Cách làm một số món ăn chống ngấy ngày Tết
Mâm cơm của mỗi gia đình Việt vào dịp tết đến đều phong phú bánh chưng, giò thịt..., chính vì vậy nhiều người sẽ cảm thấy 'ngấy' trong mấy ngày tết. Hãy làm thêm một số món ăn sau để ăn ngon miệng hơn và tốt hơn cho sức khỏe:
1. Salad/ các món nộm
Trong các bữa ăn ngày tết bạn có thể trổ tài làm các món salad hoặc nộm để chống ngán. Salad thì bạn có thể làm salad Nga với các loại củ luộc, hoặc salad rau diếp dưa chuột, salad cải tím… Các món salad chỉ cần một chai nước sốt theo sở thích và trộn với các loại rau yêu thích. Nộm cũng là món được yêu thích và làm rất đơn giản. Bạn có thể làm nộm hoa chuối, nộm sứa ăn chống ngán những ngày tết.
2. Chân gà ngâm sả tắc
Trong các năm gần đây, món chân gà ngâm sả tắc đặc biệt nổi tiếng. Bạn cũng có thể tự làm món này để chống ngán cho các bữa ăn ngày tết. Cách làm không quá cầu kỳ. Chân gà được mua về sẽ làm sạch luộc chín rồi ngâm vào nước lạnh khoảng 10 phút cho giòn.
Nước ngâm được làm gồm đường, mắm, giấm muối trộn đều đun sôi sau đó để nguội bớt đến khi còn âm ấm thì cho sả, tỏi, ớt, gừng thái nhỏ vào. Khi nước nguội hoàn toàn thì cho chân gà và tắc vào trộn đều lên.
Cuối cùng bạn xếp chân gà vào hũ thủy tinh và đổ nước ngâm vào ngập chân gà. Sau khi ngâm khoảng 1 tiếng đồng hồ có thể ăn được. Bảo quản chân gà ngâm sả tắc trong tủ mát 4 đến 5 ngày nên bạn hãy làm một hũ lớn để ăn dần trong mấy ngày tết.
3. Bắp cải muối chua
Dưa bắp cải muối giòn giòn, chua chua, mặn mặn ăn kèm với giò nạc, giò mỡ, cá kho, thịt luộc, thịt nướng… là một món ăn chống ngấy, dễ làm, nguyên liệu dễ kiếm.
Bắp cải cắt sợi nhỏ, rửa sạch; Cà rốt bào vỏ, sau đó cũng cắt thành sợi; 2 củ tỏi cắt thành từng lát, để muối dưa cải được thơm hơn; 1 củ gừng cắt thành sợi; Rau răm rửa sạch rồi thái nhỏ. Trộn đều bắp cải, cà rốt, gừng, tỏi với nhau sau đó cho rau răm vào. Nước trộn dùng 1 lít nước lọc, sau đó cho vào thêm 6 muỗng muối, 10 muỗng đường rồi khuấy cho thật đều tay.
Lấy một cái hũ lớn, cho phần nguyên liệu đã trộn với nhau vào trong, tiếp đến cho phần nước muối dưa vào, đậy nắp kín lại và ngâm trong vòng 1-2 ngày là có thể thưởng thức.
4. Rau củ luộc chấm muối vừng/kho quẹt
Rau của luộc thanh mát chấm muối vừng đậm nét Bắc và chấm kho quẹt đậm chất Nam Bộ. Các loại rau củ luộc như su hào, củ cải, su su. Tất cả làm sạch bỏ, cho vào nồi nước đun sôi luộc lên đến khi chín rồi vớt ra. Có đĩa rau củ luộc trong mâm cơm đảm bảo thu hút hơn nhiều so với các món giò, chả.
5. Cá chép om dưa
Cá chép ôm dưa là món ăn vô cùng dân dã, giàu dưỡng chất lại không hề bị ngán. Vì thế, bên cạnh giò chả thì bạn cũng nên nấu thêm món cá chép om dưa. Cách làm rất đơn giản. Bạn chỉ cần chuẩn bị một con cá chép, dưa cải chua, hành lá, cà chua, rau thì là cùng các gia vị sẵn có trong bếp.
Cá chép khi đã được làm sạch hãy ướp gia vị trong khoảng 10 phút. Tiếp đến bắc chảo và phi hành tỏi thật thơm. Cho cà chua vào và tra một chút muối để cho cà chua mềm. Bước tiếp theo là cho dưa chùa vào xào rồi đổ xíu nước vào. (Bạn hãy tận dụng nước luộc gà để ngọt nước).
Khi nước sôi đều cho cá chép đã ướp gia vị vào. Nước sôi lên khoảng 1 phút thì nêm nếm gia vi cho thật vừa. Khi cho cá vào được một lúc thì trở mặt cá cho chín đều. Khi cá đã chín thì cho hành lá và thì là cắt nhỏ vào nồi và tắt bếp.
Cá chép om dưa thơm phức, thịt cá mềm, nước chua chua ăn không thấy ngán. Nước sốt có thể dùng để chấm rau sống.
6. Gân bò trộn xoài chua
Nguyên liệu cần chuẩn bị là gân bò, xoài chua và các gia vị là muối, giấm, đường trắng, tỏi, ớt, gừng, ớt bột, sả….
Cách làm như sau: Gân bò rửa sạch với nước muối rồi đem luộc trong khoảng 30 phút. Sau đó cho vào nước lạnh cho giòn. Xoài chua thái sợi, ngâm nước muối. Trộn xoài chua với gân bò cùng một chút nước mắm, đường. Nêm nếm cho thật vừa miệng và bày ra đĩa. Bữa ăn với món này đảm bảo xua tan vị béo ngấy của giò, thịt và bánh chưng ngày tết.