Cách thưởng lãm tranh cho người chưa biết gì

Việc 'đọc hiểu' một tác phẩm là điều không đơn giản. Để có thể hiểu nghệ thuật, ta cần nhiều thời gian xây dựng mối quan hệ với chúng.

“Nghệ thuật giao thoa với nhiều thứ hơn mọi người nghĩ", Karen K. Ho, cây bút của ARTNews, từng viết.

Nghệ thuật không chỉ có tranh Van Gogh và Monet được treo trong bảo tàng. Đó còn là kiến trúc xoắn ốc của tòa nhà Guggenheim ở New York (Mỹ), hay những bức tranh graffiti trên đường phố, thiết kế trên áp phích phim, biển hiệu…

Có thể thấy nghệ thuật là trung tâm văn hóa của con người. Vậy vì sao nhiều người cảm thấy nghệ thuật là điều gì đó rất khó hiểu?

Theo Vox đưa tin, trong một cuộc khảo sát năm 2023 của công ty nghiên cứu thị trường YouGov, gần một nửa số người Mỹ cho rằng mình là người không có khiếu nghệ thuật.

Có đến 58% cho biết họ không quen thuộc với những phong trào nghệ thuật nổi tiếng hoặc các phong cách nghệ thuật.

Đó cũng là phần lớn cuộc đời của cây bút Courtney Tenz của Vox. Cô thừa nhận mình không lớn lên hay được phát triển trong một môi trường đậm chất nghệ thuật, cũng không được giáo dục cảm thụ nghệ thuật thế nào.

Tenz muốn trở thành người biết đánh giá nghệ thuật. Nhưng để làm được điều đó, cô phải xây dựng một mối quan hệ với nghệ thuật.

“Tôi không chỉ phải tiếp xúc với nghệ thuật thường xuyên mà còn cần ngồi xuống, dành thời gian chăm chú và tập trung để thực sự hiểu và đánh giá tác phẩm nghệ thuật", cô viết.

Khi bắt đầu hình thành thói quen, cô thường xuyên đến thăm các viện bảo tàng, phòng trưng bày và hội chợ và xem điều gì đang diễn ra.

 Để hiểu được một tác phẩm, Courtney Tenz cho rằng ta cần dành thời gian chăm chú và tập trung để thực sự hiểu và đánh giá. Ảnh: Flickr.

Để hiểu được một tác phẩm, Courtney Tenz cho rằng ta cần dành thời gian chăm chú và tập trung để thực sự hiểu và đánh giá. Ảnh: Flickr.

Xem nghệ thuật như một cuộc phiêu lưu

Trong một thời gian dài, Tenz chật vật để hiểu về nghệ thuật. Đôi khi, cô sử dụng các âm thanh diễn giải hoặc lắng nghe cuộc trò chuyện của nghệ sĩ. Điều này có thể giúp cô hiểu rõ hơn về bối cảnh, lịch sử của tác phẩm, song không phải lúc nào cũng giúp cô kết nối được sâu sắc với nghệ thuật.

“Mãi cho đến khi nhìn thấy một bức tranh của Monet ở Kunsthaus (Zurich, Thụy Sĩ), tôi mới hiểu rằng việc giải mã ý nghĩa của một tác phẩm không chỉ là việc ta nhìn vào vẻ bề ngoài của nó, mà còn cần nhìn xa hơn, kết nối nó với các trải nghiệm cá nhân và ký ức của bản thân”, cô viết.

Cây bút khẳng định ý nghĩa của nghệ thuật bắt nguồn từ sự tương tác giữa người xem và nghệ sĩ. Theo quan điểm của cô, ý kiến của người xem là điều đặc biệt quan trọng, không phụ thuộc vào ý định ban đầu của nghệ sĩ.

Từ quan điểm đó, việc “tiếp thu” nghệ thuật sẽ bớt đáng sợ hơn vì không có cách đọc một tác phẩm đúng hay sai.

 Courtney Tenz tìm cách kết nối với nghệ thuật thông qua việc kết nối nó với các trải nghiệm cá nhân. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Courtney Tenz tìm cách kết nối với nghệ thuật thông qua việc kết nối nó với các trải nghiệm cá nhân. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Cô cũng khuyến khích mọi người hãy xem việc đến thăm bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật như một hành động tích cực. Đó không chỉ là việc đứng xem, mà còn là việc tìm hiểu và xây dựng mối quan hệ sâu sắc với các tác phẩm.

Như Gregg Deal, họa sĩ người Mỹ, tin rằng tư duy phê phán là điều quan trọng đối với bất kỳ môn nghệ thuật nào, dù là phía nghệ sĩ hay người xem.

Hãy cởi mở dù khó chịu

Tenz nhấn mạnh về ý nghĩa của việc mở lòng và chấp nhận sự không thoải mái khi đối mặt với nghệ thuật.

Nghệ thuật góp phần cho người xem tưởng tượng, làm cho hiện thực trở nên dễ hiểu, đáng nhớ. Tuy nhiên, cô cũng nhấn mạnh rằng sự tương tác với nghệ thuật có thể đưa đến những cảm xúc mà chúng ta không thích, như sự ghê sợ hoặc kinh ngạc.

Khi xem các tác phẩm của Deal, Tenz đã trực tiếp trải nghiệm điều đó. Một số tác phẩm của ông truyền cảm hứng hài hước, nhưng vẫn có những tác phẩm khác khiến người ta phải cảm thấy xấu hổ.

“Nghệ thuật chân thực có thể khiến mọi người rất khó chịu. Nhưng tạo ra sự khó chịu đó là một phần quan trọng trong công việc của người nghệ sĩ khi chúng tôi muốn truyền đạt ý kiến của mình một cách trung thực", Deal nói.

Theo Tenz, chính việc vật lộn với những cảm xúc đó mà mối liên hệ giữa ta với nghệ thuật được rèn giũa.

 Những bức tranh đôi khi sẽ khiến người xem phải cảm thấy khó chịu vì hiện thực phơi bày. Ảnh minh họa: Gagosian

Những bức tranh đôi khi sẽ khiến người xem phải cảm thấy khó chịu vì hiện thực phơi bày. Ảnh minh họa: Gagosian

Chú ý đến những trải nghiệm thoáng qua

Theo quan điểm của Lynda Barry, một họa sĩ truyện tranh, nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nhẹ và giải quyết những cảm xúc tiêu cực, đau đớn tinh thần mà con người trải qua trong cuộc sống.

Quan điểm này cho thấy mối liên kết giữa nghệ thuật và tâm lý, thể hiện sự quan trọng của việc thấy được chính mình phản ánh trong nghệ thuật, từ đó có thể giúp chúng ta xử lý và đối mặt với những khía cạnh khó khăn của cuộc sống.

 Các chuyên gia cho rằng nghệ thuật có khả năng "chữa lành" cho người thưởng thức, giúp họ nhận ra vẻ đẹp cuộc sống. Ảnh minh họa: New York Times.

Các chuyên gia cho rằng nghệ thuật có khả năng "chữa lành" cho người thưởng thức, giúp họ nhận ra vẻ đẹp cuộc sống. Ảnh minh họa: New York Times.

Cây viết Karen K. Ho cho rằng nghệ thuật có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm và suy nghĩ của mỗi người.

Cô nhấn mạnh việc vượt lên trên những đánh giá đơn giản như "đẹp" hay "xấu" để thấy nghệ thuật như một hành trình thú vị.

Ví dụ về triển lãm của Vermeer tại Rijksmuseum là một cách để minh họa ý này. Mặc dù cuộc sống hàng ngày của người xem có vẻ không liên quan đến thế giới của quý tộc Hà Lan thế kỷ 17, thông qua tranh của Vermeer, người xem nhìn nhận lại cuộc sống của mình một cách mới.

“Tôi kỳ vọng rằng khi người xem suy nghĩ về những điều này, họ sẽ nhận thức được rằng vẻ đẹp có thể xuất hiện trong những khoảnh khắc đời thường”, Karen K. Ho nói.

Thiên An

Nguồn Znews: https://znews.vn/cach-thuong-lam-tranh-cho-nguoi-chua-biet-gi-post1461564.html