Cách tốt nhất để an ủi ai đó khi họ buồn
Khi đối tác, thành viên gia đình, bạn bè hoặc đồng nghiệp của bạn gặp chuyện buồn, bạn sẽ muốn tìm cách làm họ cảm thấy tốt hơn hoặc vui vẻ hơn.

Cách hiệu quả nhất để giúp ai đó bình tĩnh lại là bắt đầu một cuộc trò chuyện. (Ảnh: ITN)
Trong tình cảnh này, bạn có thể nghĩ đến một số lựa chọn: Mua cho họ đồ ăn ngon hoặc để họ trút giận? Hay cho họ chút không gian để khóc thật to? Thực tế, một nghiên cứu diễn ra trong nhiều năm cho thấy cách hiệu quả nhất để giúp ai đó bình tĩnh lại là bắt đầu một cuộc trò chuyện.
Tiến sĩ Razia Sahi, một nghiên cứu sinh ngành tâm lý học tại Đại học California, Los Angeles, người nghiên cứu cách các tương tác xã hội ảnh hưởng đến cảm xúc của con người, cho biết não bộ của con người thích nghi tốt với thông tin họ nhận được từ người khác và họ liên tục sử dụng thông tin này, “rằng người khác quan tâm đến những gì chúng ta nghĩ”, như phản hồi để thay đổi hành vi và phản ứng của họ.
Ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành cảm xúc của con người, và con người là loài có tính xã hội. Một số hình thức hỗ trợ bằng lời nói được cho là hữu ích hơn những hình thức khác. Nhưng những lời chúng ta dùng để an ủi người khác mới là điều quan trọng. Trong một nghiên cứu nhỏ, Tiến sĩ Sahi và các đồng nghiệp của bà đã phát hiện một số điều thú vị:
Mọi người muốn nghe những câu như “Tôi hiểu tại sao bạn cảm thấy như vậy” hoặc “Điều đó nghe có vẻ khó khăn”, những câu nói này đặc biệt có tác dụng an ủi.

Cảm giác được thuộc về rất quan trọng đối với tất cả chúng ta, nó giống như cảm giác mong muốn được người khác chấp nhận. (Ảnh: ITN)
Nghiên cứu cũng phát hiện việc nói với bạn bè rằng họ không nên cảm thấy tệ khi họ buồn thường khiến họ cảm thấy tệ hơn.
Trong một nghiên cứu rất thú vị: hơn 300 cuộc gọi điện thoại giữa khách hàng và nhân viên dịch vụ khách hàng để giải quyết các vấn đề và khiếu nại liên quan. Khi nhân viên dịch vụ khách hàng khuyên nhủ khách hàng đang bực bội hãy “bình tĩnh” hoặc “thư giãn”, khách hàng thường trở nên tức giận hơn.
Lý do khiến những kiểu an ủi này có thể phản tác dụng là vì chúng ám chỉ rằng cảm xúc của một người “có thể không phù hợp hoặc cảm xúc của họ có thể mạnh hơn mức tình huống yêu cầu, điều này vô tình gửi đi thông điệp rằng họ đang phản ứng thái quá, kết quả là sự an ủi vô tình khiến họ trở nên xúc động hơn”.
Nhưng nếu chúng ta sử dụng những bình luận khẳng định như “Tôi có thể tưởng tượng việc này khó khăn đến nhường nào”, đối phương sẽ cảm thấy mình thực sự được an ủi và thấu hiểu. Cách này có tác dụng hơn so với những phản hồi khác nhằm giúp mọi người thay đổi quan điểm về vấn đề.
Nói cách khác, những lời khẳng định như vậy sẽ khiến mọi người cảm thấy được tin tưởng, quan tâm và có cảm giác được thuộc về.
Cảm giác được thuộc về rất quan trọng đối với tất cả chúng ta, nó giống như cảm giác mong muốn được người khác chấp nhận. Đó là bản năng sinh tồn ăn sâu vào trái tim chúng ta.
Mặc dù lời khẳng định có thể khiến mọi người cảm thấy tốt hơn ngay lúc đó, nhưng về lâu dài, chúng không nhất thiết giúp họ giải quyết vấn đề hoặc xóa bỏ những cảm xúc tiêu cực.
Khi bạn bè hoặc người thân của bạn đã bình tĩnh lại và cởi mở hơn, bạn có thể cùng họ thảo luận về cách vượt qua khó khăn. Điều này sẽ giúp đối phương có cảm giác kiểm soát được tình hình của mình, giúp họ cải thiện tâm trạng và thậm chí có thể giải quyết hoàn toàn vấn đề.
Hãy nhớ rằng ý định mới là điều quan trọng. Chúng ta thường đánh giá thấp mức độ hữu ích của những nỗ lực giúp đỡ người khác, có lẽ vì chúng ta lo rằng lời khuyên của mình không hoàn hảo.
Mặc dù chúng ta không dễ tìm ra cách tốt nhất để giúp đỡ người khác, chúng ta vẫn nên tin tưởng rằng những nỗ lực của mình sẽ mang lại sự an ủi. Họ sẽ đánh giá cao sự hỗ trợ về mặt tinh thần, ngay cả khi đó không phải là điều họ cần vào thời điểm đó.
Theo sohu.com
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cach-tot-nhat-de-an-ui-ai-do-khi-ho-buon-post731610.html