Cách kẻ lừa đảo nổi tiếng ăn mặc

Sức hút từ bộ trang phục khiến những kẻ như Anna Sorokin hay Elizabeth Holmes chiếm được thiện cảm từ mọi người.

Gần đây, các bộ phim liên quan đến tội phạm lừa đảo đang nhận được nhiều chú ý. Sức hút từ những mưu mẹo họ sử dụng để moi tiền từ túi người khác khiến khán giả tò mò.

Điểm chung của những kẻ lừa đảo này là họ sở hữu phong cách đáng ngưỡng mộ. Theo Yahoo News, thời trang và phong cách chính là một phần không thể thiếu trong các thương vụ lừa đảo.

Vẻ ngoài của kẻ lừa đảo

Anna Sorokin - hay còn gọi Anna Delvey - đã khiến nửa thành phố New York (Mỹ) tin cô ta là nữ thừa kế của gia đình tỷ phú người Đức khi xuất hiện với váy Alaïa và kính râm Celine. Đây cũng là hình mẫu nhân vật chính trong series đình đám lúc này - Inventing Anna.

Hay sắp tới, khán giả sẽ được chứng kiến cuộc đời của Elizabeth Holmes trên nền tảng phim trực tuyến. Nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất nước Mỹ đã đánh mất tất cả và phải đối mặt với 12 tội danh lừa đảo.

 Những kẻ lừa đảo như Sorokin biết cách tạo lòng tin từ trang phục. Ảnh: SCMP.

Những kẻ lừa đảo như Sorokin biết cách tạo lòng tin từ trang phục. Ảnh: SCMP.

Cả Sorokin hay Holmes đều biết cách thu hút người khác qua cách ăn mặc. Trong khi Sorokin khoác lên mình những món đồ đắt đỏ, Holmes biết cách thu hút nhà đầu tư, chính trị gia bằng cách mô phỏng phong cách của Steve Jobs.

Qua đó, Holmes khiến họ tin cô sẽ đem đến cuộc cách mạng cho ngành chăm sóc sức khỏe. Bản thân Holmes cũng được ví là "Steve Jobs" phiên bản nữ, trở thành thần tượng của những người khởi nghiệp.

"Phụ nữ được nhìn nhận bởi vẻ bề ngoài. Món đồ bạn mặc có thể thể hiện con người và những chi tiết quan trọng khác", Jessica Pressler, nhà báo của tạp chí New York nói.

Pressler cũng chính là người đã viết bài báo theo chân các vũ nữ thoát y - The Hustlers at Scores - hồi năm 2015. Sau này, bài báo đã trở thành cảm hứng cho kịch bản bộ phim Hustlers (2019). Còn Pressler được xem là người đã truyền cảm hứng cho loạt phim Inventing Anna.

Là người đã tiếp xúc với những hình mẫu nhân vật lừa đảo, Pressler hiểu rõ cách họ chiếm được lòng tin từ người khác.

"Những bộ quần áo là cách họ hành động", cô nói.

 Holmes bắt chước phong cách của Steve Jobs. Ảnh: NY Daily.

Holmes bắt chước phong cách của Steve Jobs. Ảnh: NY Daily.

Chìa khóa của vụ lừa đảo thành công nằm ở mức độ kẻ lừa đảo có thể khiến người khác coi trọng chúng. Điều đó thường dẫn đến sự tương đồng giữa các cách ăn mặc của những kẻ lừa đảo nổi tiếng.

Ví dụ, Pressler nói rằng cả Sorokin và các cô gái trong Hustlers thường mặc đồ đen để tăng độ tin cậy của họ. Cô chỉ ra Anna có xu hướng mặc những mẫu babydoll màu đen của Alaïa. Các vũ nữ thoát y trong Hustlers cũng tương tự.

Và Elizabeth Holmes cũng tận dụng đồ đen để rũ bỏ hình ảnh người bỏ học Đại học Stanford, trở thành doanh nhân uy tín của Thung lũng Silicon.

Sức mạnh của trang phục

Chia sẻ với Yahoo News, Claire Parkinson, nhà thiết kế trang phục cho bộ phim sắp ra mắt The Dropout (dựa trên câu chuyện của Holmes), nói Holmes có ý thức về việc mình không được coi trọng.

Do đó, cô ta bắt chước kiểu mặc áo cổ lọ đơn giản của Steve Jobs. Nó làm Holmes như quá tập trung vào công việc mà không còn thời gian mua sắm. Mọi thời gian của Holmes chỉ dành cho Theranos và sự thành công của công ty.

Dù chưa ra mắt phim, nhà thiết kế trang phục của phim cho biết sẽ có sự thay đổi trong cách ăn mặc của Holmes. Từ những bộ trang phục Y2K thời còn đi học, Holmes sẽ có bước chuyển mình về phong cách sau khi gặp người đàn ông đã tạo nên chiếc iPhone đầu tiên cho Apple.

Trong khi đó, Anna Sorokin lại được xây dựng ngược lại. Khán giả sẽ được chiêm ngưỡng hình ảnh hào nhoáng của kẻ lừa đảo này trước khi cô phải hầu tòa. Có nhiều người nói bộ phim về Sorokin đem đến show thời trang còn hấp dẫn hơn Emily In Paris.

 Những kẻ như Holmes sử dụng trang phục để hòa mình vào môi trường mong muốn. Ảnh: Insider.

Những kẻ như Holmes sử dụng trang phục để hòa mình vào môi trường mong muốn. Ảnh: Insider.

Dù hướng xây dựng có phần ngược nhau, cả Sorokin lẫn Holmes đều sở hữu điểm chung. Họ biết cách sử dụng trang phục để hòa mình vào môi trường mong muốn. Với Sorokin là giới thượng lưu còn Holmes lại là những doanh nhân thành đạt.

Parkinson bình luận: "Holmes là kẻ bắt chước và bị ám ảnh việc phải giống những nữ doanh nhân quyền lực khác cùng thời như Sophia Amoruso, Emily Weiss và Audrey Gelman. Holmes leo lên được danh sách của Forbes phần lớn nhờ hình tượng cô ta xây dựng. Đó là một nhân vật với tủ đồ gồm 100 chiếc áo cổ lọ".

Với Pressler, sau khi tiếp xúc, tìm hiểu về những kẻ lừa đảo như Sorokin, Holmes, cô cho biết đa số chúng ta cũng như họ. Mọi người cố tạo ra cá tính của mình thông qua cách ăn mặc.

"Họ chỉ mặc quần áo cho công việc họ muốn", cô kết luận.

Dĩ An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-ke-lua-dao-noi-tieng-an-mac-post1297325.html