Cách mạng Tháng Tám: Biểu tượng sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc Việt Nam

Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 là biểu tượng sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, biểu tượng sáng ngời về sức mạnh, tinh thần, ý chí, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Cuộc cách mạng mùa Thu 76 năm trước là minh chứng cho câu chuyện phát huy sức mạnh nội lực để làm nên những chiến tích kì diệu.

Sức mạnh nội lực hay tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”

Những ngày tháng 8 cách đây 76 năm là những ngày không khí tổng khởi nghĩa đang sôi sục khắp các địa phương trong cả nước. Việc ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước trước khi quân Đồng Minh vào Đông Dương, Ủy ban khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1, kêu gọi đồng bào cả nước đứng dậy tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền càng khiến bầu không khí ấy trở nên sục sôi, khí thế hơn bao giờ hết.

Tại Sài Gòn, ngày 25/8, hơn một triệu quần chúng nội thành và ven đô cùng một số tỉnh lân cận tiến hành mít tinh, tuần hành vũ trang khổng lồ, lật đổ chính quyền phát xít Nhật. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Bước ngoặt lớn nữa của cách mạng Tháng Tám là việc ngày 16/8/1945, Ðại hội Quốc dân họp tại Tân Trào, Tuyên Quang - Thủ đô kháng chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh- Chủ tịch Ủy ban dân tộc giải phóng đã gửi thư kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, các đoàn thể cứu quốc nổi dậy giành chính quyền, gia nhập Việt Minh, làm cho Việt Minh lớn mạnh và chính sách của Việt Minh được thực hiện khắp cả nước, trong đó có đoạn viết: “... Hỡi đồng bào yêu quí! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên ! Tiến lên ! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên !...”.

Ngay thời khắc quan trọng ấy của cách mạng Việt Nam, tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh. Tầm nhìn xa của một lãnh tụ cách mạng kiệt xuất đã giúp Hồ Chủ tịch nhận diện rõ sức mạnh của nội lực, của tinh thần đoàn kết, hợp lực trong cách mạng từ rất sớm. Cũng chính bởi điều đó, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941), Đảng ta đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh như một sự chuẩn bị mang tính tiền đề cho cuộc cách mạng tổng khởi nghĩa sau này. Mặt trận Việt Minh với “tiêu chí” rất rõ: nhằm “liên hiệp hết thảy các giới, đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn"; “sẵn sàng giơ tay đón tiếp những cá nhân hay đoàn thể, không cứ theo chủ nghĩa quốc tế hay quốc gia, miễn thành thực muốn đánh đuổi Nhật, Pháp để dựng lên một nước Việt Nam tự do và độc lập".

Cùng với sự ra đời của Mặt trận Việt Minh là sự phát triển mạnh mẽ của các đoàn thể trong mặt trận, như: Nông dân cứu quốc, Công nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nhi đồng cứu quốc… Khối đại đoàn kết dân tộc nhờ thế ngày càng được mở rộng, củng cố. Càng tiến gần tới cuộc Tổng khởi nghĩa, Mặt trận càng thu nạp thêm nhiều tổ chức yêu nước, thu hẹp lực lượng chống đối và tầng lớp trung gian, tạo nên một lực lượng hùng mạnh. Dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, mọi tầng lớp nhân dân yêu nước được tập hợp đoàn kết, hội tụ thành nguồn sức mạnh nội lực to lớn để có thể tiến hành khởi nghĩa đánh đổ thực dân xâm lược giành độc lập tự do.

Triệu người như một nhất tề nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền

Quần chúng nhân dân Thủ đô đánh chiếm Bắc Bộ phủ, cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ, ngày 19/8/1945. Ảnh: TTXVN

Chính nguồn sức mạnh tổng hợp như vũ bão ấy đã làm nên chiến thắng nhanh chóng cho cuộc cách mạng mùa Thu năm 1945. Chỉ trong vòng 15 ngày, từ 13 đến 28/8/1945, hàng loạt cuộc khởi nghĩa tại các địa phương đã nổ ra và liên tiếp thành công: Từ ngày 14 đến ngày 18/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam... Ngày 19/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23/8/1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và ở Bắc Kạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu...

Không khí Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/8/1945. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Chính quyền trong cả nước đã thuộc về nhân dân. Ngày 30/8/1945, tại Huế, các đồng chí Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận thay mặt Chính phủ lâm thời đã tuyên bố chấp nhận sự thoái vị của Bảo Đại và nhận ấn, kiếm của nhà vua giao nộp cho Chính phủ trước sự chính kiến của hàng vạn đồng bào Thừa Thiên - Huế. Nhân dân ta đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp, Nhật; lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế. Như lời thơ trong bài thơ Ðất nước của Nguyễn Ðình Thi: “Súng nổ rung trời giận dữ/Người lên như nước vỡ bờ/Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa!".

Và điều mong đợi, khát khao bao năm tháng của toàn dân tộc Việt Nam cũng đã đến: Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước cuộc mít tinh của hàng chục vạn đồng bào Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời.

Ngày 19/8/1945, cả Thủ đô ngập tràn cờ đỏ sao vàng. Hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội dự cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng, hưởng ứng cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ảnh Tư liệu TTXVN

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công mau lẹ bởi sự cấu thành của nhiều yếu tố. Nhưng trong đó, không thể không kể đến sự đoàn kết, “triệu người như một nhất tề nổi dậy”. Như nhìn nhận của nhà báo Hải Đường: Cách mạng Tháng Tám không mang phép màu nào trong lòng nó. Ðây là cuộc cách mạng do Ðảng ta, một Ðảng tiên phong của giai cấp, của dân tộc, khi ấy mới 15 tuổi, với khoảng năm nghìn đảng viên dẫn đường. Ý lớn và chí lớn của Ðảng, của Bác Hồ đã gặp ý chí đoàn kết, sức mạnh vô địch của toàn dân, thắp lên ngọn lửa cháy bùng thời đại, phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại.

Trong cuộc chiến chống “giặc Covid-19” ngày hôm nay, ngọn lửa ấy, tinh thần ấy đang được truyền tải vẹn nguyên, xem đó là nguồn sức mạnh để chiến thắng đại dịch. Như lời kêu gọi chống dịch của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “... Nhân dân ta có truyền thống yêu nước, nhân nghĩa. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, truyền thống đó lại càng được nhân lên gấp bội... Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh...”.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cach-mang-thang-tam-bieu-tuong-suc-manh-tong-hop-cua-ca-dan-toc-viet-nam-post151060.html