Cách phòng ngừa bệnh sởi hiệu quả nhìn từ 'lỗ hổng vắc-xin'

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi Polinosa morbillarum gây ra, lây truyền qua đường hô hấp, có khả năng gây ra các biến chứng nặng nề

Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), tính từ đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 203 ca mắc sởi, sốt phát ban nghi sởi, tăng gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Số ca sởi tăng, các chuyên gia y tế bày tỏ lo ngại khi hết hè, trẻ nhập học thì nguy cơ tiếp tục gia tăng ca mắc sởi.

Trao đổi với Người Đưa Tin, BS. Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi Hội truyền nhiễm Tp.HCM, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Tp.HCM) thông tin, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi Polinosa morbillarum gây ra, lây truyền qua đường hô hấp, có khả năng gây ra các biến chứng nặng nề như viêm phổi, tiêu đàm máu, nhiễm trùng ruột, viêm não,…

BS.Trương Hữu Khanh cho biết nguyên nhân gia tăng ca mắc bệnh sởi là do "lỗ hổng vắc-xin".

BS.Trương Hữu Khanh cho biết nguyên nhân gia tăng ca mắc bệnh sởi là do "lỗ hổng vắc-xin".

Theo BS. Trương Hữu Khanh, virus sởi có tốc độ lây rất nhanh, hơn 90% người chưa tiêm chủng hoặc chưa từng mắc bệnh chắc chắn sẽ nhiễm khi tiếp xúc với mầm bệnh.

Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, trẻ có bệnh nền và hệ miễn dịch suy yếu, sẽ có nguy cơ nhiễm sởi cao hơn.

Nói về nguyên nhân dẫn đến gia tăng các ca bệnh sởi, BS.Khanh cho biết là do "lỗ hổng vắc-xin" ở trẻ trong suốt thời gian xảy ra dịch Covid-19.

"Thời gian Covid-19, trẻ không được tiêm chủng đầy đủ vắc-xin sởi. Virus sởi chủ yếu tấn công vào nhóm trẻ chưa được tiêm phòng vắc-xin hoặc đã tiêm phòng nhưng không đủ liều. Từ đó, lây lan cho các nhóm đối tượng có hệ miễn dịch kém khác", BS.Khanh cho hay.

Nhấn mạnh thêm biện pháp để phòng bệnh sởi, chuyên gia y tế nói: "Chỉ có tiêm vắc-xin thì mới phòng bệnh sởi hiệu quả".

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng cho biết thêm với những trẻ bị sởi gặp biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản… đa số hiện nay là viêm phổi thì phải nhập viện để theo dõi, điều trị.

"Tôi đặc biệt nhấn mạnh là phụ huynh nên cho con trẻ tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi và cho trẻ tiêm đủ liều, tiêm bù, tiêm vét cho trẻ", BS.Khanh nói thêm.

TS. Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thông tin, một trong những nguyên nhân khiến số ca mắc sởi gia tăng là do tỉ lệ tiêm vắc-xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng bị giảm, do trong giai đoạn dịch Covid-19 và việc cung ứng chậm vắc-xin giai đoạn 2022-2023.

Trong khi đó, sởi là bệnh có tính lây truyền cao, bệnh chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền trong cộng đồng khi tỉ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu trong cộng đồng đạt trên 95%.

Mặt khác, chu kỳ của bệnh sởi khoảng 4-5 năm sẽ quay trở lại, vì vậy, Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần sớm triển khai tiêm chủng bù mũi ngay trong quý I, II/2024 cho trẻ chưa được tiêm trong năm 2023, để chủ động đáp ứng phòng chống dịch.

Theo chuyên gia y tế, chỉ tiêm vắc-xin thì mới phòng bệnh sởi hiệu quả.

Theo chuyên gia y tế, chỉ tiêm vắc-xin thì mới phòng bệnh sởi hiệu quả.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phòng bệnh sởi bằng cách:

Chủ động bằng vắc-xin. Theo đó, thực hiện tiêm chủng 2 mũi vắc-xin cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng theo quy định. Tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi cho các đối tượng khác theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Cách ly người bệnh và vệ sinh cá nhân: Người bệnh sởi phải được cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở điều trị theo nguyên tắc cách ly đối với bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Sử dụng khẩu trang phẫu thuật cho người bệnh, người chăm sóc, tiếp xúc gần và nhân viên y tế.

Hạn chế việc tiếp xúc gần không cần thiết của nhân viên y tế và người thăm người bệnh đối với người bệnh.

Thời gian cách ly từ lúc nghi mắc sởi cho đến ít nhất 4 ngày sau khi bắt đầu phát ban.

Tăng cường vệ sinh cá nhân, sát trùng mũi họng, giữ ấm cơ thể, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng.

Khi có các biểu hiện sốt phát ban dạng sởi thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời tránh biến chứng nguy hiểm.

Hoàng Bích - Minh Thu

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cach-phong-ngua-benh-soi-hieu-qua-nhin-tu-lo-hong-vac-xin-204240727165624213.htm