Cách bão Yagi hủy diệt ngành du lịch châu Á
Từ những cơn mưa giông, Yagi đạt trạng thái siêu bão chỉ trong vài ngày, càn quét nhiều điểm du lịch tại Philippines, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan và Lào.
Ngày 31/8, vùng xoáy với tên quốc tế Yagi xuất hiện, cách vùng biển phía Tây Bắc Palau (quốc đảo nằm ở phía Tây Thái Bình Dương) khoảng 500 km.
Chỉ trong một ngày, Yagi trở thành siêu bão, đổ bộ vào khu vực bờ biển Luzon (Philippines). Cơn bão tiếp tục càn quét Hải Nam - hòn đảo được mệnh danh "Hawaii của Trung Quốc" với bãi biển xanh và nhiều resort cao cấp.
Việt Nam là quốc gia thứ 3 hứng chịu sức tàn phá của cơn bão. Hoạt động du lịch hầu như không thể triển khai tại các khu vực bị ảnh hưởng.
Thái Lan và Lào không bị bão tác động trực tiếp, song chịu ảnh hưởng bởi hoàn lưu sau bão với những cơn lũ dâng cao, nhấn chìm nhiều nhà ở, công trình.
Theo NBC News, Yagi là cơn bão lớn nhất ở châu Á trong năm nay và là cơn bão nhiệt đới mạnh thứ hai trên thế giới vào năm 2024 sau Beryl (ảnh hưởng đến Mỹ, một phần Mexico và Caribe vào tháng 6-7).
Philippines
5.965 là số ngôi nhà bị hư hại tại hủ đô Manila và một số thành phố lân cận ở Philippines.
Theo báo cáo của Hội đồng Quản lý và Giảm thiểu Rủi ro Thảm họa Quốc gia Philippines (NDRRMC) ngày 6/9, có khoảng 16 người chết do lở đất và ngập nước ở vùng Calabarzon, Bicol, Trung/Đông/Tây Visayas trong 2 ngày bão (1-2/9). Một số tuyến đường trung tâm bị ngập úng, gián đoạn chuyến du lịch của du khách.
Thành phố Bicol ở Naga có một người đàn ông bị điện giật khi nước lũ dâng cao, theo Central News.
Tại Antipolo, thành phố hành hương nổi tiếng của người theo Công giáo và là điểm đến du lịch ở phía Tây Manila, 3 cư dân thiệt mạng, trong đó có một phụ nữ mang thai.
Trận lở đất trên sườn đồi chôn vùi các khu ổ chuột, theo MSN. Thời tiết bão gây ra sự gián đoạn đáng kể cho việc đi lại. Hàng nghìn hành khách bị mắc kẹt vào ngày 2/9. Du lịch đường biển ở một số cảng bị hạn chế và 34 chuyến bay nội địa bị hủy.
4 triệu USD là số tiền thiệt hại về cơ sở hạ tầng tại các khu vực bị ngập lụt tại Philippines. Bên cạnh đó, Bộ Phúc lợi Xã hội và Phát triển Philippines chi 92 triệu peso (1,6 triệu USD) nhằm hỗ trợ lượng thực phẩm và nhu yếu phẩm khác đến khu vực bị ảnh hưởng.
Sau Yagi, Cục Quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển nước này dự đoán 2 vùng áp thấp mới ngoài biển khơi có nguy cơ phát triển thành bão.
Trung Quốc
Theo Reuters, Hải Nam rất hiếm khi có siêu bão, chỉ có 9 cơn bão đổ bộ điểm đến này trong vòng 74 năm (từ năm 1949-2023).
Yagi có thể là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào bờ biển phía Nam Trung Quốc kể từ cơn bão Rammasun năm 2014, khiến 88 người thiệt mạng tại 4 tỉnh.
Đảo Hải Nam nổi tiếng là điểm du lịch về văn hóa, phật giáo với vịnh Á Long, Trung tâm Văn Hóa Phật Giáo Nam Sơn, Thiên Nhai Hải Giác,... Khi bão đến, không nhiều người nhận ra hình dạng những địa danh trên
Trước đó, địa phương tổ chức phòng chống bão với hơn 400.000 người được sơ tán. Song, thiệt hại vẫn khá nặng nề. Địa phương ghi nhận khi Yagi quét qua, có 3 người đã thiệt mạng, 95 người bị thương. Sức gió 234 km/h làm bật các gốc cây, đường sá ngập nước và 1,5 triệu dân bị mất điện ngày 7/9.
Trong điều kiện thời tiết nhiều bất cập, doanh nghiệp, trường học, một số hoạt động kinh doanh buộc tạm dừng hoạt động để ứng phó với bão.
Tại thành phố Văn Xương của Hải Nam, Yagi đổ bộ vào địa danh này vào 6/9. 25.000 ngôi nhà, 18.000 ha cây trồng, 48.100 ha rừng bị bão hủy hoại. Các nhà chức trách địa phương ước tính thiệt hại do cơn bão gây ra lên đến 4,5 tỷ USD.
Khu vực Quảng Đông cũng thiệt hại đáng kể. Hơn 50 chuyến bay bị hủy. Cây cầu nối TP Chu Hải (Quảng Đông) - Ma Cao phải ngừng lưu thông trong giai đoạn có bão.
Khu vực Hong Kong cũng ghi nhận hơn 100 báo cáo về việc cây đổ và có 9 người bị thương do bão.
Việt Nam
Hướng đến Việt Nam sau khi suy yếu tại Trung Quốc, Yagi là cơn thịnh nộ từ thiên nhiên không thể nào quên của người dân khu vực miền Bắc. Cảnh màn trời chiếu đất, thức trắng đêm nhiều ngày, thương vong, lũ quét, sập cầu,... là những gì bà con phải chịu đựng.
Hà Nội, Quảng Ninh, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng,... là một số địa phương chịu ảnh hưởng. Đáng chú ý là sự kiện sập cầu Phong Châu (Phú Thọ) sáng ngày 9/9 khiến 10 ôtô rơi xuống sông, 13 người mất tích và trận lũ quét vùi lấp toàn bộ bản Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) gồm 35 hộ dân, 128 khẩu cư trú vào ngày 10/9.
Tình hình thực tế tại Hà Nội diễn ra bất thường. Yagi đổ bộ Hà Nội vào ngày 7/9, chỉ trong vòng một ngày đường sá thủ đô tan hoang, gần 14.300 cây bị đổ, bao gồm cây cổ thụ gần Nhà hát Lớn gắn bó với người dân bao nhiêu thế hệ, hàng cây xanh tại một trong số con phố đẹp nhất Hà thành Phan Đình Phùng, theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cứu hộ thành phố.
Đến nay, sáng 11/9, Hà Nội tiếp tục có mưa lớn, mực nước trên sông Hồng vẫn dâng cao đe dọa hệ thống đê điều, các cây cầu trong thành phố.
Bên cạnh đó, những địa điểm du lịch nổi tiếng như khu vui chơi gần Bãi Cháy Hạ Long, Bảo tàng Quảng Ninh, Cung cá heo, Mường Hoa (xã Sa Pa, Lào Cai), loạt cây cổ thụ ở thủ đô Hà Nội, vườn tược, lồng bè,... đều bị tàn phá nghiêm trọng.
Du lịch tại khu vực vịnh Bắc Bộ gồm đảo Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) cũng thiệt hại nặng nề trong thời gian cơn bão hoành hành. 7/9 là ngày Yagi quét qua đảo, mang theo gió mạnh, giật cấp 16-17, sóng cao 2-4 m. Cây cối đổ rạp, hàng rào, mái tôn, biển quảng báo bay khắp đường phố. Chiều ngày 8/9, tình hình có dấu hiệu dịu dần.
Theo Trung tâm Truyền thông Văn hóa huyện Cô Tô, cơn bão khiến 50 vị trí dây điện bị đứt rơi sõng soài khắp đường, toàn huyện mất điện. Một số bãi biển đẹp tại Cô Tô như Vàn Chảy, Tình Yêu (Tàu Đắm), bãi Đông, bãi Nam,... màu nước trở nên đục do sóng biển cuộn, khung cảnh hoang tàn.
Thái Lan, Lào
Tại Thái Lan, hoàn lưu sau bão Yagi gây cảnh ngập lụt nghiêm trọng tại 48 tỉnh, thành, bao gồm các điểm du lịch nổi tiếng như Chiang Rai, Chiang Mai, Phangnga, Phuket... và thủ đô Bangkok, theo Bangkok Post. Người dân được cảnh báo về khả năng xảy ra mưa lớn và lũ quét từ ngày 13 cho đến ngày 18/9.
Ngày 11/9, Cục Phòng chống và Khắc phục hậu quả Thiên tai Thái Lan cho biết lũ lụt và lở đất do ảnh hưởng của cơn bão Yagi đã 4 người ở miền Bắc tử vong, trong đó 2 người chết trong một trận lở đất ở tỉnh Chiang Mai và 2 người khác ở Chiang Rai, gần biên giới Myanmar.
Còn tại Lào, từ ngày 9/9, khu vực tỉnh Luang Namtha cũng xảy ra tình trạng lũ lụt nghiêm trọng do hoàn lưu bão Yagi, trong đó có ít nhất 1 người bị lũ cuốn.
Theo hãng thông tấn địa phương The Laotian Times, lực lượng quân đội tại Luang Namtha đã tăng cường nỗ lực hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Tuy nhiên, tác động của thiên tai vẫn rất tàn khốc. Sân bay địa phương đã tạm thời đóng cửa do mực nước dâng cao và tầng một của bệnh viện địa phương đã bị ngập.
Nhiều ngôi nhà đã bị hư hại nghiêm trọng hoặc bị phá hủy, buộc một số cư dân phải tìm nơi trú ẩn trên mái nhà khi nước tiếp tục dâng cao.
Đến ngày 11/9, các chuyến bay giữa Viêng Chăn và Luang Namtha bị hoãn/hủy cho đến khi có thông báo mới. Lao Airlines và Lao Skyway tạm ngừng hoạt động vào ngày 10/9 do lũ lụt nghiêm trọng tại sân bay Luang Namtha khiến việc cất cánh và hạ cánh không thể thực hiện được.
Trong khi đó, thành phố du lịch nổi tiếng của Lào Luang Prabang cũng đang phải đối mặt với tình hình ngập lụt nghiêm trọng khi mực nước dâng cao nhấn chìm nhiều nhà dân. Theo dự báo, mực nước có thể đạt mức cao nguy hiểm nhất vào ngày 13/9, chính phủ Lào cảnh báo.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cach-bao-yagi-huy-diet-nganh-du-lich-chau-a-post1496995.html