Cách phòng tránh viêm tai giữa ở trẻ khi đi bơi
Bơi lội là môn thể thao có lợi cho sức khỏe, không chỉ trẻ em mà người lớn cũng thích hoạt động này, nhất là khi thời tiết nóng bức. Tuy nhiên, nhiều người dễ bị viêm tai giữa khi đi bơi, nhất là trẻ nhỏ.

Đi bơi dễ bị viêm nhiễm tai mũi họng nếu không phòng tránh đúng cách ( Ảnh minh họa )
Anh Vũ Văn Việt ở xã Nguyễn Trãi có con bị viêm tai giữa phải điều trị tại Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên) chia sẻ: “Bé nhà tôi 8 tuổi, nghỉ hè, thời tiết oi nóng, cháu thường đi bơi cùng bạn bè. Được một tuần thì cháu kêu đau tai, sốt nhẹ. Gia đình đưa cháu vào viện khám, bác sĩ chẩn đoán bị viêm tai giữa và bơi lội có thể là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này”.
Bé N.H.C. (10 tuổi, trú tại khu phố An Bình, phường Phố Hiến) đi bơi khi đang viêm họng, sổ mũi. Sau 3 ngày, bé có biểu hiện sốt, đau đầu, nghẹt mũi, ù tai, bứt rứt khó chịu ở tai. Kết quả nội soi tai tại bệnh viện Đa khoa Hưng Hà, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm tai giữa. Theo nhận định của Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Học, Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà, nguyên nhân chính là do tình trạng sổ mũi trước đó khiến dịch mũi đi ngược lên tai. Cùng với việc nước hồ bơi không được vệ sinh đúng cách đã tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây viêm tai.
Cũng theo bác sĩ Học, từ đầu hè, số ca mắc các bệnh lý về tai do bơi lội đến khám tại bệnh viện tăng cao. Trong đó, viêm tai ngoài phổ biến ở người lớn, viêm tai giữa phổ biến ở trẻ em. Người lớn, khi tắm thường đưa tay bẩn có mầm bệnh lên ngoáy tai. Do cấu tạo của vòi nhĩ và sức đề kháng của trẻ yếu hơn nên trong môi trường nước tắm nhiễm khuẩn sẽ có nguy cơ viêm tai giữa nhiều hơn. Ai cũng có thể bị viêm tai khi đi bơi nhưng xu hướng mắc bệnh ở trẻ em cao hơn người lớn.

Lời khuyên của bác sĩ khi bị viêm tai giữa
Để phòng tránh viêm tai giữa khi đi bơi mùa hè, bác sĩ CKI Hoàng Thị Thùy, Phó Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên) khuyến cáo: Khi bơi lội mùa nắng nóng, cần sử dụng nút bịt tai hoặc vỏ bọc bảo vệ tai. Trong khi bơi tránh để sặc nước, hạn chế nước lọt vào mũi, họng. Bên cạnh đó, lựa chọn các bể bơi nguồn nước đảm bảo vệ sinh, tránh tình trạng tai nhiễm bẩn, làm viêm tai...

Thăm khám cho bệnh nhân nhi đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Học, Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà lưu ý, để phòng tránh viêm tai giữa, việc vệ sinh tai sau khi bơi là vô cùng cần thiết. Cần làm khô tai bằng cách lấy bông gòn sạch đặt nhẹ vào ống tai ngoài để yên trong khoảng 3 – 5 phút, tăm bông sẽ tự động thấm hút nước ra ngoài. Nếu nước vào tai thì nên nghiêng đầu, sau đó kéo vành tai ra sau để tạo đường thẳng cho nước dễ chảy ra ngoài. Cần vệ sinh mắt, mũi, họng bằng nước muối sinh lý sau khi bơi, để tránh viêm mũi, họng, viêm tai giữa.
“Những người có tiền sử viêm tai giữa, viêm xoang, viêm mũi dị ứng hạn chế đi bơi vì rất dễ tái phát bệnh. Khi nào thấy tai bị ngứa, khó chịu, chảy nước, dịch vàng đục, sờ vào thấy đau, người bệnh nên đi khám tại các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời”, bác sĩ Học nhấn mạnh.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/cach-phong-tranh-viem-tai-giua-o-tre-khi-di-boi-3182443.html