Cách tăng huy động năng lượng tái tạo sẵn có khi nhiều nguồn điện mới ì ạch

Để có thể tận dụng nhiều hơn nguồn phát từ các nhà máy năng lượng tái tạo đã đầu tư, việc bổ sung các nguồn điện linh hoạt đã được đưa vào Quy hoạch Điện VIII.

Linh hoạt để ổn định

Trong Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt vào ngày 15/5/2023, loại “nguồn điện linh hoạt” đã xuất hiện trong cơ cấu công suất nguồn. Cụ thể, năm 2030, hệ thống lên kế hoạch có 300 MW nguồn linh hoạt, thì năm 2050 sẽ tăng lên với 46.200 MW.

Các chuyên gia của Bộ Công thương cũng cho hay, khái niệm nguồn linh hoạt ở đây có thể áp dụng với các tổ máy sử dụng động cơ đốt trong (ICE) hay thủy điện tích năng lẫn tổ máy thủy điện mở rộng…

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế có thể thấy, dự án thủy điện tích năng đầu tiên của Việt Nam là Bắc Ái vẫn chưa biết bao giờ xây dựng xong; một số tổ máy thủy điện mở rộng trên nền các nhà máy thủy điện hiện hữu như Hòa Bình, Yaly, Trị An hay các nhà máy điện chạy dầu đang được huy động có giá thành khá cao, tới 4.000 - 5.000 đồng/kWh. Bởi vậy, nguồn linh hoạt từ các tổ máy ICE cũng là một lối thoát nhanh.

“Chúng tôi rất vui mừng khi nhận thấy Việt Nam đã ghi nhận sự cần thiết của nguồn điện linh hoạt trong Quy hoạch Điện VIII và vai trò quan trọng của công nghệ phát điện linh hoạt như động cơ ICE trong việc hỗ trợ dịch chuyển năng lượng tại Việt Nam”, ông Phạm Minh Thành, Giám đốc Quốc gia của Wärtsilä cho hay.

Nhà máy điện với nhiều tổ máy ICE cung cấp khả năng vận hành linh hoạt cho hệ thống điện.

Nhà máy điện với nhiều tổ máy ICE cung cấp khả năng vận hành linh hoạt cho hệ thống điện.

Nhằm hỗ trợ cho sự gia tăng nhanh chóng về nguồn năng lượng tái tạo, từ năm 2018, Wärtsilä đã không ngừng chia sẻ với các cơ quan quản lý và khu vực tư nhân những kinh nghiệm trong việc mô phỏng hệ thống điện, đưa ra các khuyến nghị trong việc xây dựng lộ trình giảm phát thải các-bon trong ngành điện, nâng cao tầm quan trọng của việc bổ sung các nguồn điện linh hoạt vào hệ thống, và giới thiệu những công nghệ và giải pháp của động cơ ICE.

Với thực tế công suất của năng lượng tái tạo tại Việt Nam hiện đã lên tới 27% tổng công suất nguồn đặt của hệ thống nhưng sản lượng mới chỉ chiếm khoảng 9-11%, việc phát huy giới hạn kỹ thuật cho phép tích hợp nguồn năng lượng tái tạo đã có sẵn là vấn đề cấp bách.

Từng điều hành Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), ông Trần Anh Thái, hiện là Giám đốc Công ty cổ phần ATS cũng cho hay, do tính chất thay đổi liên tục của gió và bức xạ mặt trời nên khi hệ thống điện có tỷ lệ tham gia của các nguồn năng lượng tái tạo càng lớn thì cần có các loại nguồn có đặc tính có thể điều độ được, đáp ứng điều khiển nhanh và thỏa mãn các yêu cầu kỹ thuật nhất định để tham gia thị trường Kiểm soát tần số và dịch vụ phụ trợ (FCAS).

Các giải pháp được nhắc tới là các tổ máy khởi động nhanh dùng động cơ đốt trong ICE như của Wärtsilä hay sử dụng các dịch vụ phụ như điều chỉnh tần số, dự phòng quay, điều chỉnh điện áp, quán tính hệ thống, cải thiện SCR… để đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định.

Thêm giải pháp tăng nguồn cung nhanh

Trong tháng 5-6/2023 vừa qua, miền Bắc đã phải đối mặt với việc cắt điện luân phiên do nguồn cung tại chỗ không đủ đáp ứng tại một số thời điểm. Tuy nhiên, vấn đề thiếu nguồn cung này dường như khó cải thiện trong vài năm tới.

“Wärtsilä có rất nhiều kinh nghiệm trên toàn cầu với các giải pháp để đối phó với những thách thức như vậy. Trong vòng vài năm vừa qua, chúng tôi đã xây dựng rất nhiều các nhà máy điện ICE dạng mô-đun trong thời gian ngắn (fast-track) tại các nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Myanmar hay Campuchia để giảm thiểu tình trạng thiếu điện một cách nhanh chóng”, ông Thành chia sẻ thêm.

Từ trái qua phải, từ trên xuống: Năm 2019, với sự hỗ trợ của Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (EREA - Bộ Công thương) và Đại sứ quán Phần Lan, Wärtsilä tổ chức Diễn đàn Năng lượng thông minh (Smart Energy Forum) – sự kiện đầu tiên giới thiệu công nghệ ICE tới thị trường Việt Nam; Năm 2020 - Wärtsilä cùng với Viện Năng lượng (Bộ Công thương) công bố báo cáo nghiên cứu về sự cần thiết và vai trò của nguồn điện linh hoạt ICE trong hệ thống điện Việt Nam; Năm 2021 – Chủ tịch và Tổng giám đốc của Wärtsilä chào đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới thăm Phần Lan; Năm 2022 – Wärtsilä tổ chức hội thảo kĩ thuật về công nghệ và giải pháp mới nhất của động cơ ICE

Từ trái qua phải, từ trên xuống: Năm 2019, với sự hỗ trợ của Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (EREA - Bộ Công thương) và Đại sứ quán Phần Lan, Wärtsilä tổ chức Diễn đàn Năng lượng thông minh (Smart Energy Forum) – sự kiện đầu tiên giới thiệu công nghệ ICE tới thị trường Việt Nam; Năm 2020 - Wärtsilä cùng với Viện Năng lượng (Bộ Công thương) công bố báo cáo nghiên cứu về sự cần thiết và vai trò của nguồn điện linh hoạt ICE trong hệ thống điện Việt Nam; Năm 2021 – Chủ tịch và Tổng giám đốc của Wärtsilä chào đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới thăm Phần Lan; Năm 2022 – Wärtsilä tổ chức hội thảo kĩ thuật về công nghệ và giải pháp mới nhất của động cơ ICE

Châu Á cũng đang trở thành thị trường quan trọng với Wärtsilä khi tập đoàn đã xây dựng khoảng 2.200 nhà máy điện ICE đáp ứng nhu cầu điện và cung cấp khả năng cân bằng hệ thống và đã thành công cung cấp tổng công suất lắp đặt 76 GW công suất nhà máy điện ICE cũng như 110 hệ thống lưu trữ năng lượng ESS trên 180 quốc gia toàn cầu.

Đơn cử như Dự án nhà máy điện khí công suất 100 MW sử dụng 10 tổ máy ICE Wärtsilä 34SG tại Nhật Bản được đặt hàng vào tháng 7/2022. Nhà máy mới thay thế cho một nhà máy tuabin khí chu trình hỗn hợp (CCGT) công suất 100 MW. Nhà máy này khi hoàn thành cũng sẽ tham gia vào thị trường cân bằng hệ thống giữa các vùng miền mới được các cơ quan quản lý Nhật Bản cho triển khai từ năm 2021.

“Xu hướng phát triển bền vững đang rất thịnh hành ở Nhật Bản.Việc bổ sung những động cơ ICE với khả năng khởi động nhanh, đạt công suất tối đa trong vòng vài phút sau khi khởi động này cũng giúp cân bằng hệ thống và cung cấp nguồn phủ đỉnh cần thiết một cách nhanh chóng, trong bối cảnh Nhật Bản đang đặt mục tiêu tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo lên tới 36-38 % vào năm 2030”, ông Nicolas Leong, Giám đốc Khu vực Bắc & Đông Nam Á của Wärtsilä cho biết.

Bởi vậy, Việt Nam - điểm nóng trong khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng về nhu cầu điện và mức độ thâm nhập nguồn năng lượng tái tạo top đầu thế giới trong vòng 5 năm qua cũng khó thờ ơ với các giải pháp hữu hiệu và nhanh triển khai nhằm đạt được các mục tiêu về chuyển dịch năng lượng và giảm phát thải như đã cam kết.

Hoàng Nam

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cach-tang-huy-dong-nang-luong-tai-tao-san-co-khi-nhieu-nguon-dien-moi-i-ach-d193208.html