Cách rã đông thịt tưởng đúng hóa ra sai lầm

Rã đông thực phẩm không đúng cách có thể khiến vi khuẩn có hại phát triển và thậm chí gây ngộ độc thực phẩm.

 Rã đông thực phẩm không đúng cách có thể khiến vi khuẩn có hại phát triển và thậm chí gây ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Freepik.

Rã đông thực phẩm không đúng cách có thể khiến vi khuẩn có hại phát triển và thậm chí gây ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Freepik.

Nhiều người có thói quen chần thịt qua nước sôi để rã đông nhanh và làm sạch. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, đây là cách làm hoàn toàn sai lầm.

PGS Thịnh cho biết, việc sử dụng nước nóng làm rã đông nhanh lớp ngoài của thịt, nhưng phần bên trong vẫn còn đông lạnh. Điều này khiến vi khuẩn, độc tố và chất bẩn bên trong không được loại bỏ. Ngoài ra, nước nóng gặp lạnh làm thay đổi kết cấu thịt, khiến thịt mất đi độ tươi ngon và giảm đáng kể giá trị dinh dưỡng.

PGS Thịnh khuyến nghị người dân nên để thịt rã đông từ từ trong ngăn mát tủ lạnh, thường mất 1-2 ngày để tan đá hoàn toàn. Khi nấu, nên luộc thịt bằng nước lạnh. Trong quá trình luộc, nếu xuất hiện bọt hoặc váng, người dân có thể hớt bỏ hoặc thay nước mới.

Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Hà Nhi, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, cho biết nếu không có đủ thời gian, người dân có thể sử dụng lò vi sóng với chế độ rã đông. Tuy nhiên, cần kiểm tra hướng dẫn sử dụng và đảm bảo thực phẩm được rã đông đúng cách.

Đối với thực phẩm có kích thước lớn, bác sĩ Nhi lưu ý có thể mất đến 4 ngày để rã đông hoàn toàn trong tủ lạnh. Thực phẩm sau khi rã đông nên được nấu ngay và sử dụng trong vòng 24 giờ.

Một cách khác là rã đông bằng nước lạnh.

Bác sĩ Nhi hướng dẫn: Đặt thịt vào túi zipper kín, loại bỏ không khí và đảm bảo nước không xâm nhập vào túi. Ngâm túi thịt trong nước lạnh và thay nước mỗi 30 phút. Cách này tiết kiệm thời gian hơn so với rã đông trong ngăn mát.

Bác sĩ Hà Nhi khuyến nghị với thịt và cá đã nấu chín, người dân chỉ nên cấp đông một lần, không nên đun đi đun lại rồi tiếp tục lưu trữ. Khi làm đông thực phẩm thừa, nên chia thành các phần vừa ăn để rã đông khi cần, tránh rã đông nhiều lần làm giảm chất lượng thực phẩm.

Ngoài ra, trước khi cấp đông, thực phẩm cần được làm lạnh nhanh để duy trì chất lượng và an toàn. “Chia nhỏ khẩu phần ăn không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn đảm bảo thực phẩm giữ được hương vị và dinh dưỡng tối ưu”, bác sĩ Nhi khuyến cáo.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cach-ra-dong-thit-tuong-dung-hoa-ra-sai-lam-tai-hai-post1526398.html