Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng Tết Hàn thực

Ngoài bánh trôi, bánh chay, mâm cỗ cúng Tết Hàn thực cần chuẩn bị những gì cho chu đáo, đầy đủ?

Mâm cỗ cúng Tết Hàn thực không thể thiếu bánh trôi, bánh chay.

Mâm cỗ cúng Tết Hàn thực không thể thiếu bánh trôi, bánh chay.

Tết Hàn thực (mùng 3/3 âm lịch) là một trong những dịp quan trọng trong văn hóa người Việt. Vào ngày này, các gia đình sẽ biện mâm lễ bày tỏ lòng biết ơn, sự thành kính đối với tổ tiên và các vị thần linh.

Mâm cỗ cúng Tết Hàn thực cơ bản thường có: Bánh trôi, bánh chay, mâm ngũ quả, hương, hoa, trầu cau, nước lọc.

Bánh trôi, bánh chay

Mâm cỗ cúng Tết Hàn thực không thể thiếu bánh trôi, bánh chay. Theo quan niệm, số lẻ là số mang lại may mắn nên số lượng bát bánh trôi và bánh chay trên mâm thường là 3 hoặc 5, tùy theo từng gia đình.

Bánh trôi được làm bằng bột nếp nhào nặn với nước, có nhân bằng đường. Gạo làm bánh trôi, bánh chay phải là gạo nếp cái hoa vàng. Cứ chín phần nếp cho một phần tẻ hoặc non hai phần tẻ. Đường làm nhân bánh trôi ngon nhất là đường phên, những miếng đường vuông thành, sắc cạnh, đỏ thắm, rắn đanh và giòn, hương thơm mát. Bánh nặn xong, được thả vào nồi nước sôi. Bánh chìm xuống rồi nổi lên thì vớt ra và ngâm trong nước đun sôi để nguội cho săn trở lại rồi lại vớt ra bày vào đĩa. Đĩa bánh trôi được rắc thêm mấy hạt vừng đã rang thơm.

Lưu ý, số lượng bánh trôi bánh chay trong đĩa cũng cần đặt các viên bánh lẻ như 5, 7, 9,..

Ngày nay, ngoài bánh trôi truyền thống màu trắng, nhiều người còn sáng tạo thêm bánh trôi Ngũ sắc dựa theo 5 màu sắc cơ bản của thuyết Ngũ hành (xanh lá - Mộc, đỏ - Hỏa, vàng - Thổ, trắng - Kim, xanh dương - Thủy).

Không chỉ dừng lại ở bánh trôi bánh chay dáng tròn trịa truyền thống, nhiều người cũng dâng cúng cả bánh trôi tạo hình hoa sen, hoa mẫu đơn và các biểu tượng may mắn.

Dù bánh trôi nước được biến tấu nhiều hình dáng và màu sắc đa dạng nhưng trong mâm cúng lễ Tết Hàn thực vẫn không thể thiếu được đĩa bánh trôi, bánh chay màu trắng truyền thống.

Trái cây và hoa tươi

Ngoài bánh trôi, bánh chay, trái cây và hoa tươi cũng là phần không thể thiếu trong mâm lễ dâng cúng ngày Tết Hàn thực. Gia chủ nên chọn 5 loại quả có đủ màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng,... đại diện cho ngũ hành để dâng cúng tổ tiên thể hiện tấm lòng của mình, đồng thời mong ước những điều tốt lành trong ngày Tết Hàn thực.

Bên cạnh đó, gia chủ nên chọn hoa thật tươi, thông thường nên chọn hoa cúc, bởi loại hoa này thể hiện được sự trang nghiêm và mang ý nghĩa cầu mong tài lộc, may mắn. Tùy thuộc vào điều kiện gia đình, gia chủ có thể chọn thêm các loại hoa khác như hoa huệ trắng, hoa đồng tiền,...

Lễ cúng Tết Hàn thực cũng cần có ly nước sạch thanh tịnh. Theo quan niệm dân gian, ly nước sạch đại diện cho sự tinh khiết, cho chân tâm thành kính của gia chủ. Kể cả không phải ngày lễ thì ly nước sạch trên bàn thờ vẫn nên được thay thường xuyên.

Lưu ý: Gia chủ không nên đặt hoa giả, quả giả và đồ ăn cũ lên bàn thờ để dâng cúng. Trầu cau cần tươi và xanh nhất, bánh trôi bánh chay, hoa quả cũng cần chọn loại tươi mới nhất để thể hiện lòng thành kính với ông bà tổ tiên.

HP (tổng hợp)

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/cach-chuan-bi-mam-co-cung-tet-han-thuc-332564.html