Cách giúp trẻ tránh sốc nhiệt khi tập luyện trong mùa hè

Mùa hè là thời gian cho trẻ vui chơi, vận động, tập luyện thể thao. Tuy nhiên, cần lưu ý gì để giữ an toàn, tránh sốc nhiệt cho trẻ khi chơi thể thao?

1. Trẻ dễ bị sốc nhiệt khi chơi thể thao trong thời tiết nắng nóng

BS. Nguyễn Trọng Thủy (Nguyên BS. Đội tuyển bóng đá nam Quốc và U23 Việt Nam) cho hay, trẻ dễ bị sốc nhiệt khi chơi thể thao quá lâu trong thời tiết nắng nóng. Nguyên nhân là do trẻ em chưa phát triển đầy đủ chức năng tiết mồ hôi nên điều chỉnh nhiệt độ cơ thể bằng cách tăng lưu lượng máu đến da và giải phóng nhiệt từ bề mặt cơ thể ra môi trường xung quanh. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng của mùa hè, thân nhiệt của trẻ lại tăng lên nhiều hơn người lớn, điều này khiến trẻ dễ bị sốc nhiệt.

Sốc nhiệt là tình trạng thân nhiệt tăng quá mức (khoảng 40 - 41 độ C) và diễn ra đột ngột. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động ở ngoài trời nắng nóng trong thời gian dài, cơ thể không có khả năng tản mát nhiệt nội sinh. Sốc nhiệt có thể gây nhiều biến chứng, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Cần giữ an toàn, tránh sốc nhiệt cho trẻ khi chơi thể thao ngoài trời nắng nóng.

Cần giữ an toàn, tránh sốc nhiệt cho trẻ khi chơi thể thao ngoài trời nắng nóng.

2. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị sốc nhiệt

Khi bị sốc nhiệt, trẻ có thể gặp các triệu chứng bao gồm:

- Chuột rút: Vận động, chơi thể thao ngoài trời nắng nóng khiến cơ thể trẻ mất khoáng chất và nước do ra mồ hôi quá nhiều. Điều này có thể gây ra chuột rút nghiêm trọng ở chân tay và bụng.

- Ngất xỉu: Việc tập luyện, chơi thể thao gắng sức dưới ánh nắng gắt có thể khiến cơ thể mệt mỏi và dễ ngất xỉu.

- Kiệt sức: Làn da nhợt nhạt, đau đầu, buồn nôn, ớn lạnh, suy nhược, đứng không vững, chóng mặt, mạch nhanh, khát nước quá mức và chuột rút cơ bắp.

- Đột quỵ: Các dấu hiệu bao gồm nói lắp hoặc không mạch lạc, mất phương hướng, mạch nhanh/không đều, co giật, bất tỉnh, thậm chí hôn mê. Khi đột quỵ do nhiệt bắt đầu, cơ chế kiểm soát nhiệt của cơ thể bắt đầu suy yếu và có thể dẫn đến suy nội tạng.

3. Xử trí sốc nhiệt ở trẻ như thế nào?

- Làm mát cơ thể: Đưa trẻ vào nơi mát mẻ, thông thoáng, cởi bỏ quần áo thấm mồ hôi và chườm mát cho trẻ.

- Uống nước: Cho trẻ uống nước, duy trì mỗi 15 phút/lần cho đến khi trẻ thấy đỡ hơn.

Trong trường hợp trẻ có dấu hiệu nghiêm trọng hơn cần báo ngay cho dịch vụ cấp cứu 115 hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

4. Phòng tránh sốc nhiệt ở trẻ khi chơi thể thao ngoài trời

Để tránh trẻ bị sốc nhiệt khi chơi thể thao ngoài trời, nên lưu ý:

- Uống đủ nước: Dặn trẻ uống đủ nước, uống khi khát và bù nước giữa các buổi tập thể thao.

- Chế độ ăn uống cân bằng: Cơ thể trẻ mất khoáng chất khi tập luyện gắng sức dưới trời nóng bức. Do đó, cho trẻ ăn một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh để có thể đối phó tốt hơn với thời tiết nắng nóng.

- Tránh tập luyện vào những giờ nóng nhất: Nên luyện tập vào buổi sáng hoặc chiều muộn/tối. Thời điểm từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều thường là những giờ nắng nóng nhất. Nên nghỉ giải lao 10 phút giữa giờ tập. Vào những ngày nóng nhất nên hủy các hoạt động ngoài trời.

Nếu buộc phải tập luyện ngoài trời nắng nóng, trước đó vài ngày cần để trẻ làm quen dần với mức nhiệt cao.

- Tránh tập liên tục quá 1 tiếng dưới ánh nắng. Nên ngừng tập ngay nếu trẻ khó chịu và đưa trẻ vào chỗ có bóng mát để nghỉ ngơi.

- Tránh mặc quần áo tối màu: Quần áo tối màu giữ nhiệt nên càng làm tăng thân nhiệt khi tập luyện ngoài trời. Do đó, nên cho trẻ mặc quần áo màu trắng hoặc sáng màu, thoáng mát, thấm hút mồ hôi.

- Nghỉ ngơi hợp lý: Nên nghỉ giải lao sau mỗi 15 phút luyện tập. Điều này giúp cơ thể trẻ có thời gian tản nhiệt và hấp thụ nước.

Lưu ý, một số loại thuốc điều trị bệnh có thể khiến trẻ trở nên nhạy cảm hơn với nhiệt độ. Do đó, các bậc cha mẹ nên trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc trẻ đang dùng để tránh mối nguy do nhiệt có thể gây ra cho trẻ.

Ngoài ra, cần theo dõi chặt chẽ những trẻ thừa cân, vóc dáng không cân đối, ít đổ mồ hôi… khi luyện tập trong thời tiết nắng nóng.

Tập luyện khi nắng nóng thế nào để tránh sốc nhiệt?

Nguyễn Châu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-giup-tre-tranh-soc-nhiet-khi-tap-luyen-trong-mua-he-169240603003906654.htm