'Cách mạng' quản lý đầu tư công, tạo sự chủ động hơn cho các địa phương

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng xung quanh tác động của đầu tư công đối với nền kinh tế trong bối cảnh đầy thách thức của giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Với tinh thần đổi mới, mang tính “cách mạng” về quản lý đầu tư công; trong đó, quy định đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và bối cảnh phát triển mới, tạo sự chủ động, linh hoạt hơn cho các cấp, ngành, địa phương trong điều hành, quản lý đầu tư công, Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và dự án 1 Luật sửa 4 luật (Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu) có hiệu lực từ năm 2025 đã quy định cụ thể, làm rõ các nội dung về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, từ đó khắc phục những khó khăn, vướng mắc, lúng túng trong thực hiện của các quy định trước đây.

Để hiểu rõ hơn tác động của đầu tư công đối với nền kinh tế trong bối cảnh đầy thách thức của giai đoạn 2021 - 2025, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng xung quanh nội dung này.

Trong bối cảnh đầy thách thức của giai đoạn 2021 - 2025, giải ngân vốn đầu tư công đã mang lại tác động như thế nào đối với nền kinh tế, thưa Bộ trưởng?

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, tác động sâu, rộng, nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, đặc biệt là tác động của dịch bệnh COVID-19. Trong nước, thế và lực của đất nước sau 35 năm Đổi mới đã lớn mạnh hơn nhiều cả về quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn những hạn chế, bất cập nội tại, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở cao, khả năng thích ứng và sức chống chịu đối với các cú sốc bên ngoài còn hạn chế.

Trong bối cảnh nhiều thách thức đó, đầu tư công đã phát huy tốt vai trò là một động lực tăng trưởng kinh tế, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cụ thể: nguồn lực đầu tư công đã được bố trí một cách có trọng tâm, trọng điểm để triển khai những nhiệm vụ lớn, tạo ra những đột phá trong hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã dành 30% tổng vốn ngân sách trung ương để triển khai các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, quan trọng, đường cao tốc, dự án có tính chất lan tỏa, kết nối, liên kết vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Đến nay, đã đạt được một số kết quả cụ thể như: đã hoàn thành trên 2.000 km đường cao tốc, phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ đạt khoảng 3.000 km để đạt mục tiêu chiến lược đề ra; cơ bản hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên; hoàn thành luồng vào cảng Cái Mép - Thị Vải; hoàn thành một số cảng hàng không quan trọng, triển khai dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành…

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã góp phần thúc đẩy cơ cấu lại đầu tư và cơ cấu lại các ngành, vùng lãnh thổ; cơ bản bảo đảm tương quan hợp lý giữa phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội, giữa các ngành, lĩnh vực, các địa phương, vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn khác, đồng thời vẫn đảm bảo bố trí vốn cho các vùng kinh tế động lực, cực tăng trưởng. Những dự án hoàn thành đã tạo sự chuyển biến rõ nét về hạ tầng giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, quốc phòng, an ninh, công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giai đoạn này.

Cùng với đó, quá trình điều hành Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 đã có sự chuyển biến về nhận thức và phương pháp quản lý điều hành. Qua đó, đã khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, (số lượng dự án đầu tư công đã giảm từ trên 11.000 dự án trong giai đoạn 2016 - 2020 xuống còn khoảng 4.700 dự án trong giai đoạn 2021 - 2025), xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo thế chủ động cho các địa phương cùng với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát “đầu ra”.

Năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Chính phủ đã đề ra kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 là 790.727 tỷ đồng, tăng đáng kể so với kế hoạch 670.000 tỷ đồng của năm 2024. Thưa Bộ trưởng, cơ sở nào để chúng ta có thể hoàn thành giải ngân lượng vốn thế này?

Trong năm 2024 vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo và giải pháp quyết liệt để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, đến nay đã cơ bản tháo gỡ được các nút thắt, đặc biệt là về thể chế thông qua việc trình Quốc hội ban hành nhiều văn bản pháp luật về lĩnh vực đầu tư công, ngân sách nhà nước, quản lý sử dụng đất, đấu thầu, quản lý về hợp tác công - tư... Đạt được kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo chính xác của Trung ương Đảng, các giải pháp quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đồng hành của các cơ quan của Quốc hội.

Trong năm 2025, để đầu tư công tiếp tục phát huy tốt vai trò là động lực tạo đột phá trong tăng trưởng kinh tế, cần tập trung vào một số định hướng và giải pháp: cần triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công: năm 2025, Quốc hội đã quyết nghị kế hoạch đầu tư công với số vốn 790.727 tỷ đồng, cao hơn so với năm 2024 khoảng hơn 100.000 tỷ đồng. Vì vậy, cần triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, sớm đưa nguồn vốn vào nền kinh tế, thông qua một số giải pháp, cụ thể: phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân của từng nhiệm vụ, dự án theo kế hoạch đã đặt ra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án; đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phối hợp, giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện và khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong toàn thể hệ thống chính trị; phát huy hiệu quả của các Tổ công tác của Chính phủ, tiếp tục thực hiện cơ chế Thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương định kỳ để kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tiếp tục rà soát, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, tạo sự chủ động cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Năm 2025 là năm bản lề chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, do đó, cần tập trung nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án, nhất là các dự án quan trọng, mang tính chiến lược, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái của đất nước, như: dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, các dự án đường sắt kết nối quốc tế, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các cảng biển trung chuyển quốc tế (Nam Đồ Sơn - Hải Phòng, Liên Chiểu - Đà Nẵng, Cần Giờ - TP Hồ Chí Minh, Trần Đề - Sóc Trăng)... vì vậy, trên cơ sở nhiệm vụ được giao, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần chủ động, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án, lường trước đầy đủ các vấn đề có thể phát sinh để làm tốt công tác chuẩn bị, tạo tiền để để khi triển khai thực hiện dự án được nhanh chóng, không phải điều chỉnh, bổ sung, đảm bảo hiệu quả đầu tư và sớm hoàn thành các công trình hạ tầng trọng điểm.

Năm 2025 là năm “về đích” của các dự án hạ tầng trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025 như dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành... vì vậy, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần chỉ đạo chủ đầu tư có phương án bảo đảm vật liệu xây dựng (đất, đá, cát…) đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của các dự án, đặc biệt là các dự án giao thông quan trọng quốc gia, có tính liên vùng.

Cùng với đó, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực theo phân công hướng dẫn các bộ, địa phương về quy trình cấp phép mỏ, khai thác nguyên vật liệu đá, cát, đất, sỏi, cát biển cho dự án đầu tư công bảo đảm nhanh, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Thường xuyên theo dõi bám sát diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là vật liệu chủ yếu phục vụ dự án đầu tư công, đề xuất các giải pháp để bảo đảm cung cầu hàng hóa, giá cả vật liệu xây dựng.

Đồng thời, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, góp phần phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin, giữ vững tâm lý doanh nghiệp, nhà đầu tư, huy động hiệu quả nguồn lực xã hội cho đầu tư kết cấu hạ tầng xã hội.

Đặc biệt, trong bối cảnh phương thức sản xuất của nền kinh tế đang thay đổi, xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dự án nói riêng, quản lý nhà nước nói chung là xu hướng tất yếu, do đó, cần nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý thực hiện các dự án đầu tư công. Sử dụng hệ thống dữ liệu tập trung để đảm bảo tính minh bạch, đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian, tăng hiệu quả trong quản lý nguồn vốn đầu tư.

Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN

Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN

Bộ trưởng kỳ vọng gì về tiến độ giải ngân đầu tư công sau khi các Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và dự án 1 Luật sửa 4 luật (Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu) có hiệu lực từ năm 2025?

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật nói chung và đầu tư công nói riêng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2025. Theo đó, Luật Đầu tư công số 58/2024/QH15 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Với tinh thần đổi mới, mang tính “cách mạng” về quản lý đầu tư công, trong đó: quy định đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và bối cảnh phát triển mới, tạo sự chủ động, linh hoạt hơn cho các cấp, ngành, địa phương trong điều hành, quản lý đầu tư công.

Đồng thời, quy định cụ thể, làm rõ các nội dung về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, từ đó khắc phục những khó khăn, vướng mắc, lúng túng trong thực hiện của các quy định trước đây.

Cùng với đó, thể chế hóa một số quan điểm, mục tiêu, định hướng của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ để góp phần phát huy hiệu quả của hoạt động đầu tư như: tăng cường công tác chuẩn bị đầu tư, phân cấp phân quyền việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài; quy định cụ thể, tăng tính hấp dẫn của đầu tư theo phương thức đối tác công – tư; tăng cường tính minh bạch, rút ngắn thời gian, quy trình trong tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Với các Dự án Luật vừa được Quốc hội thông qua nêu trên sẽ góp phần tích cực trong nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, giúp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công năm 2025 và các năm tiếp theo.

Trân trọng cám ơn Bộ trưởng!

Thúy Hiền/TTXVN (Thực hiện)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/cach-mangquan-ly-dau-tu-cong-tao-su-chu-dong-hon-cho-cac-dia-phuong-20250203100633636.htm