Cách cầu thủ bóng rổ vĩ đại nhất mọi thời đại đáp trả sếp

Trước phát ngôn của Krause, Jordan đã đáp lại rằng: 'Jerry nói cái khỉ gì thế? Ông ta đâu có mướt mồ hôi dưới sân như tôi... '

Năm 1998, giám đốc điều hành Jerry Krause của đội Chicago Bulls thuộc Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia đã đưa ra một phát ngôn được liệt vào hàng nổi tiếng nhất lịch sử thể thao: “Cầu thủ và huấn luyện viên không phải là nhà vô địch. Tổ chức mới là nhà vô địch”.

Nói cho ngay, Krause quả thật có lý do để cao ngạo như vậy. Tổ chức của ông vừa mới giành được chức vô địch NBA lần thứ sáu trong tám năm (nghĩa là một bàn tay đeo sáu chiếc nhẫn nếu bạn là bá tước Rugen trong phim Cô dâu công chúa).

Riêng Krause được ghi nhận là kiến trúc sư cho triều đại huy hoàng này. Thế nhưng người cày ải dưới sân bóng hằng đêm cho tổ chức của ông lại là cầu thủ có thể xem là vĩ đại nhất mọi thời, Michael Jordan.

Đồng hành cùng anh còn có Scottie Pippen, cầu thủ xuất sắc thứ hai của thập niên 90, người đã phải gồng mình thi đấu dưới cái bóng của “Quý ngài trên không”*. Chưa kể dẫn dắt đội bóng lúc đó là vị huấn luyện viên thiên tài Phil Jackson.

 Ảnh minh họa. Nguồn: David Pérez/Flickr.

Ảnh minh họa. Nguồn: David Pérez/Flickr.

Trước phát ngôn của Krause, Jordan đã đáp lại rằng: “Jerry nói cái khỉ gì thế? Ông ta đâu có mướt mồ hôi dưới sân như tôi... Tôi đâu có thấy ‘tổ chức’ phải chơi bóng ở Utah trong khi đang bị cảm”.

Jordan muốn nhắc đến vòng chung kết giải NBA năm ngoái, khi anh ghi 38 điểm vào rổ đội Jazz mặc dù đang bị cảm cúm nặng.

Jordan giải nghệ vào năm đó, còn Jackson ra đi để tìm cơ hội mới. Trong hơn hai thập kỷ tiếp theo, đội Chicago Bulls chẳng còn giành được bất kỳ chức vô địch nào.

Chúng tôi kể lại chuyện này không chỉ để vạch ra một cú úp rổ vô ơn (chơi chữ một chút), mà còn để tô đậm một sự thật tương đối phũ phàng: vô ơn là một hình thức của vô năng. Sự vô ơn khiến chúng ta đánh rơi một công cụ mạnh mẽ không những tạo cảm hứng cho người khác phát huy hết tiềm năng mà còn giúp chúng ta hiểu thấu bản chất thực sự đằng sau những đóng góp của họ.

“Không khó để nhận ra những nhà lãnh đạo xem vai trò của mình là một cuộc giao dịch”, Henry Timms cho biết. Ông là chủ tịch kiêm tổng giám đốc Trung tâm Lincoln, nơi đặt trụ sở của các tổ chức nghệ thuật hàng đầu như Metropolitan Opera, New York Philharmonic, và New York City Ballet. “

Tất cả chúng ta đều biết người lãnh đạo nào không thật lòng trân trọng nhân viên. Họ cư xử trái ngược hoàn toàn với người biết trân trọng”.

Timms cho rằng xã hội cần thay đổi quan niệm về lòng biết ơn.“Nhiều người trong chúng ta thường nghĩ trân trọng thành quả của người khác là mắc ‘nợ ân tình’. Chúng ta cần phải đảo ngược quan hệ đó, hiểu được rằng lòng biết ơn là nguồn cảm hứng cho hành động chứ không phải lời đáp trả cho hành động”.

Nhưng lòng biết ơn không đơn giản chỉ là nói “cảm ơn” hay khen nhân viên “bạn làm tốt lắm”. Không phải thế đâu. Nó không phải một danh sách cần làm hay vài cái vỗ vai chiếu lệ. Để thể hiện lòng biết ơn một cách hiệu quả, chúng ta cần phải chân thành và cụ thể. Lãnh đạo bằng lòng biết ơn không chỉ dừng ở ghi nhận công sức của người khác mà còn ở biết được khi nào phải ghi nhận.

Adrian Gostick, Chester Elton/ NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/cach-cau-thu-bong-ro-vi-dai-nhat-moi-thoi-dai-dap-tra-sep-post1474965.html