Cách Đạo luật CHIPS ảnh hưởng đến ngành công nghiệp bán dẫn
Chính quyền Mỹ muốn đảm bảo quyền lực toàn cầu của họ thông qua việc duy trì vị thế dẫn đầu về công nghệ và sản lượng sản xuất.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký Đạo luật CHIPS và Khoa học vào tháng 8/2022, cung cấp 76 tỷ USD trong thời gian 5 năm để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn. Mỹ chỉ sản xuất 12% chất bán dẫn của thế giới mặc dù thiết kế tới 47% chất bán dẫn được bán trên toàn cầu.
Trong khi đó, Nhật Bản đang lên kế hoạch đầu tư 67 tỷ USD vào ngành công nghiệp chip, vượt xa con số 47 tỷ USD mà châu Âu công bố cho đến nay. Gần đây, Trung Quốc cũng tăng cường sự đặt cược bằng cách bổ sung 47,5 tỷ USD vào một quỹ trị giá 140 tỷ USD.
Theo tổ chức từ thiện có trụ sở tại châu Á, Hinrich Foundation, với hoạt động nhằm thúc đẩy thương mại toàn cầu bền vững thông qua nghiên cứu và giáo dục, ba nền kinh tế lớn nhất hàng đầu đang chiếm 81% sự can thiệp của nhà nước vào lĩnh vực chip.
Theo hai nhà nghiên cứu công nghệ ở Penang (Malaysia), Andrew Sheng và Loh Peixin thuộc Đại học Mở Wawasan, do chất bán dẫn được tìm thấy trong hầu hết các sản phẩm thông minh và rất quan trọng đối với thiết bị quân sự tiên tiến và trí tuệ nhân tạo, Chính quyền Mỹ muốn đảm bảo quyền lực toàn cầu của họ thông qua việc duy trì vị thế dẫn đầu về công nghệ và sản lượng sản xuất.
Khi Trung Quốc trở thành nguồn cung cấp sản xuất và thương mại toàn cầu chính, cả Mỹ và châu Âu đều nhận ra thực tế rằng việc gia công sản xuất quá nhiều khiến họ dễ bị thiếu nguồn cung do các cường quốc đối thủ có thể kiểm soát các nút thắt của chuỗi cung ứng.
Với việc bốn khu vực hàng đầu đặt mục tiêu rót hơn 330 tỷ USD để trợ cấp cho ngành công nghiệp bán dẫn tạo ra doanh thu 526 tỷ USD vào năm 2023, câu hỏi đặt ra là liệu nguồn cung chip bán dẫn có bị dư thừa trong những năm tới.
Các chính phủ không chỉ cấp các khoản tài trợ trực tiếp mà còn cung cấp tín dụng thuế và thuế quan cùng với các biện pháp bảo vệ khác cho các nhà sản xuất trong nước.
Chip không chỉ có thị trường khổng lồ làm đầu vào cho các sản phẩm tiêu dùng, thế hệ máy tính lượng tử mới và vi mạch trí tuệ nhân tạo (AI), mà còn rất quan trọng trong các thiết bị quân sự thông minh như thiết bị không người lái và robot chiến đấu.
Mặc dù thặng dư tiết kiệm cao của Trung Quốc, chiếm 28% tổng tiết kiệm toàn cầu vào năm 2023 hoặc chỉ thấp hơn 5% so với tổng tiết kiệm của Mỹ và EU, cho phép Trung Quốc đầu tư vào công nghệ mới, nhưng sự kết hợp của phương Tây hiện có thể cắt đứt khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với công nghệ hàng đầu và thiết bị quan trọng để chế tạo chất bán
dẫn thông qua nhiều biện pháp trừng phạt, kiểm soát quyền sở hữu trí tuệ, cũng như khả năng tiếp cận cả thị trường và nhà cung cấp.
Cơ quan Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại Mỹ có các công cụ mạnh mẽ để kiểm soát quyền truy cập của mọi công ty hoặc quốc gia vào công nghệ bán dẫn.
Quy tắc BIS hạn chế chuyển giao “công nghệ kép” từ
Nvidia
, Advanced Micro Devices (AMD) và các công ty khác cho các công ty Trung Quốc. Do các hạn chế nhắm vào Trung Quốc như một điểm đến về mặt địa lý, các nỗ lực của Trung Quốc nhằm nhập khẩu công nghệ AI cho các công ty con của họ bên ngoài nước này đã gặp phải những hạn chế khắt khe, như các hạn chế của Hà Lan và Nhật Bản trong việc bán các loại thiết bị sản xuất chất bán dẫn quan trọng cho người mua Trung Quốc trực tiếp hoặc gián tiếp.
Các nhà sản xuất chất bán dẫn Trung Quốc đặc biệt bị hạn chế mua chip nhỏ hơn (logic 16nm, DRAM 18 nm và NAND 128-layer) từ các nhà sản xuất Hàn Quốc và Đài Loan.
Điều này có nghĩa là Trung Quốc và các nhà sản xuất khác chỉ có thể tập trung vào các nút 28nm hoặc lớn hơn vẫn được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng thương mại. Thị trường tiêu dùng rộng lớn đến mức các nhà sản xuất có quy mô kinh tế có lợi thế cạnh tranh lâu dài.
Malaysia hiện là quê hương của sự kết hợp giữa các OEM và nhà sản xuất thiết kế gốc (ODM) như Globetronics, Vitrox và các nhà sản xuất khác. Sự thay đổi mô hình kinh doanh này có nghĩa là khi các công ty trong nước học cách đầu tư vào R&D, bằng sáng chế và sở hữu trí tuệ trong nước, giá trị gia tăng trong nước sẽ tang cao, bao gồm cả việc nâng cấp tài năng và kỹ năng nguồn nhân lực. Điều đó cũng có nghĩa là để nâng cao năng lực và năng lực công nghệ, việc nâng cấp và đào tạo lại nhân tài là rất quan trọng.
Do Malaysia phụ thuộc nhiều vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để tận dụng vị trí kinh doanh chiến lược và tài nguyên thiên nhiên nên các sản phẩm của nước này có hàm lượng công nghệ nước ngoài tập trung cao. Khoảng 40% xuất khẩu của Malaysia đến từ lĩnh vực công nghệ kỹ thuật điện và điện tử, với thu nhập xuất khẩu là 122,44 tỷ USD vào năm 2023.
Theo Deloitte's, Malaysia là nước vay ròng công nghệ nước ngoài với chưa đến 20% công ty niêm yết ở sàn chứng khoán Malaysia được phân loại là các công ty công nghệ cuối năm 2023. Tỷ lệ R&D trên tổng sản phẩm quốc nội của Malaysia là 1,08% GDP năm 2022, chưa bằng một nửa so với Trung Quốc (2,54%) và thấp hơn nhiều so với Tổ chức các nước Hợp tác và Phát triển Kinh tế (2,72%), đặc biệt là Mỹ (3,36%).
Điều này có nghĩa rằng nếu Malaysia muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thì việc hướng tới một nền kinh tế dựa trên tri thức, liên tục nâng cấp công nghệ và bí quyết phải là con đường tiên quyết. Malaysia cũng không thể nâng cấp nếu không có sự cải tổ lớn về chính sách giáo dục và đào tạo lại lao động. Malaysia không thể thu hút FDI giá trị cao nếu không cung cấp các kỹ sư và kỹ thuật viên có tay nghề cao. Lao động giá trị thấp và đất giá rẻ không còn đủ nữa.
Khả năng quản lý kinh tế trong thời đại cạnh tranh địa chính trị khốc liệt có nghĩa là các quốc gia nhỏ hơn phải sống bằng trí thông minh, kỹ năng và sự nhanh nhẹn để bật lên và định hướng khi cần thiết để tồn tại. Việc tiếp cận các thị trường lớn sẽ luôn sẵn có khi đất nước có những lợi thế công nghệ thích hợp mang lại khả năng cạnh tranh về quyền sở hữu trí tuệ, thay vì chỉ dựa vào tài nguyên thiên nhiên.
Đã đến lúc phải hành động nhanh chóng dựa trên kỹ năng R&D và nguồn nhân lực. Chỉ cung cấp vốn là chưa đủ vì chính sự chuyển đổi nền kinh tế thực sự, với sự hợp tác gắn kết giữa giới học thuật, doanh nghiệp và nền công vụ sẽ tạo ra sự khác biệt trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt.