Cách Singapore hướng đến du lịch bền vững và cuộc sống đô thị: Việt Nam có thể học hỏi
Du lịch bền vững đang trở thành khái niệm có ý nghĩa hơn ở Singapore nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0.
Theo Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới (WTTC), ngành du lịch và lữ hành trên thế giới hiện sử dụng nguồn lao động lớn nhất thế giới. Vào năm 2021, du lịch và lữ hành chiếm 6,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, chiếm khoảng 5,8 nghìn tỷ đô la Mỹ, chưa trở lại bằng mức trước đại dịch nhưng được xem là hồi phục đáng kể hàng năm. Là ngành đóng góp quan trọng cho nền kinh tế toàn cầu, du lịch đang hướng tới tầm nhìn bền vững hơn trong tương lai nếu thế giới muốn đáp ứng các mục tiêu do Thỏa thuận Paris 2015 đặt ra và các mục tiêu gần đây đưa ra tại COP27.
Cơ hội cho du lịch và lữ hành bền vững
Các vấn đề về biến đổi khí hậu đã được ghi chép đầy đủ và nếu không khuyến khích hành động thì sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Trước mục tiêu này, nhiều doanh nghiệp đang kết hợp tính bền vững trong quá trình phát triển sản phẩm để mang lại lợi nhuận cao hơn về lâu dài.
Tính bền vững cũng là mối quan tâm ngày càng tăng đối với người tiêu dùng - những người mong muốn lựa chọn các phương án thân thiện với môi trường hơn. Lĩnh vực du lịch và lữ hành cũng không ngoại lệ, với 71% du khách toàn cầu mong muốn du lịch bền vững hơn trong tương lai. Và khi tính bền vững ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu của du khách thì các điểm đến nên được chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu.
Singapore là một thành phố-quốc đảo nhỏ, nằm ở vị trí thấp với diện tích 734,3 km2 ở Đông Nam Á. Thành phố đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu bởi rất khó để phát triển năng lượng thay thế trước tình trạng thiếu tài nguyên thiên nhiên để triển khai quy mô lớn các nguồn năng lượng tái tạo.
Năm 2021, Kế hoạch Xanh Singapore 2030 (hay Kế hoạch Xanh) đưa ra như một lộ trình nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự quốc gia của Singapore về phát triển bền vững. Kế hoạch Xanh vạch ra mục tiêu đầy tham vọng và cụ thể theo 5 trụ cột chính: Thành phố trong tự nhiên, Cuộc sống bền vững, Tái tạo năng lượng, Nền kinh tế xanh và Tương lai kiên cường.
Ngày nay, Singapore là một trong những thành phố đông đúc nhất nhưng xanh nhất thế giới, với độ phủ xanh trên 40%. Phong trào "Một triệu cây xanh" nhằm mục đích phủ xanh khắp Singapore trong 10 năm tới để phát triển du lịch bền vững. Singapore cũng đang đặt mục tiêu đến năm 2030 mỗi hộ gia đình chỉ cách công viên trong vòng 10 phút đi bộ. Đây chỉ là một số trong nhiều sáng kiến trong "Kế hoạch Xanh" mà Singapor hướng tới.
Quan trọng hơn, ngành công nghiệp du lịch nước này cùng chiếm số lượng lớn lượng khí thải carbon từ ngành hàng không. Khi hàng không là phương thức di chuyển chủ yếu đến và đi từ Singapore thì nhiên liệu hàng không bền vững được xác định là một trong những yếu tố chính để đạt được các mục tiêu giảm phát thải của ngành hàng không vào năm 2022. Singapore tuyên bố sẽ có nhà máy nhiên liệu hàng không bền vững lớn nhất thế giới vào năm 2023.
Trong khi đó, hãng hàng không Singapore Airlines cũng đã khai thác chuyến bay đầu tiên với nhiên liệu hàng không bền vững như một phần của chương trình thử nghiệm nhằm thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững ở Singapore
Năm nay, Cơ quan Hàng không Dân dụng Singapore (CAAS) sẽ công bố Kế hoạch chi tiết về trung tâm hàng không bền vững, cung cấp lộ trình khử carbon đối với trung tâm hàng không của Singapore, với các mục tiêu trung hạn đến năm 2030 và dài hạn hơn vào năm 2050 là một lộ trình cụ thể để đạt được các mục tiêu đó.
Thành phố trong tự nhiên
Tầm nhìn của Singapore là trở thành một trong những điểm đến đô thị bền vững nhất thế giới – một thành phố hòa mình vào thiên nhiên, nơi được ví như "những trải nghiệm lớn với dấu chân nhỏ". Tổng cục Du lịch Singapore đang hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan trong ngành du lịch nhằm thực hiện chiến lược và lộ trình bền vững của điểm đến cho ngành du lịch phù hợp với Kế hoạch Xanh.
Đầu tiên, phát triển kỹ năng cứng và kỹ năng mềm cho phát triển du lịch bền vững rất quan trọng. Chẳng hạn, HyperDrive - thương hiệu điện tử của Mỹ thuộc tập đoàn Sanho Corporation về IT, phụ kiện điện thoại và công nghệ danh tiếng thế giới có trụ sở đặt tại thung lũng Silicon, California, Mỹ - triển khai mô hình đua xe go-kart điện đầu tiên được ứng dụng trong trò chơi điện tử, giúp người lái đắm chìm trong thế giới đua xe ngoài đời thực và chơi trò chơi ảo, mang đến khoảng thời gian vui vẻ thân thiện với môi trường cho những người đam mê tốc độ. HyperDrive được cho là khái niệm độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á khi ra mắt vào nửa đầu năm 2023.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch phát triển bền vững, Singapore cũng triển khai Chương trình Du lịch bền vững (TSP). Cụ thể, các doanh nghiệp du lịch có thể khai thác TSP để nâng cao kỹ năng và đào tạo nhân viên để tiếp thu các kỹ năng liên quan đến tính bền vững hoặc áp dụng các giải pháp để giúp doanh nghiệp bền vững hơn trong dài hạn.
Điều quan trọng nữa là đầu tư vào cộng đồng địa phương nếu muốn thu hút du khách toàn cầu. Những khách du lịch thích tìm kiếm những trải nghiệm địa phương đích thực, chẳng hạn như đồ ăn và thức uống có nguồn gốc địa phương sẽ giúp cân bằng hơn, giảm lượng khí thải carbon khi hòa cùng với thiên nhiên. Singapore cũng tiếp tục đầu tư vào các doanh nhân và nông dân địa phương, cung cấp môi trường làm việc an toàn cũng như đào tạo lực lượng lao động tốt để khuyến khích cộng đồng địa phương phát triển. Thêm vào đó là nhu cầu đầu tư và duy trì di sản văn hóa, di tích quốc gia và các quận lịch sử để nâng cao trải nghiệm cho du khách.
Bằng cách nào phát triển du lịch bền vững đáng tin cậy?
Tổng Cục Du lịch Singapore (STB) đã nỗ lực giúp Singapore có được chứng nhận dựa trên Tiêu chí Điểm đến của Hội đồng Du lịch Bền vững Toàn cầu (GSTC). Tiêu chí GSTC là tiêu chuẩn toàn cầu về du lịch bền vững và Tiêu chí điểm đến của GSTC đánh giá hoạt động bền vững của điểm đến theo 38 tiêu chí trên 4 khía cạnh: Quản lý bền vững; Tính bền vững về kinh tế-xã hội;Tính bền vững về văn hóa; và Tính bền vững về môi trường.
Vào tháng 1 năm nay, Singapore đã được chứng nhận là điểm đến bền vững dựa trên Tiêu chí điểm đến của GSTC. Singapore cũng cam kết đạt tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và truyền cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp du lịch để đóng góp cho một thế giới xanh hơn. Chứng nhận phản ánh cam kết của Singapore trong việc trở thành một điểm đến đô thị bền vững và khẳng định rằng những nỗ lực của Singapore đang đi đúng hướng.
Việc chứng nhận Tiêu chí GSTC chỉ là bước đầu trong hành trình phát triển du lịch bền vững của Singapore. Quá trình chứng nhận đã xác định những lĩnh vực đã làm tốt và những lĩnh vực có thể làm tốt hơn. Các cuộc khảo sát hàng năm sẽ được thực hiện bởi một tổ chức chứng nhận được GSTC công nhận để đảm bảo rằng Singapore tiếp tục đáp ứng các tiêu chí, bao gồm cả việc cải thiện các lĩnh vực đã xác định. STB sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan trong lĩnh vực du lịch để nỗ lực hơn nữa nhằm tiếp thu tính bền vững như một phần trong các dịch vụ của họ để có thể góp phần làm cho Singapore trở nên xanh hơn và đáng sống hơn.
Cơ hội hợp tác toàn cầu trong du lịch
Để giảm thiểu biến đổi khí hậu, chỉ tập trung vào một khu vực hoặc một quốc gia là chưa đủ – sự hợp tác toàn cầu trong ngành du lịch và lữ hành cũng là điều cần thiết. Một giải pháp duy nhất sẽ không thể giúp đạt được các mục tiêu về khí hậu và xây dựng các điểm đến bền vững.
Vì vậy, các quốc gia phải làm việc cùng nhau để thúc đẩy hành động toàn cầu nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0". Sự hợp tác có thể bao gồm những đóng góp chung cho các quy định, tiêu chuẩn và chứng nhận quốc tế về các công nghệ mới nổi. Trong đó có giải pháp carbon thấp hơn, tham gia vào hoạt động R&D và thử nghiệm chung.
Singapore đã hợp tác chặt chẽ với Australia, Chile, New Zealand và Mỹ để phát triển công nghệ carbon thấp, chẳng hạn như thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS).
Bên cạnh đó, Singapore cũng bắt đầu đàm phán về Hiệp định Kinh tế Xanh (GEA) song phương với Australia, trong đó kết hợp các mục tiêu thương mại, kinh tế và môi trường. Quốc gia này cũng đang tích cực làm việc để khai thác năng lượng carbon thấp bên ngoài lãnh thổ với mục tiêu cuối cùng là nhập khẩu điện từ Malaysia và Indonesia thông qua các thỏa thuận thương mại khu vực. Các công ty Singapore có chuyên môn phù hợp cũng đã hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài để hỗ trợ đạt được nguyện vọng phát triển bền vững.
Những nỗ lực như vậy sẽ đảm bảo rằng ngành du lịch của Sigapore tiếp tục tối đa hóa lợi ích kinh tế và xã hội cho người dân địa phương. Đồng thời giảm tác động đối với môi trường và góp phần bảo tồn di sản địa phương cũng như thực hiện vai trò với tư cách là công dân toàn cầu có trách nhiệm, thúc đẩy đối thoại quốc tế về du lịch bền vững.
Các doanh nghiệp, cộng đồng và chính phủ sẽ hợp tác hơn nữa để cung cấp các điểm đến bền vững, an toàn để khách du lịch tiếp tục đến thăm và tận hưởng – điều đó tốt cho nền kinh tế cũng như môi trường./.