Cách ly không định kiến

Đến giờ cũng chưa rõ lắm vì sao cả thế giới lại chọn mốc thời gian 14 ngày để cách ly dịch COVID-19. Mà không nhiều hơn hay ít hơn. Nhưng thật kỳ lạ, là từ hơn 700 năm trước, đã có những người tự cách ly 14 ngày để sống sót khỏi 'Cái chết đen' – đại dịch lớn nhất lịch sử từng giết chết khoảng 50 triệu người, tức một nửa dân số châu Âu lúc đó.

Câu chuyện được văn hào người Ý Giovanni Boccaccio (1313-1375) người sống sót qua đại dịch kể lại trong tiểu thuyết “Mười ngày”. Tại thành phố Firenze (tức Florence) miền Trung nước Ý. Thảm kịch được Boccaccio mô tả “Trước tai họa có lẽ người ta không thể ngờ rằng thành phố ta lại đông người đến thế. Bao nhiêu lâu đài lớn, bao nhà đẹp, bao nhà ở, trước kia đầy những kẻ hầu người hạ, lãnh chúa và phu nhân, rút cục đều sạch trơn đến tận người gia nhân thấp hèn nhất!”. Có 10 người là các chàng trai, cô gái đã kéo nhau chạy về vùng nông thôn xa xôi để tự cách ly mình khỏi dịch bệnh. Và trong 14 ngày cách ly ấy, để giết thời gian họ (có 10 ngày) kể nhau nghe về những câu chuyện người đời, thế thái…

Nhưng tôi sẽ không kể lại về “Mười ngày” ấy. Mà muốn nói về 14 ngày chúng ta đang “cách ly toàn xã hội”. Với ngàn lẻ một chuyện để kể.

Có thể kể, rằng vì sao ngành đường sắt hôm 8/4 lại ra văn bản đáp ứng riêng yêu cầu của tỉnh Quảng Nam, đó là hạn chế, và tiến tới dừng bán vé tàu đi từ ga Hà Nội và Sài Gòn về Quảng Nam! Nếu nói để ngăn chặn nguồn bệnh cho tỉnh này, thì các tỉnh thành khác không cần có “đặc ân” ấy sao?

Có thể kể, vì sao mấy tỉnh thành Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bắc Ninh, Quảng Ninh lại thu phí cách ly y tế tập trung 14 ngày với những người từ các địa phương khác, đặc biệt là về từ Hà Nội và TPHCM? Buộc cách ly tập trung cho dù chưa thể xác định họ đã có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nhiễm COVID-19 chưa. Và nữa, cũng cách ly tập trung nhưng người về từ nước ngoài được miễn phí hoàn toàn!

Cuối cùng các địa phương trên đã lần lượt gỡ bỏ quy định bắt dân nộp tiền cách ly, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Riêng việc đường sắt “cấm” bán vé và dừng đỗ tại nhà ga của một tỉnh, chưa biết sẽ ra sao?

Từ gần 2500 năm trước, triết gia Plato với câu chuyện “dụ ngôn cái hang”, đã chỉ ra vô số những định kiến lầm lẫn của con người, trong những cảnh huống trái ngược nhau giữa đời sống. Những định kiến nếu được duy trì lâu ngày sẽ khiến chúng ta tưởng là “chân lý”. Để bao biện và bảo vệ nó bằng những thứ “lý do hợp lý” nào đó, dần trở thành thói quen trong suy nghĩ và hành động.

Nhưng Tạo hóa cũng lại trao cho con người một thứ quyền năng mang tính hiển nhiên, đó là luôn tìm mọi cách tự duy trì và bảo vệ mạng sống của chính mình. Nói như Boccaccio trong “Mười ngày”: “Song, một khi pháp luật vì lo bảo đảm hạnh phúc chung, đã trao cho chúng ta cái quyền năng ấy thì đối với ta cũng như đối với đồng bào ta, vì phải lo cứu vớt lấy mình, ta chọn mọi biện pháp không làm thiệt hại gì cho ai, điều đó chẳng phải là bình thường hơn sao?”.

Đó cũng chính là ý thức tự giác của tuyệt đại đa số người dân Việt Nam lúc này, giữa những ngày “cách ly toàn xã hội”. Vượt lên trên những quy định hành chính mang tính định kiến nhất thời.

Trí Quân

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/cach-ly-khong-dinh-kien-1639116.tpo