Cách giữ hương vị nguyên bản khi chế biến món ngon miền Tây

Chuyên gia ẩm thực Trương Minh Triết chia sẻ về những nét đặc trưng và bí quyết chế biến các món ngon cho chuẩn hương vị miền Tây.

Nếu như ẩm thực miền Bắc có hương vị thanh đạm, thiên về sự cân bằng trong màu sắc và hương vị thì ẩm thực miền Trung lại ưa chuộng những món ăn đậm đà và được trình bày một cách tinh tế.

Trong khi đó, miền Nam mang đến những món ăn đơn giản nhưng phong phú, thường có vị ngọt và béo, sử dụng nhiều nước dừa và cốt dừa, tạo nên hương vị đặc trưng.

Ẩm thực miền Tây sở hữu nhiều nét “phóng khoáng” nhất từ các món ăn tới những phong vị đặc trưng.

Ẩm thực miền Tây sở hữu nhiều nét “phóng khoáng” nhất từ các món ăn tới những phong vị đặc trưng.

Ẩm thực miền Tây là một phần nhỏ của ẩm thực vùng Nam Bộ. Trong tổng thể bức tranh ẩm thực miền Nam, có thể nói ẩm thực miền Tây sở hữu nhiều nét “phóng khoáng” nhất từ các món ăn tới những phong vị đặc trưng.

Sở dĩ ẩm thực miền Tây có được nét phong phú như vậy là do nơi đây giao thoa văn hóa từ các dân tộc khác nhau, phổ biến nhất là dân tộc Kinh, Khmer, Hoa và Chăm. Mỗi khu vực, mỗi cộng đồng lại có những khẩu vị khác nhau.

Trong buổi trò chuyện mới đây, chuyên gia ẩm thực Trương Minh Triết của MAMMOM chia sẻ về những món ăn độc đáo của mùa nước nổi như gỏi bông súng trộn tép đồng chiên giòn, bánh cóng Sóc Trăng, cá heo nướng muối ớt, lẩu mắm Nam Bộ... và bí quyết giữ hương vị nguyên bản của ẩm thực vùng miền.

"Thời gian gần đây, ẩm thực Việt Nam đã được thế giới biết đến nhiều hơn, rất nhiều món ăn như phở, bánh mì, bún chả Hà Nội, bánh rán Hà Nội… đã được bình chọn trong những Top món ăn ngon nhất của thế giới. Rồi hai năm nay Michelin đã đến Việt Nam, nhiều nhà hàng đã được gắn sao Michelin, đó là tín hiệu tốt, đáng mừng để ẩm thực Việt Nam vươn tầm ra thế giới.

Tuy nhiên, để có được những điều đó thì một trong những điều căn bản trong ẩm thực Việt là luôn giữ được bản sắc, nguyên gốc hương vị của mỗi món ăn. Bởi chỉ khi giữ được nguyên gốc hương vị thì mới thể hiện trọn vẹn nét văn hóa của người Việt và đây cũng mới là điều được bạn bè quốc tế đánh giá và công nhận", chuyên gia ẩm thực Trương Minh Triết nói.

Khi chế biến món ăn là người miền Tây luôn lựa chọn những nguyên vật liệu gần gũi nhất, đơn giản nhất có thể.

Khi chế biến món ăn là người miền Tây luôn lựa chọn những nguyên vật liệu gần gũi nhất, đơn giản nhất có thể.

Đối với ẩm thực miền Tây, anh Triết cho rằng điều quan trọng nhất là khi chế biến món ăn là người miền Tây luôn lựa chọn những nguyên liệu gần gũi nhất, đơn giản nhất có thể. Một bữa cơm của người miền Tây cũng dung dị như tính cách đặc trưng của họ, có thể chỉ là bát canh rau tập tàng hái ngay trong vườn hay vài con cá linh với bông điên điển vừa nở rộ khi mùa nước lên.

Ngoài vườn có gì, xung quanh đang có gì, họ sẽ dùng ngay những nguyên liệu đó cho bữa cơm nhà nên sự đa dạng và “phóng khoáng” của ẩm thực miền Tây cũng bắt nguồn từ đó.

Ví dụ như món canh rau tập tàng là một món canh với các loại rau mọc trong vườn, nhà nào có rau gì sẽ dùng rau đó, không giới hạn sự sáng tạo trong cách chế biến.

Cùng một món ăn, người miền Tây có những cách biến tấu độc đáo khi so sánh với những vùng miền khác, hệt như lối sống hào sảng của họ.

Cùng một món ăn, người miền Tây có những cách biến tấu độc đáo khi so sánh với những vùng miền khác, hệt như lối sống hào sảng của họ.

Cùng một món ăn, người miền Tây có những cách biến tấu độc đáo khi so sánh với những vùng miền khác, hệt như lối sống hào sảng của họ. Đơn cử như món bánh xèo, người miền Tây đổ bánh to gấp 3-4 lần so với bánh xèo miền Trung.

Nhân bánh xèo có thể là thịt ba chỉ, tôm, đậu xanh, cũng có khi là thịt vịt, củ sắn (củ đậu), giá đỗ và đậu xanh hay thậm chí là bông điên điển - một thức quà đặc trưng của vùng sông nước trong mùa nước nổi.

Với món lẩu mắm Nam Bộ, chuyên gia ẩm thực Trương Minh Triết cho biết: “Mắm dùng cho món lẩu này để càng lâu ăn lại càng ngon càng đậm đà, ít nhất phải được ủ trên một năm. Người miền Tây khi thưởng thức lẩu mắm sẽ ăn kèm với rất nhiều loại rau bởi đây là món lẩu thiên về rau hơn là thịt.

Nước lẩu mắm đậm đà nên rau, thịt hay hải sản nhúng chín có thể ăn ngay không cần nước chấm. Tuy nhiên có một số người sẽ ăn kèm nước mắm hoặc mắm me chua ngọt, tùy theo khẩu vị mỗi người".

Bên cạnh đó, anh Triết cũng chia sẻ về việc biến tấu các món ăn vùng miền để phù hợp với hương vị của từng người bởi mỗi vùng miền đều có những nguyên liệu và khẩu vị đặc trưng khác biệt.

Lê Chi

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cach-giu-huong-vi-nguyen-ban-khi-che-bien-mon-ngon-mien-tay-ar884335.html