Cách điều trị rối loạn giấc ngủ không cần dùng thuốc
Khi có dấu hiệu bị rối loạn giấc ngủ, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc ngủ bởi có thể gây nghiện thuốc, khó khăn trong điều trị sau này.
Thời gian gần đây, khi làm việc ban ngày tôi thường cảm thấy rất buồn ngủ, nhưng đến đêm tối thì lại mất ngủ, trằn trọc gần như suốt đêm. Tôi đã dùng thuốc ngủ nhưng không cải thiện.
Tôi nên điều trị như thế nào để chấm dứt tình trạng này? (Trần Hạnh Nguyên, Phú Thọ).
Trả lời
Hiện nay, có nhiều người cho biết tình trạng mất ngủ ảnh hưởng khá lớn đến cuộc sống của họ, tuy nhiên họ thường chủ quan, nghĩ rằng mất ngủ chỉ là hiện tượng thoáng qua, tự nhiên sẽ hết.
Cần nhấn mạnh rằng đây là một căn bệnh rất nguy hiểm, bởi có thể xuất phát từ nhiều bệnh lý khác nhau. Đặc biệt, khi có dấu hiệu mất ngủ, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc ngủ bởi có thể gây nghiện thuốc, khó khăn trong điều trị sau này.
Một giấc ngủ ngon cần đảm bảo thời lượng ngủ từ 6-8 tiếng liên tục; chất lượng giấc ngủ phải sâu, không bị thức giấc lúc nửa đêm; dễ đi vào giấc ngủ, không bị trằn trọc; sáng hôm sau khi tỉnh dậy cơ thể khỏe mạnh, khoan khoái…
Rối loạn giấc ngủ là tình trạng chất lượng và số lượng của giấc ngủ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi bị rối loạn giấc ngủ, cơ thể con người bị đảo lộn về sinh hoạt, sinh lý, làm thay đổi chất lượng cuộc sống.
Có nhiều loại rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, ngủ rũ, ngủ nhiều, trằn trọc trong đêm, khó ngủ, ngủ không sâu... Trong đó, mất ngủ là tình trạng thường gặp nhất của rối loạn giấc ngủ.
Người cao tuổi dễ bị rối loạn giấc ngủ nhất. Tuy nhiên, theo báo cáo gần đây của Viện sức khỏe tâm thần TP.HCM, có đến 25% người trẻ bị rối loạn giấc ngủ và tỉ lệ này có xu hướng ngày càng tăng, nguyên nhân chủ yếu là do áp lực, căng thẳng từ cuộc sống.
Một số nguyên nhân thường gặp khác dẫn tới rối loạn giấc ngủ có thể kể đến như thay đổi thói quen nào đó; dùng chất kích thích, ăn quá no, sử dụng thiết bị điện tử quá lâu hoặc xem phim kinh dị trước khi ngủ; mắc bệnh tăng huyết áp, bệnh lý về tim mạch, về tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt.
Rối loạn giấc ngủ kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi, mất tập trung, giảm năng suất lao động, suy nhược cơ thể, gây căng thẳng về tâm lý. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến rối loạn lo âu, trầm cảm, gia tăng các bệnh liên quan đến tim mạch, huyết áp hoặc các bệnh tâm thần phức tạp hơn.
Khi có triệu chứng rối loạn giấc ngủ, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để tìm hiểu xem nguyên nhân rối loạn giấc ngủ là gì. Cùng với đó luôn giữ suy nghĩ tích cực, tránh tâm lý căng thẳng, áp lực kéo dài, thiết kế phòng ngủ yên tĩnh…
Nếu đã thực hiện vệ sinh giấc ngủ đúng và cơ thể cũng không có bệnh lý kèm theo, người bệnh cần thay đổi một số thói quen, cố gắng ngủ sớm, tắm nước ấm, không dùng chất kích thích, thiết bị điện tử trước khi ngủ, uống trà hoa cúc…
Nếu cần thiết và được hướng dẫn, tư vấn bởi các bác sĩ, người bệnh mới dùng thảo dược hoặc thuốc tây y.
TS.BS LÊ THỊ BÍCH THỦY, Trưởng khoa Nội Thần kinh - Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ
Nguồn PLO: https://plo.vn/cach-dieu-tri-roi-loan-giac-ngu-khong-can-dung-thuoc-post813405.html