Cách tính điểm ưu tiên đại học năm 2023 thế nào?

Theo cách tính điểm ưu tiên năm 2023 thì thí sinh có tổng điểm càng cao, điểm ưu tiên càng giảm.

Cách tính điểm ưu tiên năm 2023 thế nào?

Cách tính điểm ưu tiên năm 2023 thế nào?

Theo quy định, từ năm 2023, thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên sẽ có điểm cộng ưu tiên giảm dần đều. Đến khi tổng điểm thi là 30, điểm ưu tiên bằng 0.

Theo quy chế tuyển sinh đại học do Bộ GD&ĐT ban hành, những thí sinh đạt tổng điểm dưới 22,5 không có gì thay đổi trong điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng.

Tuy nhiên, với những thí sinh đạt từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30), điểm ưu tiên sẽ giảm dần đều. Công thức tính điểm ưu tiên như sau:

Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.

Trong đó, mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn là 0,5, khu vực 2 là 0,25; khu vực 3 không được tính điểm ưu tiên.

Theo Bộ GD&ĐT lý giải, việc thay đổi trong cách tính điểm ưu tiên này nhằm tạo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau. Trong trường hợp thí sinh đạt điểm thi 30, điểm ưu tiên bằng 0. Điều này sẽ tránh được hiện tượng như những năm trước đây, thí sinh đạt điểm xét tuyển tới hơn 30 điểm.

Ngoài ra, có những trường hợp thí sinh ở khu vực thành phố lớn đạt điểm thi rất cao, lên tới 28 – 29 điểm nhưng vẫn không trúng tuyển vào các ngành “hot” do không có điểm cộng như những bạn thuộc khu vực khác. Điều này không công bằng cho nhóm thí sinh đạt điểm cao khi cạnh tranh vào các ngành và các trường hàng đầu.

Trước năm 2003, thí sinh dự thi được cộng nhiều nhất 3 điểm ưu tiên khu vực. Từ năm 2004 đến 2017, thí sinh được cộng tối đa là 1,5 điểm. Đến năm 2018, điểm ưu tiên khu vực cao nhất là 0,75.

Hai thủ khoa khối khối A00 năm nay là Nguyễn Mạnh Thắng và Nguyễn Mạnh Hùng cùng đạt 29,35 và cùng đăng ký NV 1 ngành Khoa học máy tính - ĐH Bách khoa Hà Nội. Tuy nhiên, theo điểm chuẩn ĐH Bách khoa Hà Nội công bố chiều 22/8, ngành Khoa học máy tính lấy điểm cao nhất trường với 29,42 điểm. Theo mức điểm này, cả 2 thủ khoa khối A00 đều trượt nguyện vọng 1.

Theo thí sinh này, do năm nay, Bộ GD&ĐT có cách cộng điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên khác so với những năm trước nên điểm ưu tiên của em rất thấp, không đủ tổng điểm vào ngành IT1.

Tương tự, thí sinh Nguyễn Mạnh Hùng, cựu học sinh Trường THPT Trưng Vương, Văn Lâm, Hưng Yên đạt 10 điểm môn Vật lý, 9,6 điểm môn Toán và 9,75 điểm môn Hóa học. Hùng cũng cho biết, trước đó khá tin có thể trúng tuyển ngành Khoa học máy tính. Khi biết mình trượt ngành IT1, nam sinh rất bất ngờ.

Với điểm số này, cả hai nam sinh cùng đỗ nguyện vọng 2 vào ngành Kỹ thuật Máy tính (IT2) của ĐH Bách khoa Hà Nội. Ngành này của trường năm nay lấy 28,29 điểm.

Hiện nay, đã có hơn 100 trường đại học công bố điểm chuẩn năm 2023. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, trước 17h ngày 6/9, tất cả các thí sinh trúng tuyển cần xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống. Nếu thí sinh không xác nhận nhập học sẽ phải đợi xét tuyển bổ sung vào các đợt xét tuyển tiếp theo của các trường đại học.

Những thí sinh đã xác nhận nhập học sẽ không được đăng ký nguyện vọng xét tuyển tiếp theo, trừ các trường hợp được hiệu trưởng, giám đốc cơ sở đào tạo cho phép không nhập học.

Trong trường hợp chưa xác định nhập học, thí sinh có thể tiếp tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia như các thí sinh khác, nếu trúng tuyển, thí sinh sẽ xác nhận nhập học theo lịch chung.

Từ ngày 7/9 đến tháng 12, thí sinh có nhu cầu xét tuyển các đợt bổ sung của cơ sở đào tạo thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của các trường.

Các cơ sở đào tạo phải báo cáo chính xác, đầy đủ kết quả tuyển sinh năm 2023 trên hệ thống trước 31/12.

(tổng hợp)

Phi Khanh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cach-tinh-diem-uu-tien-dai-hoc-nam-2023-the-nao-239394.html