Cách điều trị và phòng ngừa loãng xương ở người cao tuổi
Loãng xương là một tình trạng phổ biến thường gặp ở người cao tuổi, có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm như gãy xương, tàn phế. Vậy điều trị loãng xương như thế nào, phòng ngừa ra sao?
1. Nguyên nhân dẫn đến loãng xương ở người cao tuổi
Theo ThS.BS. Nguyễn Thị Bảo Thoa, Trung tâm Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai, nguyên nhân chính gây ra loãng xương là do tuổi tác.
Quá trình lão hóa của các cơ quan dẫn đến giảm hấp thu canxi cùng các chất dinh dưỡng khác làm suy yếu cấu trúc xương.
Chế độ ăn uống không đủ chất cũng có thể gây ra tình trạng loãng xương.
Bên cạnh đó, thói quen ít vận động, hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời gây giảm hấp thu vitamin D, giảm hấp thu và tăng bài tiết canxi, dẫn đến tình trạng thiếu canxi và loãng xương.
Người cao tuổi mắc các bệnh lý về thận, nội tiết cũng có thể bị loãng xương hoặc do tác dụng phụ khi sử dụng corticoid kéo dài.
2. Các thuốc điều trị loãng xương ở người cao tuổi
2.1 Thuốc giảm đau
Đau nhức là một trong những triệu chứng điển hình của loãng xương. Trong trường hợp cần thiết, có thể sử dụng thuốc giảm đau như paracetamol và thuốc calcitonin để ức chế hoạt động của các tế bào hủy xương.
Lưu ý, nên hạn chế dùng các thuốc kháng viêm giảm đau, đặc biệt nhóm thuốc kháng viêm chứa corticosteroids.
2.2 Thuốc tăng mật độ xương, chống phá hủy xương
Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế hoạt động của tế bào hủy xương và thúc đẩy quá trình tái tạo xương.
Bisphosphonate hiện là thuốc được sử dụng nhiều để tăng mật độ xương, có thể sử dụng theo đường uống và truyền tĩnh mạch.
Đối với người cao tuổi, việc tăng mật độ xương khó khăn hơn, do đó việc điều trị sẽ phải kéo dài hàng năm, thậm chí 4-5 năm.
Lưu ý, trong quá trình sử dụng thuốc tăng mật độ xương, người bệnh cần phải cung cấp đầy đủ canxi và vitamin D cho cơ thể - đây là những nguyên liệu cần thiết cho quá trình tạo xương.
Cùng với việc sử dụng thuốc, người bệnh loãng xương nên ăn nhiều các loại thực phẩm giàu canxi như tôm, cua, cá, các loại rau xanh đậm, các loại đậu, sữa và chế phẩm từ sữa…
3. Biện pháp phòng ngừa loãng xương ở người cao tuổi
Để phòng ngừa loãng xương, người cao tuổi cần có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và tập luyện phù hợp. Cụ thể như sau:
3.1 Về chế độ dinh dưỡng
Người cao tuổi cần duy trì chế độ ăn uống đầy đủ, đa dạng chất dinh dưỡng và phù hợp với nhu cầu cơ thể. Nên ưu tiên các loại thực phẩm giàu canxi trong khẩu phần ăn vì ở độ tuổi này, khả năng ăn uống và hấp thu các chất dinh dưỡng đều bị hạn chế.
Sữa là thực phẩm được khuyên dùng cho người cao tuổi, giúp ngăn ngừa loãng xương. Theo đó, người cao tuổi nên tiêu thụ 500 – 1000ml sữa mỗi ngày, bao gồm sữa tươi, sữa chua và sữa bột.
3.2 Về chế độ tập luyện
Cùng với chế độ dinh dưỡng, người cao tuổi cần duy trì thói quen tập luyện đều đặn, vừa sức. Nên ưu tiên các hoạt động ngoài trời như đi bộ nhẹ nhàng, tập luyện thái cực quyền, yoga… Thói quen này không chỉ có tác động tích cực lên hệ xương khớp mà còn tốt cho tim mạch, hô hấp, tiêu hóa…