Cách nhận biết 4 dấu hiệu ung thư phổi ở chân dễ bị bỏ qua
Ngoài các dấu hiệu ung thư phổi phổ biến như ho tức ngực, ho ra máu, khó thở thì có một số triệu chứng cảnh báo ung thư phổi ở chân mà rất nhiều người bỏ qua.

Ung thư phổi đang có xu hướng trẻ hóa. Nếu trước đây, ung thư phổi thường chẩn đoán ở người trên 50 tuổi nhưng hiện tại, ung thư phổi cũng có thể gặp ở cả những người trẻ tuổi hơn, thậm chí dưới 35 tuổi.
Do vậy, bên cạnh việc phòng ngừa ung thư phổi bằng cách thay đổi lối sống lành mạnh hơn, tránh hút thuốc lá, vận động thể chất,... thì việc nhận biết các dấu hiệu ung thư phổi sớm là rất quan trọng đối với tiên lượng bệnh cũng như mức độ đáp ứng điều trị để cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư phổi.
Theo GLOBOCAN, tại Việt Nam, tỉ lệ mắc mới ung thư xếp thứ 90/185 quốc gia và tỉ lệ tử vong do ung thư xếp thứ 50/185 quốc gia. Ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư. Trong đó, Việt Nam ghi nhận 24.426 ca mắc mới và hơn 22.597 ca tử vong do ung thư phổi mỗi năm, với tỉ lệ sống thêm 5 năm chỉ đạt khoảng 14,8%. Bệnh đứng thứ 3 về tỉ lệ mắc mới và thứ 2 về tỉ lệ tử vong trong số các bệnh ung thư.
Ung thư phổi là gì? Ung thư phổi xảy ra khi các tế bào trong mô phổi phát triển không kiểm soát, hình thành các khối u ác tính. Ung thư phổi được chia thành 2 loại là ung thư phổi không tế bào nhỏ (chiếm phần lớn các ca, khoảng 80 - 85%) và ung thư phổi tế bào nhỏ (chiếm khoảng 15 - 20%).
1. Dấu hiệu ung thư phổi thường gặp
Theo NHS Hoa Kỳ, các dấu hiệu ung thư phổi thường gặp bao gồm:
- Các cơn ho kéo dài trên 3 tuần, ho tiến triển ngày một nghiêm trọng hơn, thậm chí ho ra máu.
- Nhiễm trùng ngực tái phát nhiều lần.
- Đau tức ngực khó chịu khi thở hoặc đau ngực khi ho.
- Khó thở dai dẳng do khối u chèn ép đường thở.
- Mệt mỏi nghiêm trọng, mất sức, thiếu năng lượng dù đã nghỉ ngơi đầy đủ.
- Chán ăn, sụt cân không rõ nguyên nhân.
Một số triệu chứng ung thư phổi khác ít phổ biến hơn có thể kể đến như: Sự thay đổi hình dạng ngón tay, còn gọi là ngón tay dùi trống, móng tay cũng có thể trở nên mềm và cong quanh đầu ngón; khó nuốt, đau khi nuốt; thở khò khè; khàn giọng; mặt và cổ bị sưng; đau ngực và đau vai dai dẳng.

Bệnh nhân ung thư phổi thường có các cơn ho kéo dài trên 3 tuần, ho tiến triển ngày một nghiêm trọng hơn, thậm chí ho ra máu (Ảnh: ST)
2. Dấu hiệu ung thư phổi ở chân dễ nhầm lẫn và bị bỏ qua
Tại sao ung thư phổi có thể gây ra các biểu hiện ở chân? Trước tiên, cần hiểu rằng, điểm khác biệt lớn nhất giữa khối u lành tính và khối u ác tính là khối u lành tính có tính khu trú rất cao và không di căn đến các vị trí xa, nhưng khối u ác tính thì hoàn toàn khác. Theo thời gian, các tế bào của khối u ác tính sẽ di căn đến các vị trí xa hơn. Mà ung thư phổi rất dễ di căn xa tới xương qua mạch máu, nhất là xương chi dưới (chân) để hình thành các khối u hoặc tổn thương mới.
Theo Sohu, có 4 dấu hiệu ung thư phổi ở chân rất dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với bệnh khác mà bạn cần chú ý:
- Cơn đau bất thường, đột ngột ở hai chân: Như đã nói, khi tế bào ung thư phổi di căn tới xương hoặc khối u chèn ép dây thần kinh ở chân có thể gây ra các tổn thương dẫn tới việc xương bị giòn hơn, dễ gãy cũng như các cơn đau nhức chân. Người bệnh ung thư phổi cảm thấy cơn đau chân ban đầu chỉ là đau âm ỉ, nhưng ngày càng trầm trọng hơn, thay vì chỉ thỉnh thoảng xảy ra.

Các tế bào ung thư phổi di căn xa tới xương chân gây đau nhức, giòn xương và dễ gãy hơn (Ảnh: ST)
Cơn đau nhức chân do ung thư phổi cũng có thể xảy ra ở cả đầu gối do tế bào di căn tới mô hoạt dịch, trong đó khớp gối là khớp thường bị ảnh hưởng nhất, theo Daily Express. Một khi khớp gối bị ảnh hưởng bởi khối u phổi di căn, người bệnh có thể bị sưng tấy đầu gối, giảm khả năng đứng hay di chuyển hoặc khó khăn để duỗi thẳng chân như bình thường. Trong trường hợp tế bào ung thư di căn trong xương cột sống, chèn ép và tủy sống có thể khiến chân yếu hơn, thậm chí tê liệt kèm theo mất kiểm soát ruột và bàng quang.
- U cục nổi trên bề mặt da ở chân:Ung thư phổi di căn tới da dẫn tới bề mặt da xuất hiện nhiều u cục tròn, chắc, bờ không rõ ràng, không di động và không đau; mặc dù đôi khi có thể gây loét. Ngoài chân thì vị trí ung thư phổi di căn da phổi biến nhất là ngực, bụng và vùng đầu cổ.

U cục ở bệnh nhân bị ung thư phổi tế bào nhỏ (Ảnh: ST)
- Cục máu đông ở chân:Theo WebMD, người bị ung thư phổi cũng có nhiều khả năng gặp phải tình trạng cục máu đông ở chân, hay còn gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu. Điều này được giả thiết là do tế bào ung thư có thể gây viêm, kích hoạt quá trình đông máu (máu đặc hơn) hoặc các hóa chất từ chính khối u có thể gây ra cục máu đông. Huyết khối tĩnh mạch sâu rất nguy hiểm, đặc biệt nếu cục máu đông vỡ ra vì di chuyển lên phổi gây thuyên tắc phổi sẽ nhanh chóng đe dọa tới tính mạng. Khi cục máu đông xuất hiện, các triệu chứng nổi bật là đau chi dưới, rối loạn vận động, thay đổi nhiệt độ da hoặc tím tái da bất thường.

Hình ảnh huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân (Ảnh: ST)
- Chân sưng phù bất thường, ngón chân dùi trống: Sự gián đoạn của lưu lượng máu xuống chân khi ung thư phổi di căn có thể dẫn tới chân bị phù nề bất thường. Hiện tượng phù nề chân cũng có thể do một tình trạng gọi là hạ protein máu do dinh dưỡng kém và giảm sản xuất protein ở gan hoặc do tích tụ bất thường của dịch cơ thể. Tuy nhiên, di căn đến xương bàn chân gây triệu chứng đau, phù chân là rất hiếm, xuất hiện ở khoảng 0,007 - 0,3% số bệnh nhân ung thư. Phù chân khiến bệnh nhân giảm linh hoạt khớp chân, vùng chân bị phù có cảm giác dày và lõm khi ấn vào,...
Hiện tượng ngón chân dùi trống cũng thường xảy ra ở bệnh nhân mắc ung thư phổi. Theo đó, khi các mô mềm dư thừa hình thành dưới lớp móng, đầu ngón chân sẽ bị phồng hoặc to ra, móng chân sẽ vồng hơn bình thường.

Hình ảnh ngón chân dùi trống (Ảnh: ST)
Cuối cùng, ngoài ghi nhớ các dấu hiệu ung thư phổi thì bạn cần lưu ý rằng, không phải ai mắc ung thư phổi cũng có thể được phát hiện ở giai đoạn sớm của bệnh. Một số bệnh nhân ung thư phổi phải sống chung với khối u trong nhiều năm trước khi nó bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu rõ ràng, khi mà khối u phát triển nhanh chóng, lớn hơn về kích cỡ và chèn ép các cơ quan lân cận. Nếu không phát hiện kịp thời, ung thư phổi rất dễ di căn đến các bộ phận theo thời gian. Xương, não, gan và các bộ phận khác đều là những nơi ung thư phổi dễ di căn xa nhất.
Do đó, thăm khám tầm soát định kỳ nếu có các yếu tố nguy cơ hoặc khi có các bất thường sức khỏe là rất quan trọng. Theo Cancer Net, đối với những bệnh nhân mắc ung thư phổi giai đoạn đầu, tỷ lệ chữa cho tiên lượng tốt có thể lên tới 80%.