Cách nào giải bài toán tồn đọng, tình trạng xuống đáy ở Hãng phim truyện Việt Nam?
Trước tình trạng hoang tàn, tiêu điều của Hãng phim truyện Việt Nam, cả nhà đầu tư và nghệ sĩ hãng đều mong muốn giải quyết những tồn đọng sau khi cổ phần hóa. Sự việc càng kéo dài sẽ để lại sự thất thoát, lãng phí ngày càng lớn.
Dứt điểm thoái vốn
Ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam, Phó tổng giám đốc Vivaso - cho biết khi tiếp nhận Hãng phim truyện Việt Nam Vivaso phải kế thừa khoản nợ thuế của Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam là hơn 23 tỷ đồng.
"Trong điều kiện hoạt động kinh doanh đặc biệt khó khăn, nhưng đến nay công ty chúng tôi đã trả còn dư nợ tiền thuế khoảng 5 tỷ đồng", ông Nguyễn Danh Thắng nói.
Thực tế sau khi hoàn tất quá quá trình mua lại hãng phim vào năm 2017, chỉ một năm sau (năm 2018), Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) nhận kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc cổ phần hóa có nhiều sai phạm, trong đó có việc cho thuê văn phòng, thuê đất trái thẩm quyền, vi phạm quản lý tài sản, kinh doanh lỗ liên tiếp.
"Tại sao, giữa thủ đô Hà Nội, trung tâm văn hóa, chính trị của cả nước lại để tình trạng như ở Hãng phim truyện Việt Nam diễn ra kéo dài tới 8 năm? Dù đã có những chỉ đạo liên tục, từ các lãnh đạo cao nhất Chính phủ… Vụ việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam cho tới nay vẫn không được giải quyết", đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) từ đó cũng ban hành nhiều văn bản nhằm tháo gỡ việc này. Tuy nhiên, đến nay vụ việc vẫn như “đi vào ngõ cụt”, bởi nhiều khúc mắc chưa được giải quyết. Khúc mắc đầu tiên liên quan đến việc thoái vốn của (Vivaso).
Phản hồi về phương án thoái vốn, ông Nguyễn Danh Thắng cho rằng phương án Bộ VHTTDL đưa ra rất khó thực hiện được vì hiện nay chưa có quy định pháp luật hướng dẫn nhà nước mua lại cổ phần của doanh nghiệp.
Việc tìm nhà đầu tư mới theo đúng kết luận thanh tra cũng gặp khó. "Hiện nay không một nhà đầu tư nào muốn đầu tư vào một doanh nghiệp phức tạp như Hãng phim truyện Việt Nam, một công ty làm ăn nhiều năm thua lỗ", ông Nguyễn Danh Thắng nêu.
Việc thoái vốn không khả thi, người đứng đầu CTCP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam đề xuất tiếp tục đầu tư khôi phục lại hãng phim. Theo đó, Vivaso quyết tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư thiết bị kỹ thuật, cơ cấu lại bộ máy sản xuất sẽ từng bước vực dậy Hãng phim truyện Việt Nam hiện đang xập xệ, hoang tàn.
"Chúng tôi dám khẳng định nếu được đầu tư chúng tôi sẽ làm thay đổi cơ sở hạ tầng đã cũ nát như hiện nay, đảm bảo khang trang, hiện đại, đầu tư thiết bị kỹ thuật, cơ cấu lại bộ máy quản lý sản xuất, giải quyết đủ công việc làm thường xuyên cho cán bộ, nghệ sĩ còn yêu nghề và gắn bó cùng đồng hành với chúng tôi", Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam nêu.
Ông Thắng nhấn mạnh nếu không làm được như đã nêu, Vivaso cam kết tự nguyện giao lại cổ phần cho nhà nước mà không đòi hỏi bất cứ khoản tài chính nào.
"Năm năm qua chúng tôi luôn trên tinh thần chờ thoái vốn nên không thể đầu tư tài chính để phát triển sản xuất. Mong muốn của chúng tôi là có sự chỉ đạo rõ ràng từ phía cơ quan nhà nước để giải quyết dứt điểm các tồn đọng tại Hãng phim truyện Việt Nam. Việc này kéo dài thì thiệt hại về phía doanh nghiệp gánh chịu",
Mong mỏi vực dậy hãng, chuyên nghiệp hóa từng khâu sản xuất
Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải tin Hãng phim Việt Nam sẽ có một kết thúc có hậu rằng hãng phim có thể vượt qua giai đoạn này, lớn mạnh trở lại, với những nỗ lực mới, những phương pháp làm phim mới, mở ra thời kỳ mới trong sáng tác điện ảnh.
“Trong chính sự đổi mới đó, anh chị em nghệ sĩ trẻ cũng có cơ hội để tiếp nối học hỏi những thế hệ nghệ sĩ đi trước, hy vọng những thế hệ nghệ sĩ đó cũng có thể an lòng khi nhìn thấy tất cả công lao, sức lực mà họ đã cống hiến trong suốt cuộc đời nghệ thuật của họ đã được thế hệ nghệ sĩ trẻ của hãng phim tiếp thu, phát triển một cách không uổng phí”, NSƯT Bùi Trung Hải nêu.
Nói về tương lai tìm nhà đầu tư mới, bắt đầu quy trình cổ phần hóa mới, đạo diễn Bùi Trung Hải không đặt kỳ vọng cao. Bởi điện ảnh Việt Nam hiện nay chưa có nhiều nhà đầu tư điện ảnh chuyên nghiệp, có hiểu biết sâu sắc về điện ảnh. Ông đề xuất để đội ngũ nghệ sĩ của hãng tham gia vào các lĩnh vực quản lý.
Về phương hướng hoạt động của hãng phim, đạo diễn Bùi Trung Hải cho rằng cần chuyên nghiệp hóa các khâu, đặc biệt là khâu phổ biến, phát hành phim.
“Đây cũng là một trong những khâu yếu nhất của các hãng phim nhà nước trước kia. Cần phải mở rộng cách sản xuất phim, sẵn sàng làm những bộ phim mang tính thị trường cao, để có thể cạnh tranh về mặt doanh thu, tạo điều kiện mở rộng quy mô sản xuất. Cần có sự tiếp cận học hỏi các nền điện ảnh lớn như Mỹ, Hàn Quốc, để phát triển chuyên môn tốt hơn...”, NSƯT Bùi Trung Hải nêu.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhận định thời đại ngày nay đòi hỏi Hãng phim truyện Việt Nam nếu muốn tồn tại và tỏa sáng cần những bước đi táo bạo, hòa nhập với thị trường mà vẫn giữ được vị thế “anh Cả” bằng cách duy trì dòng chủ lưu của nền điện ảnh như trước đây từng làm.
"Dòng chủ lưu của điện ảnh bất kỳ quốc gia nào cũng cần sự hỗ trợ, nâng giấc từ nhà nước, chứ cuộc “hòa nhập thị trường” thuần túy không làm được. Tất nhiên việc quản trị các dự án từ ý tưởng ban đầu đến sản phẩm cuối cùng là bộ phim… cần được rà soát, thiết lập một quy trình minh bạch, sáng tỏ và đầy tâm huyết để bộ phim có thể đến được với công chúng một cách xứng đáng", nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nêu.
Hệ thống nhân sự tinh hoa của hãng phim đã bị thời gian và “bão” cổ phần hóa đánh tan tác. Vì vậy cần một lực lượng sáng tác mới đầy nhiệt huyết và được đào tạo bài bản, có mục tiêu, có lý tưởng… Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã tin rằng chỉ cần hãng phim được phục hồi, những tinh hoa mới sẽ xuất hiện và làm nên một thương hiệu mới.
"Để dòng chủ lưu được mạnh khỏe và làm tốt nhiệm vụ của nó mang lại tiếng vang cần thiết, quy trình sản xuất phim phải được thiết lập theo cách hoàn toàn mới, nghiêm khắc và tận tâm từ khâu xét duyệt kịch bản đến quá trình sản xuất với những sự kiểm soát, không buông lỏng. Cần có một tư duy mới với khái niệm “dòng chủ lưu” về mặt nội dung để dòng phim này thoát khỏi trạng thái tuyên truyền, khô cứng, nhạt nhẽo", bà đề xuất.
Về 300 bản phim bị hỏng, Thanh tra Bộ VHTTDL khẳng định các bộ phim trong kho phim bị hư hỏng thuộc trách nhiệm của công ty (Vivaso). Vì vậy công ty phải để xuất phương án khắc phục báo cáo Bộ VHTTDL và trả lời cho tập thể nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên của công ty biết.
Đại diện Thanh tra Bộ VHTTDL nhấn mạnh những bộ phim giá trị của điện ảnh Việt Nam được lưu trữ đầy đủ cả bản gốc và hồ sơ liên quan trong điều kiện tiêu chuẩn quốc tế của Viện Phim Việt Nam.