Cách tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu
Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu sinh độc tố, bệnh dễ lây lan, nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh bạch hầu, thường gặp nhất ở trẻ em dưới 15 tuổi và những người chưa có miễn dịch với bệnh do chưa được tiêm vaccine phòng bệnh hoặc tiêm chưa đầy đủ.
Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu sinh độc tố, bệnh dễ lây lan, nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc người lành mang trùng và hít phải các chất tiết đường hô hấp của người bệnh bắn ra khi họ, hắt hơi. Bệnh cũng có thể lây qua tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm các chất tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
Những người mắc bệnh bạch hầu thường có hiểu hiện sốt, nhiễm trùng và nhiễm độc toàn thân, có giả mạc màu trắng xám, dai, dính ở amidan hoặc thành sau họng. Ngoài ra, người bệnh còn ho, đau họng, có hạch góc hàm sưng đau. Bệnh nhân cũng có thể bị viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến nguy hiểm tính mạng do ngoại độc tố của vi khuẩn.
HCDC khuyến cáo để phòng bệnh bạch hầu, người dân cần:
Đi tiêm vaccine bạch hầu đầy đủ, đùng lịch theo quy định
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng
Che miệng khi ho hoặc hắt hơi
Giữ vệ sinh thân thế, mũi, họng hàng ngày
Khi có dấu hiệu mắc bệnh/ nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được cách ly, khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời
Hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi ngờ mắc bệnh
Thực hiện tốt vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng
Đảm bảo vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín, bát đũa sạch sẽ
Người dân trong khu vực có dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc kháng sinh dự phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế
Lịch tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu cho trẻ trong chương trình Tiêm chủng mở rộng như sau:
Tiêm lần 1 khi trẻ đủ 2 tháng tuổi.
Tiêm lần 2 ít nhất một tháng sau lần 1.
Tiêm lần 3 ít nhất một tháng sau tiêm lần 2.
Đồng thời, phụ huynh cần cho trẻ tiêm nhắc lại khi 18 tháng tuổi và 7 tuổi. Loại vaccine sử dụng là loại phối hợp, có chứa thành phần bạch hầu.
Đối với trẻ trên 1 tuổi, người lớn chưa được tiêm chủng trước đây hoặc không nhớ tiền sử tiêm chủng, nên tiêm càng sớm càng tốt đối với lần 1. Người dân tiêm vaccine lần thứ 2 cách lần 1 tối thiểu 1 tháng, lần 3 cách lần 2 tối thiểu 6 tháng và tiêm nhắc lại 2 mũi, cách nhau tối thiểu một năm. Loại vaccine sử dụng là vaccine bạch hầu nguyên liều hoặc giảm liều.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cach-tot-nhat-de-phong-benh-bach-hau-post1486071.html