ trợ sức khỏe phổi.
- Ngũ cốc nguyên hạt: Gạo lứt, yến mạch và bánh mì nguyên cám chứa nhiều chất xơ, có thể giúp giảm viêm và hỗ trợ hệ miễn dịch.
Hãy nhớ rằng, trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào trong chế độ ăn của trẻ, bạn nên thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có lời khuyên chính xác nhất phù hợp với độ tuổi và tình trạng sức khỏe của trẻ.
Ngoài các cách bảo vệ phổi của trẻ trong thời điểm ô nhiễm không khí gia tăng kể trên thì việc giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác động tới sức khỏe của ô nhiễm không khí cũng quan trọng không kém. Chẳng hạn như việc khuyến khích mọi người ngừng đốt rác thải sinh hoạt hay nông nghiệp; hạn chế hút thuốc lá; ưu tiên lựa chọn các phương tiện di chuyển thân thiện với môi trường;...
Nguồn: Tổng hợp