Xúc động lễ chia tay thầy Lê Bá Khánh Trình, 4 tiến sĩ đàn hát 'Thời thanh niên sôi nổi'

Các tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình, Trần Nam Dũng, Nguyễn Thanh Hùng, Đào Duy Nam cùng đàn và hát bài 'Thời thanh niên sôi nổi' (nhạc Nga) trong lễ tri ân chia tay 2 người thầy Lê Bá Khánh Trình và Nguyễn Thanh Hùng nghỉ hưu.

Tối 28/7, Trường phổ thông Năng khiếu tổ chức lễ tri ân tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình và Nguyễn Thanh Hùng trước khi nghỉ hưu.

Ông Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM đã dự và trao kỷ niệm chương cho 2 vị tiến sĩ.

Tại lễ tri ân, lần đầu tiên cả 4 tiến sĩ là Lê Bá Khánh Trình, Trần Nam Dũng, Nguyễn Thanh Hùng, Đào Duy Nam cùng đàn và hát bài "Thời thanh niên sôi nổi". Đâylà bản nhạc Nga - đất nước 4 vị tiến sĩ cùng học.

Trong đó, tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình và tiến sĩ Trần Nam Dũng học tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva; tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng học Đại học Sư phạm quốc gia Lipetsk; tiến sĩ Đào Duy Nam học Đại Học Tổng hợp kỹ thuật điện Thành phố Xanh Petecbua.

Sau tốt nghiệp, cả 4 người có thời gian dài công tác tại Trường phổ thông Năng khiếu, Trường Đại học Khoa học tự nhiên với nhiều vị trí khác nhau. Nhưng họ đã có tuổi trẻ, thời thanh niên cùng học tập, sinh sống và sau này là đồng nghiệp, anh em cùng làm việc.

“Anh Lê Bá Khánh Trình và Nguyễn Thanh Hùng là hai huyền thoại của Trường phổ Thông Năng khiếu. Tên tuổi của hai thầy gắn liền với những thành tích chói lọi của 'quả đấm thép' mang tên Toán - Tin của Trường Phổ thông Năng khiếu và hơn thế là thành tích của đội tuyển Việt Nam dự thi IMO và IOI.

Anh Trình đã rời khỏi cương vị Tổ trưởng Tổ Toán từ tháng 3/2025 còn anh Hùng sẽ rời cương vị Tổ trưởng Tổ Tin từ tháng 8/2025, tuy nhiên, với tình yêu học sinh, tình yêu Phổ thông năng khiếu, cả hai vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng trường trên cương vị cố vấn và trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi”, TS Trần Nam Dũng, Phó Hiệu trưởng nói và cho hay, ông gắn bó với tiến sĩ Khánh Trình từ năm 1984 còn với tiến sĩ Thanh Hùng từ năm 1995 đến nay. Những con số đủ nói lên một sự gắn kết, thấu hiểu. Họ là những người đàn anh đã hướng dẫn, dìu dắt, hỗ trợ ông rất nhiều trong công việc.

Theo tiến sĩ Nam Dũng, sở dĩ họ cùng đàn và hát bài “Thời thanh niên sôi sổi” là để nhớ về thời thanh niên sôi nổi của chính mình. Đó là tuổi trẻ cùng sống, học tập, trưởng thành và sau này là đồng nghiệp, anh em.

Lê Huyền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tien-si-le-ba-khanh-trinh-tran-nam-dung-dan-va-hat-thoi-thanh-nien-soi-noi-2426524.html