Cách nào để giảm chi phí logistics, thúc đẩy 'logistics xanh'?
Giá cước vận chuyển hàng hóa của các loại hình vận tải (đường biển, đường hàng không và đường bộ) đều giảm mạnh từ nửa cuối năm 2022 đã giúp giảm áp lực chi phí giá thành sản phẩm hàng hóa.
Song, theo nhiều chuyên gia, hầu hết các chặng giá đã hình thành mặt bằng giá mới - cao hơn giai đoạn trước cao điểm dịch bệnh covid-19 từ 10-15%. Trong bối cảnh khối lượng vận chuyển hàng hóa được dự báo sẽ giảm trong năm 2023 ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp logistics, để tồn tại, các doanh nghiệp logistics phải áp dụng nhiều biện pháp nhằm giảm chi phí, để có được giá cước cạnh tranh. Việc sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các nguồn nhiên liệu, năng lượng còn góp phần thúc đẩy “logistics xanh”.
Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục XNK, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thực tế này tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023, chi phí logistics cao dẫn đến giá thành sản phẩm hàng hóa cao, thiếu tính cạnh tranh là một trong những hạn chế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.
Theo ông Phan Văn Chinh: "Hiện nay theo báo cáo của World Bank thì chi phí logistic chúng ta chiếm tới 20-25% trong hoạt động xuất nhập khẩu cũng như các hoạt động thương mại hàng hóa. Và với mức như vậy thì chúng ta chỉ cần giảm xuống 5% thôi thì có nghĩa là chúng ta cũng đã tiết kiệm cho doanh nghiệp chi phí trong kinh doanh là 5%, và đó chính là lợi nhuận. Và đó cũng chính là phần mà chúng ta có thể khẳng định là lợi thế cạnh tranh để chúng ta tiếp tục đi vào các thị trường…".
Vấn đề là giảm chi phí logistics bằng cách nào? Theo ông Nguyễn Tương - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Logicstics Việt Nam, thời gian qua, giá các loại nhiên liệu xăng dầu, khí, than - là đầu vào của ngành vận tải tăng cao và dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp, khả năng đứng ở mức cao thì tiết kiệm nhiên liệu là sẽ vừa giúp giảm chi phí, vừa giúp giảm thải ra môi trường.
"Trong logistics thì trước hết là vấn đề về vận tải; vì vận tải là tiêu dùng nhiều nhất về nhiên liệu và thải ra cũng nhiều, mà trong đó vận tải đường bộ thì nó rõ ràng nhất. Cho nên với đường bộ là phải làm thế nào mà sử dụng nguyên – nhiên liệu sạch cũng như đường biển cũng thế, phải sử dụng nhiên liệu sạch là một; thứ hai là giảm thải và quan trọng nhất là làm thế nào mà sử dụng có hiệu quả được vận tải hai chiều. Ví dụ đi một chiều thì nó sẽ tăng số thời gian tiêu tốn nhiên liệu cũng như tăng lượng khí thải, nhưng đi hai chiều thì có hàng hai chiều nó bớt hơn…" - ông Nguyễn Tương bày tỏ.
Dự báo trước được các khó khăn của ngành dịch vụ logistics là rất lớn, vì vậy, “tiết kiệm” là phương án được ông Lê Hồng Cẩm - Giám đốc Công ty CP dịch vụ cảng Hải Phòng nhấn mạnh trong các giải pháp của doanh nghiệp, vừa giúp giảm áp lực chi phí tăng do nhiên liệu đầu vào tăng, vừa hướng đến mục tiêu “logistics xanh”.
Ông Lê Hồng Cẩm cho biết: "Trong năm 2023 tôi cho là biến động thực sự khó khăn. Giá tàu hiện nay nó rớt rất là lớn so với cùng kỳ năm ngoái. Giải pháp của chúng tôi đưa ra là chúng tôi tối ưu hóa nguồn nhân lực và tiết kiệm tất cả các chi phí, hạn chế những chi phí có thể để chúng tôi giữ được dịch vụ cho khách hàng, đặc biệt là giá xăng dầu vừa rồi, có những lúc chúng tôi đã bị thiếu hụt lượng xăng dầu để chạy cho vận tải, thế nhưng về giá thì chúng tôi vẫn cam kết với khách hàng là chúng tôi vẫn giữ nguyên…
Khi phục vụ cho khách hàng thì chúng tôi lấy một ví dụ đơn giản như thế này thôi, nếu như trước đây mỗi lần chúng tôi sử dụng container đưa vào kho lạnh thì chúng tôi phải phải dùng từ 6-9 cuộn màng core, thì bây giờ chúng tôi đã đưa những vật liệu thay thế vào và có thể tái sử dụng nhiều lần để không bị đẩy ra môi trường và cố gắng hạn chế bớt việc sử dụng nilon trong công việc…".
Một thực tế cho thấy, trong lộ trình xây dựng Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền (TP Hải Phòng), vấn đề môi trường, tiết kiệm năng lượng luôn được quan tâm hàng đầu. Vì vậy, nhà đầu tư đã xây dựng và đang hoàn thiện “hệ sinh thái tuần hoàn” thứ 4 đó là mô hình TKNL (bên cạnh 3 “hệ sinh thái tuần hoàn” hiện hữu, là hệ sinh thái tuần hoàn ngành thép, hệ sinh thái tuần hoàn ngành nhựa và hệ sinh thái tuần hoàn ngành điện - điện tử và công nghiệp phụ trợ).
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec - chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền (TP Hải Phòng) chia sẻ: "Hiện chúng tôi đang xây dựng tiếp một mô hình nữa - mô hình cộng sinh thứ 4 là mô hình TKNL, là xây dựng mô hình điện mái để tiến tới trung hòa các bon… thì đây là một trong những lộ trình mà chúng tôi phải vượt qua. Tôi nghĩ rằng kinh tế tuần hoàn sẽ làm tiết giảm được chi phí logistics mà người ta gọi là logistics xanh, thì tiết giảm được chi phí logistics và tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp…".
Hiện KCN Nam Cầu Kiền là đơn vị tiên phong xây dựng và lắp đặt hệ thống điện mặt trời dùng cho cả KCN này, với hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà công suất 86,4Kwp được đưa vào sử dụng từ tháng 11/2021 đã giúp giảm một lượng lớn chi phí điện năng từ điện lưới. Các trục đường nội bộ cũng đã được triển khai lắp đặt 40 cột đèn chiếu sáng bằng điện năng lượng mặt trời và đang được triển khai cho các tuyến đường còn lại trong KCN.
Rõ ràng, làm tốt chuỗi tuần hoàn sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng vừa góp phần cải thiện hiệu quả kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm thiểu các chất phát thải ra môi trường. Đây cũng chính là bài toán “Tối ưu hóa chi phí với trung tâm logistics và kinh tế tuần hoàn” được doanh nhân Phạm Hồng Điệp chia sẻ để phát triển ngành logistics xanh - thân thiện với môi trường./.