Cách để học viên gắn bó với lớp xóa mù chữ

Giữa bộn bề mưu sinh, hằng đêm lớp xóa mù chữ ở ở xã Tri Lễ (Nghệ An) vẫn rộn rã tiếng cười nói, đọc sách, viết chữ của học viên đã ngoài 30 tuổi.

Thầy Hòa (ngoài cùng bên phải) cùng học viên lớp xóa mù chữ.

Thầy Hòa (ngoài cùng bên phải) cùng học viên lớp xóa mù chữ.

Người mẹ bản học chữ đêm

Khi bóng tối buông xuống vùng cao Tri Lễ (Nghệ An), có những người phụ nữ tuổi đã qua ba mươi, bốn mươi vẫn cặm cụi bước ra khỏi nhà, trong tay cầm chiếc giỏ nhỏ đựng cuốn vở ô ly, cây bút bi và cả khát khao con chữ từng lỡ dở đến lớp xóa mù chữ.

Lớp học xóa mù chữ do Trường Tiểu học Tri Lễ 1 phối hợp với các đơn vị và chính quyền xã tổ chức đã bước sang kỳ thứ 5. Chia sẻ về quá trình vận động và duy trì lớp học, ông Nguyễn Minh Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 1 cho biết: “Để lớp học có thể duy trì đến kỳ thứ 5 như hiện nay, điều quan trọng là xây dựng được nề nếp học đều đặn, quá trình dạy tạo cho học viên cảm nhận rõ hơn giá trị và sự thiết thực mà lớp mang lại”.

Lớp học xóa mù chữ được tổ chức ngay tại nhà văn hóa bản, thuận tiện cho người dân địa phương. Học viên xa nhất, nhà cách lớp học 1km.

Từ những buổi học đầu còn bỡ ngỡ, lớp xóa mù chữ ở Tri Lễ 1 nay đã bước sang kỳ thứ năm của giai đoạn 2. Mỗi tối, ánh đèn lớp lại sáng lên để chào đón 26 học viên, phần lớn là phụ nữ trong độ tuổi 35 – 40.

Họ tranh thủ đến lớp sau một ngày vất vả làm nương, bởi họ hiểu rằng con chữ không chỉ giúp đọc viết mà còn mở ra những cơ hội mới cho cuộc sống. Sau một thời gian dài học, lớp học đã dần trở thành chốn thân quen, nơi nuôi dưỡng trong mỗi người niềm tin rằng tri thức sẽ mở lối cho một tương lai đổi thay. Hiểu được đặc thù của đối tượng học viên, nhà trường đã lựa chọn những cô giáo là người dân tộc Thái để tạo sự gần gũi, thuận tiện trong giao tiếp.

“Vì phần lớn học viên là phụ nữ người dân tộc thiểu số nên nhà trường chủ động bố trí giáo viên là người dân tộc Thái và ưu tiên giáo viên nữ. Như vậy, các cô giáo sẽ dễ dàng tạo được sự gần gũi, giúp học viên cảm thấy thoải mái hơn khi đến lớp”, ông Hòa chia sẻ.

Chính sự gần gũi, hữu ích ấy khiến lớp học trở nên sống động và giàu cảm hứng. Nhiều phụ nữ mang theo cả con nhỏ và cháu đến lớp để vừa học vừa trông. Điều đó thể hiện tinh thần học tập bền bỉ của bà con không hề bị dập tắt dù cuộc sống còn lắm bộn bề.

 Quang cảnh lớp học.

Quang cảnh lớp học.

Mảnh đất hiếu học

Trên mảnh đất xứ Nghệ giàu truyền thống hiếu học, tinh thần ham học của bà con nơi đây như ngọn lửa âm ỉ, chỉ chờ được thắp lên. Thầy Nguyễn Minh Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 1 cho biết, quá trình vận động mở lớp xóa mù chữ không gặp quá nhiều trở ngại. Bởi lẽ, người dân nơi đây vốn đã có sự khao khát học rất lớn.

Để lớp học duy trì hiệu quả, nhà trường thường xuyên phối hợp với Hội Phụ nữ và ban quản lý thôn trong việc vận động, hỗ trợ khi học viên gặp khó khăn. Từ những ngày đầu thành lập, thầy cô đã chủ động tổ chức khai giảng, tặng sách vở, bút viết để động viên cho bà con. Trong suốt quá trình học, lãnh đạo nhà trường cũng thường xuyên đến lớp thăm hỏi, tạo sự gắn bó bền chặt giữa cộng đồng và nhà trường.

Chính những người đứng lớp cũng được tiếp thêm động lực từ sự kiên trì, ham học của bà con. Mỗi buổi tối, trong căn phòng học giản dị, thầy cô vẫn miệt mài dạy chữ.

“Thấy học viên chăm chỉ, nỗ lực như vậy giáo viên cũng có thêm động lực. Lớp học tuy đơn sơ nhưng lại rực lên ánh sáng của niềm tin và hy vọng của bà con nơi đây”, ông Hòa xúc động.

Không chỉ dừng lại ở việc dạy đọc, dạy viết, lớp học còn hướng tới trang bị những kỹ năng thiết thực cho cuộc sống hiện đại. Học viên được hướng dẫn cách sử dụng điện thoại thông minh, thao tác các thủ tục giấy tờ cơ bản. Ngoài ra, giáo viên cũng thường xuyên giải thích về công nghệ số, giúp họ tự tin tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến.

“Điều quan trọng nhất chính là sự gần gũi và tin tưởng. Khi khoảng cách được xóa nhòa, sự e dè cũng dần tan biến. Lớp học không còn đơn thuần là nơi dạy chữ mà trở thành không gian sẻ chia, đồng hành và cùng nhau tiến lên”, ông Nguyễn Minh Hòa bộc bạch.

Giữa núi rừng biên giới còn nhiều khó khăn, những lớp học ban đêm ở Tri Lễ (tỉnh Nghệ An) đã giúp người dân biết đọc, biết viết. Tuy nhiên, ý nghĩa của lớp học không dừng lại ở đó mà còn là cánh cửa đưa bà con đến gần hơn với tri thức, tự tin làm chủ cuộc sống. Trong ánh đèn vàng lay lắt, từng con chữ được viết nên bởi ý chí kiên cường và khát khao về một cuộc sống mới đầy hy vọng.

Đức Duy - Phùng Ánh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cach-de-hoc-vien-gan-bo-voi-lop-xoa-mu-chu-post741806.html