Cách phòng, chống tội phạm tại nơi đông người và không gian mạng
Thượng tá Phạm Quý Hải, Phó trưởng Công an quận Tây Hồ, chủ trì đã chủ trì hội nghị triển khai Mô hình ' Toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm' trên địa bàn phường Nhật Tân.
Thượng tá Phạm Quý Hải nhìn nhận, vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác tham gia phong trào đấu tranh, tố giác tội phạm là cốt lõi giảm thiểu các vụ trộm cắp, đảm bảo ANTT địa bàn, khu dân cư. Tinh thần cảnh giác cao của người dân tích cực phối hợp với lực lượng Công an sẽ làm cho tội phạm bị triệt nọc từ trong trứng nước và không có cơ hội hoạt động.
Tại hội nghị, CAP Nhật Tân tổ chức ra quân tuyên truyền, hướng dẫn người dân kết nối mạng xã hội Face book của Công an quận Tây Hồ để lan tỏa các tinh thần tự cảnh giác phòng ngừa tội phạm trong dịp Tết Nguyên đán 2024. Đồng thời phối hợp đặt biển hiệu phòng ngừa, tố giác tội phạm cho các hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn.
Thời gian qua, để đảm bảo ANTT địa bàn, CAP Nhật Tân đã chủ động nhiều biện pháp, trong đó tích cực triển khai tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân về công tác chủ động phòng ngừa tội phạm. Việc ra măt mô hình và triển khai phối hợp với từng cơ sở kinh doanh trên địa bàn trang bị biển báo cảnh giác là cách làm sáng tạo, đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp nhằm phát huy hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Tại buổi tuyên truyền, CAP Nhật Tân đã đưa ra các thủ đoạn mà tội phạm thường lợi dụng. “Người dân không nên cất giữ tiền, tài sản có giá trị lớn tại nhà riêng, nên sử dụng dịch vụ ngân hàng. Ra khỏi nhà phải khóa cửa cẩn thận, thiết kế kiên cố những vị trí làm lỗ thông gió, cửa sau, cửa phụ, cần trang bị các thiết bị cảnh báo kẻ gian đột nhập như: Camera, chuông, khóa thông minh. Không mất cảnh giác trong việc giữ gìn tài sản như: xe mô tô, túi xách, dây chuyền, bông tai, điện thoại di động,... khi lưu thông trên đường và đến nơi công cộng. Không để trẻ em, người già, phụ nữ nuôi con nhỏ ở nhà một mình. Nam nữ thanh niên không được hẹn hò tâm sự nơi vắng vẻ hoặc đêm khuya để các đối tượng lợi dụng trấn lột, cướp tài sản.
Đối với việc sử dụng mạng xã hội, khi có người tự xưng là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án, bưu điện, ngân hàng, ... gọi đến hỏi việc thì người dân hết sức cảnh giác. Cơ quan Công an không bao giờ trao đổi thông tin vụ án qua điện thoại. Cần dứt khoát từ chối làm việc thông qua điện thoại và yêu cầu họ gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp lệ.
Tuyệt đối không cung cấp số điện thoại riêng, số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin về nhân thân cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì, tuyệt đối không được chuyển tiền vào tài khoản theo đề nghị của đối tượng.