Cách lấy đà trong ngày đầu tiên đi làm sau Tết

Kỳ nghỉ lễ càng dài, càng vui nhộn, chúng ta càng dễ rơi vào cảm giác buồn chán sau đó, khó để bắt nhịp lại với guồng quay công việc.

Laith Masarweh - người sáng lập, đồng thời là giám đốc điều hành công ty cung cấp nhân sự trợ lý ảo Assistantly - nói với CNBC rằng tuần đầu tiên của năm mới giống như giai đoạn khởi động. Bởi vậy, chúng ta thường khó khăn khi bắt nhịp lại với guồng quay công việc.

Cảm xúc uể oải, chán nản khi đi làm sau kỳ nghỉ lễ dài ngày là điều dễ thấy, thường là dấu hiệu của tình trạng "post-holiday anxiety". Kỳ nghỉ càng kéo dài, khả năng bạn mắc tình trạng này càng cao.

Nỗi buồn sau kỳ nghỉ

Sau tất cả ồn ào, huyên náo, những bữa tiệc và cuộc chơi đầy hứng khởi, mọi người dễ thất vọng khi phải kết thúc nó để quay lại nhịp sống thường ngày. Vấn đề này thường không kéo dài, chúng ta đều "trở lại bình thường" sau thời gian ngắn, theo verywellmind.

Tuy nhiên, cũng có những người gặp trở ngại để quay về lối sống thường ngày. "Nỗi buồn sau kỳ nghỉ" thường xảy ra sau dịp lễ lớn như Tết Nguyên đán, hoặc ở phương Tây là dịp Giáng sinh. Điều này đã được các nhà khoa học nghiên cứu.

 Mọi người thường uể oải, chán nản khi quay lại văn phòng sau kỳ nghỉ dài ngày. Ảnh: cottonbro/pexels.

Mọi người thường uể oải, chán nản khi quay lại văn phòng sau kỳ nghỉ dài ngày. Ảnh: cottonbro/pexels.

Trong một nghiên cứu có tên "Hiệu ứng Giáng sinh đối với sức khỏe tâm lý" (được thực hiện từ năm 1980 đến nay), các nhà khoa học chỉ ra giai đoạn trước, trong và sau Giáng sinh, số ca nhập viện điều trị tâm thần, cấp cứu tự tử tăng lên.

Một đánh giá có hệ thống năm 2022 gồm 25 nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ nhập viện tâm thần vào dịp Giáng sinh và các ngày lễ khác cao hơn so với các thời điểm khác trong năm.

Debra Kissen, Giám đốc tại trung tâm điều trị hành vi nhận thức Light on Anxiety (Mỹ), nói rằng chúng ta dễ cảm thấy lo lắng khi cố gắng bắt nhịp trở lại sau một kỳ nghỉ dài ngày.

"Kết thúc kỳ nghỉ lễ cũng giống như ngày chủ nhật cuối tuần đã hết, bạn biết mình phải trở lại với trách nhiệm, nhiệm vụ, cộng với tâm lý tiếc nuối những giờ phút được nghỉ ngơi thoải mái nên tâm thế dễ mệt mỏi", ông đánh giá.

Giải pháp

Trang verywellmind đã đưa ra những giải pháp đến chúng ta có thể giảm bớt nỗi buồn sau kỳ nghỉ, nhanh chóng bắt nhịp lại với công việc, cuộc sống.

 Nên dành thời gian cho bản thân, từ từ quay lại guồng quay công việc. Ảnh: Pexels.

Nên dành thời gian cho bản thân, từ từ quay lại guồng quay công việc. Ảnh: Pexels.

Trước hết, cần cho bản thân thời gian. Có nghĩa bạn nên dành nhiều thời gian hơn cho mọi việc, đừng ép mình phải vội vàng hoặc lấy lại tốc độ ngay lập tức. Laith Masarweh cũng cho rằng: "Bạn chỉ cần cố gắng hết mức để bản thân trở nên tích cực và hào hứng cho năm mới phía trước".

Để tránh cảm giác lạc lõng, hãy kết nối với người khác. Nên thay đổi tâm trạng bằng cách hạn chế dùng mạng xã hội. Thay vào đó, bạn nên gọi điện hoặc nói chuyện trực tiếp với mọi người. Bạn có thể bày tỏ rằng mình đang thấy buồn chán. Hãy kể cho gia đình và bạn bè thân thiết những gì bạn đang trải qua.

Đừng quên chăm sóc chính mình, tử tế với bản thân. Nên hạn chế cảm giác lười biếng và cố gắng thực hiện quy trình chăm sóc sức khỏe, ăn uống đầy đủ. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn thấy chán, nên tập thể thao, ngủ đủ giấc.

Sự buồn chán đôi khi xuất phát từ cảm giác hụt hẫng vì kỷ nghỉ đặc biệt đã kết thúc. Vì vậy, bạn có thể lên lịch cho một điều gì đó thú vị trong thời gian tiếp theo để mong chờ nó, ví dụ kỳ nghỉ với bạn bè.

Trong thời gian sau kỳ nghỉ lễ, bạn có thể cảm thấy kiệt sức vì những căng thẳng khi sắp xếp lịch trình, nhiệm vụ công việc. Bạn có thể giải tỏa căng thẳng đó bằng một số cách như xem phim, đọc sách, thực hành thiền định.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/cach-lay-da-trong-ngay-dau-tien-di-lam-sau-tet-post1460158.html