Cách chữa hôi nách hiệu quả

Dùng phèn chua để chữa hôi nách nhiều năm, một bệnh nhân nữ 64 tuổi ở Thanh Hóa bị nhiễm độc nhôm. Vậy hôi nách chữa như thế nào mới hiệu quả?

Nguyên nhân gây hôi nách?

Hôi nách là một hiện tượng do tuyến mồ hôi tiết ra và gây mùi khó chịu. Mồ hôi xuất hiện nhiều ở vùng nách có thể do cơ địa của mỗi người hoặc do quá trình hoạt động, làm việc.

Đặc biệt tại những khu vực dễ tiết ra nhiều mồ hôi như bộ phận sinh dục, nách,… rất dễ gây ra mùi. Bởi trong mồ hôi của người có chứa nhiều protein và chất béo khiến cho vi khuẩn phát triển nhiều, phân hủy, từ đó gây ra mùi khó chịu.

Bệnh có thể xuất hiện ở các đối tượng khác nhau, kể cả nam giới và nữ giới. Tuy nhiên độ tuổi dễ mắc phải nhất đó là thời điểm dậy thì, bởi vì trong giai đoạn này nội tiết tố trong cơ thể có sự thay đổi mạnh mẽ.

Hôi nách có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Hôi nách có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Tuyến mồ hôi được chia làm hai loại:

- Tuyến mồ hôi nhỏ (eccrine): phân bố khắp cơ thể, có nhiệm vụ đào thải các chất cặn bã, điều hòa thân nhiệt, thải ra 99% nước và 0,5% muối.

- Tuyến mồ hôi lớn (apocrine): nằm ở lớp dưới da, các lỗ chân lông tuyến này chỉ phân bố ở nách, âm hộ và lông mày, thải ra chất lỏng khá đặc, có chứa lipid, protein và sắt, có chức năng làm cho da trơn và láng mịn. Các chất này khi bị vi khuẩn phân hủy sẽ tạo thành một loại axit béo không bão hòa có mùi khó ngửi được gọi là mùi hôi nách. Mức độ chế tiết của tuyến mồ hôi càng nhiều và vi khuẩn hoạt động càng mạnh thì mùi càng nặng.

Nguyên nhân của việc chế tiết quá mức tuyến mồ hôi còn chưa rõ, có thể do tăng kích thích của thần kinh giao cảm tới tuyến mồ hôi, do chuyển hóa, do bệnh lý toàn thân. Tuy nhiên hầu hết các trường hợp tăng chế tiết tuyến mồ hôi lại xảy ra ở người khỏe mạnh.

Hạn chế ăn các thực phẩm gia vị như tỏi, hành,… để giảm mùi hôi phát ra từ vùng da dưới cánh tay.

Hạn chế ăn các thực phẩm gia vị như tỏi, hành,… để giảm mùi hôi phát ra từ vùng da dưới cánh tay.

Các phương pháp chữa hôi nách

Hôi nách có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Điều trị hôi nách đã khá phổ biến với nhiều cách thức khác nhau.

Điều trị nội khoa

- Thuốc kháng mồ hôi: Thuốc bôi vào nách hàng ngày có tác dụng làm giảm mùi hôi, nhưng không ngăn cản được chế tiết mồ hôi, gây kích ứng tại chỗ.

- Thuốc kháng cholinergic: propranolol, glycopyrrolate. Thuốc có tác dụng làm giảm tiết mồ hôi bằng cách ngăn ngừa sự kích thích của thần kinh giao cảm tới tuyến mồ hôi. Thuốc này ít tác dụng trong điều trị hôi nách.

- Botox: Botulinum toxin type A (Botox) tiêm trong da vùng nách có tác dụng ngăn cản sự kích thích của thần kinh giao cảm tới tuyến mồ hôi.

- Liệu pháp ion hóa: có tác dụng ức chế tiết mồ hôi, có hiệu quả trong điều trị tăng tiết mồ hôi ở tay và chân, nhưng ít hiệu quả điều trị hôi nách.

Phẫu thuật chữa hôi nách

Hiện phương pháp cắt hạch giao cảm ngực bằng nội soi: dùng kỹ thuật nội soi để cắt bỏ hạch giao cảm ngực 3, ngực 4 với mục đích giảm tiết mồ hôi ở vùng nách. Nhược điểm của kỹ thuật này là cần gây mê toàn thân, có thể gây tràn khí màng phổi, tràn khí dưới da, ảnh hưởng các cấu trúc bên trong lồng ngực. Sau phẫu thuật mồ hôi ở nách giảm tiết, bàn tay khô và có thể tăng tiết mồ hôi bù trừ ở ngực, lưng, bụng.

Lời khuyên thầy thuốc

Một số biện pháp ngăn ngừa tình trạng hôi nách như: Vệ sinh cơ thể bằng cách tắm vòi sen kết hợp dùng xà phòng kháng khuẩn hàng ngày và sau khi tập thể dục. Sau khi tắm, nên lau khô nách để hạn chế độ ẩm, giảm tình trạng mồ hôi có mùi.

Ngoài ra, nên thay quần áo sạch mỗi ngày và sau khi vận động ra nhiều mồ hôi. Dùng các sản phẩm chống đổ mồ hôi và khử mùi ngăn lượng mồ hôi tiết ra bằng cách chặn tạm thời các lỗ chân lông. Chất khử mùi giúp ngăn mồ hôi có mùi nhưng không ngăn được đổ mồ hôi. Người bệnh nên thoa chất này mỗi ngày 1 lần ngăn ngừa hôi nách.

Hạn chế ăn các thực phẩm gia vị như tỏi, hành,… để giảm mùi hôi phát ra từ vùng da dưới cánh tay.

Mặc quần áo thoải mái và thoáng khí giúp cơ thể hạn chế tiết mồ hôi, giảm hôi nách.

Cạo nách giúp vùng da dưới cánh tay thoáng khí, ngăn ngừa mùi cơ thể.

Hãy nhớ rằng, cơ thể của mỗi người là khác nhau và những phương pháp có hiệu quả với người này chưa chắc có hiệu quả với người khác. Nếu cảm thấy lo lắng về mùi hôi nách, nên xin ý kiến của bác sĩ và chuyên gia để có hướng xử lý tốt nhất.

Tóm lại: Hôi nách và hội chứng tăng tiết mồ hôi vùng nách là hai bệnh lý khác nhau về cơ chế bệnh sinh và phương pháp điều trị. Các phương pháp dân gian như: sử dụng gừng, lá trầu không, phèn chua chà xát vào vùng nách… là tiết kiệm và đơn giản nhất. Tuy nhiên phương pháp này không mang tính chất điều trị tận gốc nguyên nhân gây mùi mà chỉ có tính chất tạm thời.

Còn các phương pháp trên được ứng dụng linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng bệnh nhân, về tính chất bệnh, đặc điểm giải phẫu, để đạt được hiệu quả cao nhất. Cho đến nay tỉ lệ khỏi vĩnh viễn đạt 99,5%. Thời gian nằm điều trị trung bình 1-7 ngày, không có tai biến, biến chứng nặng. Bệnh nhân sau mổ có thể tham gia học tập, lao động sinh hoạt bình thường.

Chỉ định phẫu thuật điều trị hôi nách rất chặt chẽ, vì vậy khuyến cáo bệnh nhân nên được khám và tư vấn trực tiếp tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Một bệnh nhân nữ 64 tuổi ở Thanh Hóa bị nhiễm độc nhôm do dùng phèn chua để chữa hôi nách nhiều năm. 2 tháng trước khi nhập viện, bệnh nhân liên tiếp xuất hiện tình trạng ngứa lòng bàn chân, tay, toàn thân mà không có các nốt ban hay sẩn mề đay. Bệnh nhân đã đi khám nhiều nơi, cả các chuyên khoa điều trị dị ứng không đỡ.

Với tiền sử sử dụng phèn chua nhiều năm để chữa hôi nách, bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm kiểm tra. Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ nhôm trong máu và nước tiểu cao hơn mức cho phép.

Theo tiêu chuẩn, nồng độ nhôm trong máu không được quá 12mcg/lít và nước tiểu phải dưới 12mcg/24h. Với bệnh nhân M.T.L., chỉ số trong máu 12,5mcg/lít và nước tiểu 47,37mcg/24h. Điều đặc biệt, chức năng thận của bệnh nhân vẫn bình thường, nghĩa là nồng độ nhôm trong cơ thể tăng không phải do suy thận.

"Khoảng 10 năm nay, tôi thường xuyên sử dụng phèn chua rang lên, tán bột và bôi nách ngày 2 lần để chữa hôi nách. Đây là một mẹo chữa dân gian được nhiều người sử dụng, lan truyền. Bản thân không hề nghĩ đến nguy cơ bị nhiễm độc", bệnh nhân M.T.L chia sẻ.

Sau thời gian điều trị gần 1 tháng từ ngày 17/6 - 12/7, tình trạng bệnh nhân M.T.L đã được cải thiện. Bệnh nhân được ra viện, uống thuốc ngoại trú và khám lại định kỳ.

BS. Nguyễn Văn Hà

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-chua-hoi-nach-hieu-qua-169240802141852098.htm